Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những giám đốc trên bục giảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những giám đốc trên bục giảng

Ngoài việc học lý thuyết trên lớp, được tham quan nhà máy sản xuất, được giao lưu tiếp xúc với những nhà quản lý doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về ngành nghề đang theo học. Trong ảnh là buổi tham quan nhà máy Vilube của sinh viên do TBKTSG tổ chức. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Dù bận rộn trong vai trò quản lý ở các công ty, vẫn có những doanh nhân dành thời gian lên giảng đường vì niềm đam mê và khát vọng chia sẻ những trải nghiệm mà họ đã góp nhặt từ thương trường.

Dạy điều sinh viên cần

Trong nhiều năm qua, người ta nhắc nhiều đến sự học của doanh nhân để nâng cao kiến thức và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc kinh doanh. Song song đó, không ít doanh nhân tham gia giảng dạy. Theo họ, chia sẻ và nhận chia sẻ qua việc giảng dạy cũng là một cách học.

Ông Lê Quang Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (ICP) cho rằng nhờ những cảm nhận và trải nghiệm thực tế nên những người thầy vốn đang là nhà quản lý sẽ biến những kiến thức chuyên môn có phần khô cứng mà sinh viên được học có thêm hơi thở cuộc sống. Đó là những câu chuyện, kinh nghiệm thành công lẫn thất bại mà không ít trong số đó được đánh đổi bằng thời gian, công sức, tiền bạc.

Bất kỳ giáo viên nào cũng phải đảm bảo đủ hai mảng là kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Thế nhưng, từ kinh nghiệm thực tế, người thầy sẽ cân nhắc thời gian, mức độ đầu tư dành cho từng vấn đề, hướng sinh viên đào sâu vào những nội dung quan trọng, cần thiết, tránh trường hợp học theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”. Vì thế, giờ học với những người thầy doanh nhân thường sôi nổi, hào hứng nhờ những tình huống có thực trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

“Sinh viên có thể tự tìm hiểu kiến thức chuyên môn thông qua sách vở, Internet, giáo trình nhưng cách thức giải quyết tình huống thì không sách vở nào dạy cả. Bằng kinh nghiệm xử lý công việc của nhà quản lý, người thầy sẽ định hướng để các em giải quyết tình huống kịp thời và hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó giám đốc Công ty sản xuất thương mại Trường Phú, phân tích. Hiện ông Dũng là Giáo viên thỉnh giảng ở trường Đại học Hoa Sen.

Từ kinh nghiệm quản lý công việc, quản lý con người trên thực tế, nhiều người thầy đã mạnh dạn biến lớp học trở thành môi trường làm việc nghiêm túc, sinh viên trở thành nhân viên hay thậm chí là nhà quản lý, từ đó phải ứng dụng ngay những điều vừa học để giải quyết tình huống mà doanh nghiệp đương đầu.

“Doanh nhân muốn tham gia giảng dạy, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn vững vàng, còn phải nhiệt tình, từ đó đem lại hứng thú cho người học. Việc thay đổi thói quen học thụ động vốn đã ngấm sâu trong sinh viên hiện nay là điều chẳng dễ dàng. Niềm vui lớn nhất của người thầy là được người học tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, mạnh dạn đề xuất ý tưởng”, ông Hạnh nhận định. 

“Nhiều môn học sinh viên phải tự xây dựng bài học, thu thập, xử lý tài liệu. Chẳng hạn khi học về các kênh bán lẻ, sinh viên phải đến chợ, siêu thị… để tìm hiểu về từng kênh bán hàng, sau đó trình bày lại trước lớp những gì thu hoạch một cách ngắn gọn, súc tích. Lúc đầu sinh viên không ủng hộ phương pháp này nhưng dần dần các em cảm thấy hứng thú khi chính mình làm chủ được buổi học”, ông Dũng kể lại.

Đứng trên bục giảng, đôi khi người  thầy doanh nhân còn chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sắp tốt nghiệp, lưu ý đến những kỹ năng mềm, hướng dẫn cách đối nhân xử thế, quản lý thời gian hoặc các kỹ năng phức tạp như lãnh đạo, xây dựng lòng tự tin, giải quyết sự cố…

Chia sẻ là động lực

Thời còn sinh viên, những người thầy bây giờ cũng đã từng ao ước “được nhận” từ ai đó sự chia sẻ kinh nghiệm khi họ bước vào con đường lập nghiệp.

“Nhiều sinh viên đã tham khảo ý kiến thầy giáo khi muốn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Nếu xét thấy ý tưởng nào khả thi, tôi khuyến khích và hướng dẫn các em thực hiện. Nếu ý tưởng nào nguy cơ thất bại quá cao, tôi cũng trao đổi thẳng thắn”, ông Dũng chia sẻ.

Dạy học, đó là quá trình cho và nhận. Sinh viên đặt ra tình huống hóc búa buộc người thầy phải tìm tòi để giải quyết vấn đề. Tôi đang hoàn thiện bản thân bằng việc kết hợp hài hòa ba yếu tố: làm việc – dạy học – nghiên cứu”, ông Đinh Tiên Minh, Giám đốc đối ngoại của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, hiện là giảng viên bộ môn marketing, khoa Thương mại – Du lịch – Marketing trường Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ.

Nhiều chia sẻ của sinh viên tạo cho người thầy ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện công việc ở công ty. Khó khăn lớn nhất của một doanh nhân kiêm thầy giáo có lẽ là làm sao để sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý: thời gian làm việc ở công ty, thời gian dành cho gia đình, thời gian dạy học và cả thời gian tự nghiên cứu để nâng cao trình độ.

Ngoài việc bảo đảm đúng chương trình quy định của nhà trường, doanh nhân đi dạy đều tự soạn giáo trình riêng. Bởi lẽ giáo án ấy là sự góp nhặt kinh nghiệm từ tình huống cụ thể song song với việc nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên.

“Chia sẻ chính là đóng góp cho xã hội. Sau nhiều năm làm việc ở tập đoàn nước ngoài, chúng tôi đã làm quen với văn hóa chia sẻ. Bạn phải chia sẻ những gì góp nhặt được cho đồng nghiệp, cho lớp người kế tục… Vì thế, không lý do gì không truyền đạt những điều thú vị ấy cho sinh viên khi biết đó là điều họ rất cần”, ông Dũng nói.

MỸ HẠNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới