Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những khoản bổ sung nào làm căn cứ đóng BHXH?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những khoản bổ sung nào làm căn cứ đóng BHXH?

Thùy Dung

Những khoản bổ sung nào làm căn cứ đóng BHXH?
Chỉ những khoản phụ cấp lương và bổ sung khác có yếu tố đầu vào mới được tính để đóng BHXH – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Chỉ những khoản bổ sung lương có tính cố định, là yếu tố đầu vào, mới được dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), còn những khoản lương có yếu tố đầu ra, chưa xác định được mà phải căn cứ vào quá trình làm việc của lao động thì sẽ không tính đóng BHXH, theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Đây là thông tin được bà Nga đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin triển khai Luật BHXH sửa đổi 2014 diễn ra ngày 28-12 tại Hà Nội.

Điều 89, Luật BHXH 2014 quy định, từ ngày 1-1-2016 đến 1-1-2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương và phụ cấp lương; từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tuy nhiên, hiện nay đa phần doanh nghiệp và người lao động đều chưa rõ thế nào là phụ cấp lương và thế nào là khoản bổ sung khác trong số hơn 50 loại phụ cấp mà doanh nghiệp đang trả cho người lao động.

Về vấn đề này, theo bà Nga, ngày 16-12-2015, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 47 hướng dẫn một số điều về Nghị định 05 (nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lao động), trong đó có quy định rõ mức lương là gì, phụ cấp lương là gì.

Năm 2016, các doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH cho người lao động trên mức lương và phụ cấp lương. Nhưng phụ cấp lương có 2 loại: phụ cấp xác định trước và phụ cấp không xác định trước được mà phải căn cứ vào quá trình hoạt động của người lao động.

Do đó, sắp tới Bộ sẽ hướng dẫn trong thông tư hướng dẫn Nghị định 115 về một số điều của BHXH bắt buộc. Thông tư này sẽ quy định rõ những khoản phụ cấp đầu vào làm căn cứ đóng BHXH. Còn đối với những khoản phụ cấp chưa xác định được rõ như hiệu quả sản xuất, căn cứ vào quá trình làm việc của người lao động thì sẽ không đưa vào tiền lương đóng BHXH.

“Thực tế, đây là những khoản biến động, không thường xuyên, khó theo dõi và nếu đưa vào tính đóng BHXH sẽ gây khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động”, bà Nga nói.

Bên cạnh đó, bước thứ 2 trong việc thay đổi cách đóng BHXH là từ năm 2018 sẽ đóng BHXH trên khoản lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo bà Nga, các khoản bổ sung khác này cũng phải xác định được trước mới đưa vào tiền lương đóng BHXH. Trong Thông tư 47 cũng quy định rõ một số khoản phúc lợi như tiền xăng xe, đi lại, khen thưởng, thưởng sáng kiến, hỗ trợ gửi con, hỗ trợ có thân nhân chết, hỗ trợ sinh nhật, tai nạn lao động…sẽ không đưa vào đóng BHXH.

Đánh giá về việc đưa những khoản đầu vào, cố định này vào đóng BHXH cho người lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay vừa qua, Ủy ban Các vấn đề xã hội, BHXH Việt Nam và Bộ LĐTBXH đã làm việc với một số hiệp hội doanh nghiệp và tất cả đều nhận định rằng Thông tư 47 là đúng tinh thần của Luật Lao động và nhiều doanh nghiệp cũng nhận định cách tính như vậy là có thể “chấp nhận được”.

“Từ ngày 1-1-2016 tiền lương làm cơ sở đóng BHXH là tiền lương cấp bậc, chức vụ cộng với các khoản bổ sung có tính chất đầu vào, hoàn toàn nhìn thấy được. Tôi xin khảng định khoản này không cao. Doanh nghiệp nào kêu cao cứ đến gặp tôi”, ông Lợi nói.

Song, ông Lợi cho hay, dù có phản đối nhưng việc phải đưa tiền lương về đúng nghĩa của nó, tức phải chiếm tối thiểu 70% trong cơ cấu thu nhập của người lao động, là điều cần thiết. “Hiện nay, tiền lương chỉ chiếm 30%, trong khi các khoản phụ cấp, trợ cấp chiếm tới 70% là hoàn toàn vô lý”, ông Lợi nói.

Có thể vẫn thu BHXH theo quy định hiện hành đến hết quý I/2016

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thừa nhận, hiện nay tỉ lệ đóng BHXH của cả doanh nghiệp và người lao động rất cao so với các nước trong khu vực, lên tới 32,5%, nếu cộng thêm 2% phí công đoàn thì con số này lên tới 34,5%. Do đó, Bộ đã rất cân nhắc rất kỹ khoản nào đóng, khoản nào không trong số hơn 50 khoản phụ cấp, bổ sung được liệt kê, để sau này người nghỉ hưu có cuộc sống tốt hơn và doanh nghiệp cũng đủ sức chịu đựng.

Thứ trưởng Huân cho hay, trong một vài ngày tới, Bộ sẽ ra thông tư hướng dẫn việc đóng BHXH của người lao động, song ông Huân cũng nói rằng có thể hệ thống văn bản hướng dẫn không thể ra kịp trước ngày 1-1-2016.

“Do đó, Bộ LĐTBXH và BHXH Việt Nam có thể có phương án tạm thời thu BHXH trên nền cũ và trong quý I-2016 nền đó phải hoàn thành và sau đó phải chính thức việc này”, Thứ trưởng Huân nói.

Về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, Luật BHXH sửa đổi đã ban hành từ năm 2014 nhưng còn rất nhiều Nghị định và thông tư hướng dẫn chưa ban hành. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình Luật phải trình Nghị định và phải có thời gian cho Nghị định vận hành và để thông tư văn bản dưới Nghị định còn hướng dẫn tiếp. Cách thức làm như hiện nay sẽ gây khó khăn cho cơ quan BHXH thực hiện. Vì vậy, Bộ LĐTBXH cần phải  quy định những chính sách nào chưa ra được văn bản hướng dẫn thì từ nay tới đầu năm 2016 phải có hướng dẫn cụ thể áp dụng theo mô hình nào để thực hiện.

Đọc thêm:

Chính sách đúng, nhưng không đúng thời điểm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới