Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những khó khăn mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những khó khăn mới

Nạn cúp điện triền miên đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Doanh nghiệp hiện đang đối diện với những khó khăn mà họ chưa từng gặp phải trong những năm trước.

Tác dụng phụ của chính sách

“Thời gian qua, có những giải pháp kiềm chế lạm phát không hiệu quả, thậm chí gây tác động xấu”, ông Trang Tài, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa miền Tây, nhận định tại hội nghị bàn về các giải pháp chống lạm phát do UBND tỉnh Cần Thơ tổ chức vào tuần trước. Và ông dẫn chứng ngay bằng những chính sách điều tiết thị trường tiền tệ vừa qua: “Trước đây, công ty cần vốn đến đâu thì ngân hàng giải quyết đến đó. Còn bây giờ, lãi suất tăng gấp đôi, nhưng việc cho vay hầu như ngưng lại!”.

Hệ quả khác? Đó là gián tiếp khiến sản phẩm của nhiều doanh nghiệp phải tăng giá thành, “góp phần” thêm vào lạm phát. Bởi theo ông Tài, gần đây công ty ông chấp nhận “neo” vốn, chịu lãi, thậm chí cả lãi phạt, chứ không thể linh hoạt như trước đây là cứ thu được tiền hàng thì trả nợ ngân hàng ngay để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. “Trả thì biết ngân hàng có cho vay lại hay không? Thôi thì cứ giữ lại, khi nào cần thì sử dụng”, ông nói.

Chính sách mới đối với tiền thuê đất cũng là “đối tượng” khiến nhiều doanh nghiệp than phiền. “Theo Nghị định 142 của Chính phủ, việc điều chỉnh giá thuê đất không thể tăng gấp bốn lần. Trong khi vừa qua, có doanh nghiệp bị tăng giá thuê đất lên 16,1 lần! Còn nhiều doanh nghiệp khác ở quận Ninh Kiều đều bị tăng giá thuê đột ngột lên gấp bốn lần”, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ, khẳng định. Theo bà, tăng giá thuê đất đúng ra phải theo một lộ trình để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. “Còn tăng “cái ào” như vậy, khác gì đẩy doanh nghiệp vào thế tiến thoái lưỡng nan?”, bà nói.

Thậm chí, có doanh nghiệp đã nộp xong tiền thuê đất của năm 2006, đã thiếp lập xong kế hoạch, báo cáo tài chính, nay chẳng biết giải thích với cổ đông ra sao khi ngành thuế bỗng dưng gửi giấy đòi nợ truy thu tiền đất, phần mới tăng thêm, của năm 2006 với con số hàng trăm triệu đồng!

“Khi thuê đất, cơ sở pháp lý là hợp đồng với Sở Tài nguyên – Môi trường. Một số hợp đồng có thời hạn hàng chục năm với giá thuê không đổi. Vậy trong khi hợp đồng chưa điều chỉnh, chưa ký lại mà đã tăng giá thì Nhà nước có vi phạm hợp đồng hay không?”, bà Thuận thắc mắc.

Và điều hết sức vô lý ở Cần Thơ là khi một số doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, UBND thành phố ra quyết định miễn tiền thuê đất ba năm, vậy mà năm nào Cục Thuế cũng đều đòi tiền. “Xin hỏi quyết định của ủy ban có hiệu lực hay không?”, bà Thuận bức xúc.

“Thuế là quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhưng nếu ngành thuế tính bất hợp lý thì giá thành sản phẩm tăng, lạm phát là đương nhiên”, một doanh nghiệp than.

Vẫn… hành là chính!

Ông Nguyễn Thái Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô, kể rằng ông đã theo dõi kỹ và nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành ở ĐBSCL đều tăng sản lượng xuất khẩu. “Tuy nhiên, vẫn không theo kịp tốc độ trượt giá”, ông nói. Nhưng còn có những khó khăn, theo ông, là không thể hiểu nổi.

“Cúp điện triền miên thì không thể hiểu nổi! Cứ một tuần cúp điện hai ngày, công ty phải chạy máy phát điện tốn 40-50 triệu đồng/ngày”, ông Hùng dẫn chứng. Chi phí tăng thêm đã sợ, nhưng đáng ngại hơn là tiến độ sản xuất bị chựng lại, doanh nghiệp dễ đứng trước nguy cơ bị phạt do không giao hàng đúng hợp đồng. “Nếu cho công nhân làm đêm thì vi phạm Luật Lao động! Mà nếu làm đêm, phải trả lương 150% cho công nhân, còn tiền điện thì trả gấp ba lần do sử dụng vào giờ cao điểm. Thiệt hại đủ điều!”, ông Hùng nói thêm.

Giám đốc một doanh nghiệp ngành xây dựng góp thêm rằng, cúp điện đã sợ nhưng cúp không đúng ngày thông báo còn đáng sợ hơn vì doanh nghiệp không chuẩn bị trước. “Giả dụ là báo cúp ngày 17, nhưng ngày đó không cúp mà sang ngày 18 mới cúp”, ông này nói. Rồi cũng có lúc, ngành điện thông báo chỉ cúp đến 18 giờ, nhưng thực tế đến hơn 22 giờ mới “sáng đèn”.

Một số doanh nghiệp cùng cho rằng, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay là một trong những giải pháp tốt giúp doanh nghiệp chống chỏi với lạm phát. “Mỗi ngày giá mỗi tăng. Nếu 1-2 tuần chính quyền mới hồi âm một kiến nghị, chủ trương nào đó của công ty thì nhiều khi đến lúc đó chúng tôi không còn muốn thực hiện nữa”, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, cho biết.

“Tôi có cảm giác rằng những nơi làm tốt việc cải cách hành chính thì quyền lực lại hạn hẹp. Còn những nơi có quyền lực lớn hơn thì lại trì trệ hơn!”, ông Tài nói. Ông dẫn chứng, vừa qua công ty ông đăng ký chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sang doanh nghiệp 100% vốn trong nước. “Luật Đầu tư và các thông tư hướng dẫn đều quy định cụ thể là giải quyết trong 10 ngày làm việc. Trong khi thực tế chúng tôi phải mất ròng rã hơn… 360 ngày. Đến tháng 4-2008, giấy chứng nhận đầu tư được cấp, nhưng lại không ghi giá thuê đất thì làm sao chúng tôi có hợp đồng thuê đất?”, ông Tài kể.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới