Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những dụ ngôn về tình yêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những dụ ngôn về tình yêu

Nguyễn Nghị

(TBKTSG) – Đó là tên gọi của đêm văn nghệ do các doanh nhân thuộc nhóm thân hữu Mai Tâm và một số nghệ sĩ, ca sĩ bạn bè của họ tổ chức tại White Palace vào những ngày áp lễ Giáng sinh. Mấy trăm người chấp nhận tự giam mình trong một sảnh đóng kín, tách biệt khỏi những lo toan thường ngày, để dành thời gian lắng nghe tiếng hát, giọng kể chuyện “đem tình yêu trở về”.

Trở về, trước tiên, với những sinh linh bé nhỏ sinh ra đã không còn cha, còn mẹ, chào đời với “mầm bệnh thế kỷ”, cái mầm của sự chết nơi thân xác đã khép lại quá sớm cánh cửa hy vọng của đời người.

Những sinh linh ấy thuộc một mái ấm có tên là Mai Tâm, trái tim ban mai hay tình yêu cho buổi bình minh đầu đời, được thành lập cách nay năm năm, để tiếp nhận và “phục hồi niềm tin vào cuộc sống, vẽ nên những sắc màu tươi vui, trong sáng và ấm áp cho ánh mắt trẻ thơ, tạo dựng một nền tảng vững chắc để con trẻ có thể lớn lên trong Tình Yêu”.

Tình yêu trở về

Những người đứng ra tổ chức và hát trong buổi họp mặt “đem tình yêu trở về” này là những người lâu nay đã làm quen và xác tín với thông điệp phát ra từ mái ấm: những số phận xem ra không có ngày mai, nhưng vẫn còn một ngày hôm nay đáng được sống một cách trọn vẹn. Từ đó, họ liên hệ đến chính hoàn cảnh của mình, như họ đã viết trong một bản tin nội bộ: “Cũng như chúng ta, những người bận rộn, mải lo nghĩ, chạy theo những kế hoạch, dự định, trăn trở của ngày mai mà không kịp dừng lại để sống cho trọn những phút hiện tại…”. Và họ đặt tên cho nhóm của họ là nhóm thân hữu Mai Tâm, nhóm bạn bè của những sinh linh bé nhỏ đang cần được chia sẻ tình người.

Những năm tháng làm bạn với các bé, với những người phụ trách mái ấm đã cho họ cảm nhận được rằng đối với những sinh linh bé bỏng này, cái cần thiết để sống trọn vẹn ngày hôm nay không chỉ là của ăn, thuốc uống, xem ra đã không còn đủ hiệu lực để đem lại sức mạnh thể xác đưa các em đi trọn những năm tháng của một đời người như bao người khác. Những vốc thuốc các em nuốt sớm, nuốt chiều chỉ biểu lộ cái nghiệt ngã của số phận. Cái các em cần và có khả năng làm các em sống, và sống một cách trọn vẹn cuộc sống làm người, trong từng ngày hôm nay của cuộc đời các em, chính là tinh thần, là tình cảm, là sự chăm sóc có khả năng tạo nên tiếng cười vượt lên trên định mệnh, của cha, của các cô, các dì phụ trách mái ấm, của các bạn cùng cảnh ngộ, của những người thiện chí chấp nhận và sẵn sàng tới đây để bị “lây nhiễm” thứ tình thương vô vị lợi vốn là biểu hiện của nền văn hóa, văn minh sự sống.

Thực vậy, chấp nhận đến đây, mọi người, đa số do tình nguyện, chỉ có một ưu tư duy nhất, đó là làm sao để tạo nên được một tấm lòng biết cảm thông với những nỗi khổ đau muôn mặt của con người, một thái độ sẵn sàng làm tất cả những gì sự cấp bách của hoàn cảnh đòi hỏi mà không chút đắn đo, tính toán hay chờ đợi, dù chỉ là một lời cám ơn. Như con người nhân hậu, biết dừng lại bên người bị quân cướp đánh trọng thương vất bên vệ đường như một xác chết, vì còn có thể chạnh lòng thương để tin rằng không phải mọi hy vọng đều đã tắt. Dừng lại và làm tất cả những gì tình trạng của người bị nạn đòi hỏi, người được gọi là nhân hậu này đã xử sự như đồng loại của con người, làm người với con người, trước cả khi người được chăm sóc có thể lạy tạ như vị ân nhân cứu mạng của mình.

Không ít người đã học được ở đây bài học của sự dừng lại này để nhận ra tiếng gọi của cái ngày hôm nay của cuộc sống làm người để dấn thân vào cuộc, làm dậy lên sự sống, sự sống mới, cả từ mồ chôn mọi hy vọng, từ chính nơi hủy hoại mọi sự sống, không phải bằng quyền lực, bằng tiền tài mà trước tiên là bằng tình yêu thương. Mọi người được đặt trước một thách thức to lớn: cuộc sống đích thực không chỉ được đo bằng chiều dài của năm tháng, mà còn, và nhất là, bởi chiều cao, chiều sâu, bởi bề dày của sự sống.

Chiếc áo vest

Người ta kể đi kể lại, ở mái ấm hay trên tờ thông tin nội bộ của nhóm thân hữu Mai Tâm, và cả ở đây nữa, trong cái đêm “đem tình yêu trở về” này, câu chuyện về cái áo vest của một thành viên bé nhỏ của mái ấm. Cho tới những hàng cuối cùng của câu chuyện, mọi sự diễn ra thật bình thường như tất cả những cái bình thường của cuộc đời đến độ chẳng ai thèm đặt vấn đề về tính cách thực, hư của câu chuyện: một ông lão chạy xe ôm chở khách qua lại biên giới Việt Nam – Campuchia. Một cô gái trẻ là một trong những người khách được ông chở đi chở về qua biên giới này. Một ngày nọ, cô gái trẻ đến tìm ông lão chạy xe ôm, nhưng không phải để đi xe, mà là để trao cho ông một bé sơ sinh nhờ ông tìm người nuôi hộ, vì cô biết mình đã bị án chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Phần tiếp theo của câu chuyện cũng thật bình thường: sinh linh bé nhỏ này đã may mắn được một cặp vợ chồng hiếm muộn nhận làm con nuôi và yêu quý như con đẻ. Nhưng tới đây thì câu chuyện bắt đầu rẽ sang một hướng khác: một lần nọ đi chơi công viên với cha mẹ nuôi, bé chẳng may té gãy chân. Bé được đưa vào bệnh viện, và tại đây, cha mẹ nuôi của bé đã lặng người khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm máu của bé: HIV dương tính. Thế là một buổi sáng nọ, cha mẹ nuôi cho bé mặc một cái áo vest mới và dẫn bé không phải tới trường như mọi khi, mà là tới một nơi thích hợp hơn với những sinh linh như bé. Bé trở thành thành viên mới của mái ấm Mai Tâm, nổi bật với đặc điểm lúc nào cũng giữ chặt chiếc túi bên mình như một vật báu bất khả ly thân.

Câu chuyện tiếp tục: một ngày nọ, người phụ trách mái ấm báo tin mừng cho các bé: “Chiều nay, tất cả các con sẽ đi dự tiệc cưới của dì T. (một giáo viên tình nguyện của mái ấm). Các con nhớ mặc đồ đẹp nhé!”. Nhưng không phải bé nào cũng có đồ đẹp để mặc đi dự đám cưới. Và bé có chiếc túi lúc nào cũng khư khư bên mình bỗng nghe có tiếng khóc. Và khi được giáp mặt cậu bé đã khóc vì không có đồ đẹp để cùng chung vui với các bạn, sau một khoảnh khắc do dự, Bé mở chiếc túi, lôi ra cái áo vest ba cho hôm đưa em vào mái ấm, đưa cho bạn và nói: “Bạn mặc đi!”. Bạn kia hỏi: “Thế bạn mặc gì?”. Bé đáp lại: “Bạn cứ cầm lấy đi… Cả tuần nay mình đã không đứng dậy nổi nữa rồi”.

Và người kể câu chuyện này trên bản tin thổ lộ: “Tôi chưa bao giờ kể tiếp được câu chuyện này cho bất kỳ ai, vì từ lúc nào khóe mắt đã nhòe cay. So với chiếc áo nhỏ bé của em, những chiếc áo đắt tiền mà tôi từng có đều trở nên vô nghĩa”.

Còn người kể câu chuyện này ở đây hôm nay, đã kể tiếp phần cuối của câu chuyện mà người kể chuyện trong bản tin đã để lại: Bé lúc này đây không còn trên cõi đời này nữa, nhưng dù ở bất cứ nơi nào, hẳn Bé cũng đang mỉm cười hạnh phúc khi nhìn ngắm những bạn bè thân thương ngày nào đang có mặt ở đây, tối nay, trong buổi họp mặt “Đem tình yêu trở về” này.

Thật lạ lùng! Cái áo vest đã cho đi rồi nhưng vẫn còn đó và xem ra đã vĩnh viễn gắn liền với Bé, vì mỗi khi nhắc đến Bé, người ta không thể không nhắc lại cái áo vest đã đem lại niềm vui cho bạn!

Tiếng chim hót

Người kể chuyện khẳng định đây là chuyện có thật. Nhưng phần cuối của câu chuyện lại khiến không ít người nghi ngờ, vì nó kết thúc đẹp quá, hoàn hảo quá, mẫu mực quá. Không biết từ bao giờ, những phần kết chuyện loại này xem ra đã trở nên lạ lẫm hay chỉ còn được xem như những vang vọng của dụ ngôn về tình thương cho đi, ban tặng, dâng hiến… vì hạnh phúc, vì niềm vui của người khác, thứ dụ ngôn đã được xếp vào loại cổ tích.

Nhưng đối với những người trong cuộc, câu chuyện đã thực sự được đón nhận như một thông điệp phát đi từ mái ấm quy tụ những sinh linh bị xem là bất hạnh này. Một thông điệp mạnh đủ để có thể khiến hàng chục người tận tâm, tận lực trong suốt ba tháng trời làm tất cả những gì họ thấy là cần thiết để đem lại cho các bé, cho chính họ và bạn bè trong đó có cả các nghệ sĩ tên tuổi, cho mọi người có mặt, một buổi tối, một khoảnh khắc cuộc đời được sống một cách trọn đầy và trọn vẹn. Sự hiện diện trên sân khấu của các bé thuộc mái ấm để hòa tiếng hát ca ngợi tình yêu với các chú, các bác, các cô dì trong nhóm bạn hữu của mái ấm Mai Tâm, trong bộ y phục đẹp, được may riêng cho một buổi lễ vui, gợi lại chiếc áo vest của tiệc cưới ngày nào, đã thực sự là một lời mời gọi “đem tình yêu trở về”. Một lời mời gọi chỉ có thể là chân thật, vì người nghe cảm nhận rõ lời ca, giọng ca, tiếng đàn ở đây mang cả hồn người khi đến với người nghe…

Cũng thuộc loại câu chuyện về chiếc áo vest, đó là cử chỉ cũng có thật của người phụ nữ có tuổi, sáng sáng tranh thủ giờ bách bộ thể dục để rải những nắm gạo ở một số góc đường vắng cho những chú chim sẻ tội nghiệp phải sống trong một không gian ngày càng không phải của chúng. Cũng vẫn là những dụ ngôn về tình yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu sự sống. Người phụ nữ đã đem lại và duy trì tiếng chim hót, niềm vui cho trẻ thơ và người già, mỗi khi thức dậy, trước một ngày dài thảnh thơi, không bị cuộc sống hối hả xô đẩy.

Những câu chuyện, những cử chỉ, tuy nhỏ, nhưng là những dụ ngôn súc tích cảnh báo mọi người trước mảng đen văn hóa sự chết với những biểu hiện cụ thể của lối sống coi nhẹ con người, coi nhẹ mạng người, chẳng màng đến tình người, phá hoại môi sinh… đang tìm mọi cách để phát triển… xung quanh ta…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới