Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những hàng rào thủng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những hàng rào thủng

Lan Nhi

Những hàng rào thủng
Việt Nam có nhiều “hàng rào” để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước nhưng đa số đều bị thủng. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) – Nhiều ý kiến tại Quốc hội và dư luận lâu nay lo ngại về việc các nhà phân phối, bán lẻ trong nước co cụm, manh mún và ít còn đất sống trước các tập đoàn phân phối nước ngoài, cho dù Việt Nam đã có “hàng rào” ENT (thẩm định nhu cầu kinh tế) trước khi cấp phép. Chuyện không chống đỡ nổi xuất phát từ nguyên nhân là Việt Nam đều có những “hàng rào” được dựng nên để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước nhưng đó đều là các hàng rào thủng.

Hiện tại các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài đang thâm nhập, chiếm lĩnh thị phần mạnh hơn, đẩy các nhà phân phối, bán lẻ trong nước ngày càng xa các khu vực kinh doanh đắc địa. Sự thâm nhập này còn thể hiện qua các cuộc mua bán, sáp nhập nhằm gia tăng thị phần.

Trước thực trạng đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu trong nước, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hôm 18-11: “Hệ thống phân phối và thị trường bán lẻ nội địa của chúng ta sẽ thế nào trước diễn biến này?”. Diễn biến đó sẽ ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước vì hệ thống phân phối không do các nhà phân phối nội địa làm chủ và có quyền điều tiết.

Không hề có chuyện các nhà bán lẻ ngoại không được phép phân phối các mặt hàng thiết yếu, bởi chúng ta dễ dàng mua gạo – một trong số chín mặt hàng này tại các cơ sở của Big C hay Metro.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Chúng ta không mở cửa thị trường hoàn toàn mà mở cửa có lộ trình”. Nhưng thực tế không hề diễn ra như vậy. Từ quy định cho phép nhà bán lẻ vào Việt Nam năm 2007 theo cam kết với WTO, đến năm 2009 cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn ngoại là một lộ trình rất nhanh, hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Ông Hoàng khẳng định rằng Bộ Công Thương đã “xử lý ” được những lo lắng về sự chiếm lĩnh thị trường. Theo ông, hiện cả nước có 900 điểm bán lẻ hiện đại thì chỉ có hơn 70 cơ sở của nước ngoài, còn lại hơn 800 cơ sở của Việt Nam. Một con số khác, tổng dung lượng thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2014 xấp xỉ 3 triệu tỉ đồng thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 3,4%, thấp hơn cách đây 5 năm là khoảng 3,8%. Rồi có đến 9 mặt hàng nhạy cảm trong danh mục các mặt hàng không cho phép các nhà phân phối ngoại tiêu thụ tại các cơ sở này…

Những sự lạc quan đó của người đứng đầu ngành công thương thật đáng ngạc nhiên. Bởi ngay sau đó đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa chứng minh rằng những con số mà ông Hoàng đưa ra không phản ánh đúng những gì đang diễn ra trên thị trường bán lẻ vốn đang dần không có chỗ cho những nhà phân phối trong nước.

“Các nhà bán lẻ ngoại có 70 cơ sở thôi nhưng quy mô và doanh thu gấp 4-5 lần các cơ sở trong nước”, ông Hòa nói. Đó là chưa kể các cơ sở này, nhờ tiềm lực kinh tế, đều nằm ở những vị trí kinh doanh đắc địa, đẩy các nhà phân phối nội vào những chỗ khó “nhằn” hơn.

Mặt khác, tỷ trọng hàng hóa bán lẻ mà ông Hoàng nói đến lại bao gồm các mặt hàng như xăng dầu, vàng bạc mà Việt Nam vẫn giữ độc quyền. Nếu tách nhóm này ra khỏi nhóm các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, tiêu dùng thiết yếu, theo như phân tích của ông Hòa, thì thị phần của các nhà bán lẻ ngoại là một con số rất lớn.

Hơn nữa, cũng không hề có chuyện các nhà bán lẻ ngoại không được phép phân phối các mặt hàng thiết yếu, bởi chúng ta dễ dàng mua gạo – một trong số chín mặt hàng này tại các cơ sở của Big C hay Metro.

Hàng rào kỹ thuật duy nhất còn lại mà người đứng đầu Bộ Công Thương luôn nhắc đến là ENT trên thực tế chỉ là một “hàng rào” thủng. Bởi lẽ, theo quy định của ENT, các nhà bán lẻ mở cơ sở thứ hai trở đi phải được Bộ Công Thương thẩm định xem địa phương đó, vị trí đặt điểm bán lẻ dự kiến đó có cần thiết và phù hợp với quy hoạch không để cấp giấy phép. Song quy định về việc thế nào là cần thiết, thế nào là hợp quy hoạch lại là một vùng kín, đánh đố cả nhà đầu tư ngoại muốn tham gia lẫn các nhà bán lẻ nội nếu họ muốn giám sát.

Tại nhiều kỳ diễn đàn doanh nghiệp, nhóm các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đều ghi vào kiến nghị đòi hỏi sự minh bạch về các quy định này. Bởi lẽ người ta không thể giải thích được tại sao trong vòng bán kính 800 mét đến 1 ki lô mét như lời đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, đã có hai cơ sở bán lẻ nước ngoài cùng chủ đầu tư được cấp phép. Dễ dàng lấy ví dụ chuyện này là một cơ sở của Big C tại Trần Duy Hưng (Hà Nội) chỉ cách cơ sở Big C thứ hai tại The Garden khoảng 1 ki lô mét. Hay nếu không áp dụng quy định WTO với nhà phân phối Metro trước thời điểm 2007 thì cũng không thể dễ dàng cấp phép cho 19 cơ sở của Metro thành lập trong vòng vài ba năm trở lại đây mà không thu được đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Mời đọc thêm

BT Bộ Công Thương: không lo DN bán lẻ nội thua trên sân nhà!

Các nhà bán lẻ nước ngoài có mức tăng trưởng mạnh nhất

Mở cửa thị trường bán lẻ cho nước ngoài: Việt Nam đã cam kết những gì?

Bán lẻ: không thể buông nhưng đành chịu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới