Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những gã khổng lồ năng lượng đang kiểm soát thị trường LNG toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá khí đốt hóa lỏng (LNG) tăng phi mã đã loại bỏ hàng chục công ty giao dịch nhỏ ra khỏi cuộc chơi do không đủ khả năng thu xếp tài chính cho các lô hàng LNG có giá trị tăng cao hàng chục lần so với cách đây chưa lâu. Điều này khiến thị trường LNG toàn cầu nằm dưới sự chi phối của một số tập đoàn năng lượng quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng hóa dẫn đầu toàn cầu.

Hiện bốn tập đoàn năng lượng và dầu khí Shell và BP của Anh, TotalEnergies của Pháp và Qatar Energy của Qatar ước tính chiếm hơn nửa thị trường LNG toàn cầu. Sự kiểm soát này dự kiến ​​sẽ chưa nới lỏng cho đến năm 2026 khi nhiều nguồn cung LNG mới bắt đầu xuất hiện và giúp giảm giá đáng kể.

Tàu chở LNG được các tàu kéo lai dắt về một nhà máy nhiệt điện ở Futtsu, phía đông Tokyo, Nhật Bản – Ảnh: Reuters

Công ty nhỏ không đủ vốn để giao dịch trên thị trường LNG

Quy mô của thị trường LNG toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011, kéo theo sự gia nhập của hàng chục công ty mới và sự mở rộng của các tay chơi nhỏ hơn ở châu Á. Trong những năm gần đây, các công ty giao dịch nhỏ cung cấp 20% lượng nhập khẩu LNG chỉ tính riêng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá trị các lô hàng LNG tăng vọt đã gây ra cơn chấn động đối với hoạt động giao dịch LNG của các công ty nhỏ. Hiện nay, giá các lô hàng LNG giao ngay đã tăng lên từ 175-200 triệu đô la Mỹ, từ mức chỉ 15-20 triệu đô la cách đây hai năm.

Số vốn cần thiết để giao dịch trên thị trường LNG tăng hàng chục lần sau khi giá LNG chuẩn tăng từ mức thấp kỷ lục dưới 2 đô la/1 triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu) vào đầu năm 2020 lên mức cao 57 đô la vào tháng 8 năm nay.

Hồi tháng 7, Công ty Nippon Steel (Nhật Bản), nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới đã mua một lô hàng LNG với giá 41 đô la/1 mmBtu. Giá LNG giao ngay vào thời điểm đó đứng ở mức 40,50 đô la/1 mmBtu.

Gần đây, giá LNG đã giảm xuống và chạm mức 38 đô la/1 mmBtu vào hôm 26-9. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng giá LNG vẫn còn ở mức quá cao do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa hạ nhiệt.

Theo Ben Sutton, Giám đốc điều hành Six One Commodities, một công ty kinh doanh LNG, có trụ sở tại Mỹ, thách thức lớn nhất mà mọi người tham gia thị trường phải đối mặt lúc này là khả năng thu xếp tín dụng.

Six One Commodities đã thu hẹp hoạt động kinh doanh sau khi giá LNG tăng nhanh kể từ quí 3-2021.

Các biến động thị trường LNG trong ngắn hạn làm tăng rủi ro cho các nhà giao dịch, với yếu tố địa chính trị thay vì các yếu tố cơ bản, thúc đẩy biến động giá.

“Giá trị các lô hàng LNG đang phình to cùng với mức biến động giá dữ dội đã gây áp lực khá lớn lên những tay chơi có bảng cân đối kế toán nhỏ hơn”, Tamir Druz, Giám đốc điều hành Capra Energy, một công ty tư vấn thị trường LNG nói.

Một lãnh đạo của công ty kinh doanh LNG ở châu Á nói với Reuters rằng một số công ty nhỏ hơn đã rời văn phòng không còn hoạt động của họ ở Singapore. Trong khi đó, các công ty kinh doanh LNG nhỏ của Trung Quốc và một số công ty Hàn Quốc thu hẹp hoạt động do khó thu xếp tài chính hơn.

“LNG đã trở lại là hàng hóa của những người giàu có”, Pablo Galante Escobar, Giám đốc toàn cầu về LNG tại Tập đoàn kinh doanh hàng hóa năng lượng Vitol (Hà Lan) phát biểu tại hội nghị Gastech 2022 gần đây tại Milan, Ý.

Các tập đoàn năng lượng đa quốc gia thắng lớn

Các điều kiện kinh doanh trên thị trường LNG hiện nghiêng hẳn về công ty có có danh mục đầu tư LNG lớn, đa dạng và bảng cân đối kế toán mạnh mẽ. Trong đó, có các tập đoàn dầu khi và năng lượng đa quốc gia như Shell, BP và TotalEnergies cùng với những công ty giao dịch hàng hóa lớn bao gồm Vitol, Trafigura, Gunvor và Glencore.

Theo Jason Feer, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Công ty tư vấn năng lượng và vận tải Poten & Partners, ước tính Shell và TotalEnergies chiếm khoảng 110 triệu tấn của thị trường 400 triệu tấn LNG mỗi năm hiện nay.

Cả hai tập đoàn này đã củng cố danh mục đầu tư khí đốt trong nhiều năm, với việc Shell mua lại Tập đoàn dầu khí BG của Anh với giá 47 tỉ bảng và TotalEnergies thâu tóm tài sản LNG thượng nguồn của Tập đoàn năng lượng Engie (Pháp) với giá 1,5 tỉ đô la. Cả hai cũng là đối tác tại dự án North Field của Qatar, một trong những dự án sản xuất LNG lớn nhất thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, danh mục đầu tư LNG của Tập đoàn dầu mỏ Qatar Energy thuộc sở hữu nhà nước Qatar tương đương 70 triệu tấn/năm. Con số này của BP ước tính khoảng 30 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa Shell, TotalEnergies, Qatar Energy và BP chiếm hơn nửa thị trường LNG toàn cầu.

Shell và TotalEnergies đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục, trong khi mức lợi nhuận kỷ lục nửa đầu năm 2022 của Vitol vượt quá lợi nhuận của công ty này trong cả năm 2021.

Guy Broggi, một nhà tư vấn LNG độc lập, cho rằng Shell và TotalEnergies là những người chiến thắng lớn với tư cách là đối tác sản xuất kiêm khách hàng bao tiêu tại các nhà máy LNG của Ai Cập cùng với BP và ENI của Ý. Những tập đoàn này đang bán LNG cao hơn nhiều so với giá mục tiêu của chính phủ Ai Cập là 5 đô la /1 mmbtu.

Là khách hàng mua LNG của Mỹ thông qua các hợp đồng dài hạn, Shell và TotalEnergies cũng thu được lợi nhuận lớn từ việc bán lại LNG giá thấp của Mỹ cho các thị trường châu Âu có giá cao hơn nhiều

Giá LNG cao gây tổn thương cho các nước nghèo vì một số lô hàng LNG, ban đầu tính phân bổ cho họ nhưng cuối cùng lại chuyển hướng sang các khách hàng châu Âu để hưởng giá cao hơn.

“Pakistan và Bangladesh nổi lên như những kẻ thua cuộc lớn vì cả hai đều có chiến lược mua LNG với với tỷ trọng mua giao ngay cao. Do vậy, họ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm nay”, Felix Booth, người đứng đầu bộ phận LNG tại Công ty phân tích dữ liệu Vortexa nói.

Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết Ấn Độ đã trả thêm 20% cho lô hàng LNG nhập khẩu trong tháng 7, trị giá 1,2 tỉ đô la. Trong khi đó, khối lượng LNG nhập khẩu hàng tháng tiếp tục giảm do giá giao ngay cao.

Các dự án LNG chậm triển khai cùng với việc Trung Quốc có thể quay trở lại thị trường LNG sẽ khiến giá nhiên liệu này duy trì ở mức cao  trong thời gian dài.

Theo Jason Feer, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Công ty tư vấn năng lượng và vận tải Poten & Partners, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Trung Quốc quay trở lại thị trường một cách rầm rộ.

Trong năm nay, Trung Quốc đã đứng ngoài thị trường LNG vì nhu cầu thấp do tác động của lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Điều đó đã cho phép LNG chảy sang châu Âu nhiều hơn.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới