Thứ Năm, 8/06/2023, 02:41
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Những lời nói thẳng tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những lời nói thẳng tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam

Tư Hoàng

Những lời nói thẳng tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam
Diễn đàn Phát triển Việt Nam bàn về nhiều chủ đề phát triển VN phải đối mặt. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – Nhiều lời nói thẳng thắn đã vang lên từ cả hai phía Chính phủ và các đối tác phát triển tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam sáng ngày 13-12, với mong muốn thúc đẩy những hành động trong bối cảnh thế giới đã thay đổi.

Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno, người gắn bó với các chính sách phát triển công nghiệp ở Việt Nam hơn 20 năm nay, nhận xét rằng tăng trưởng trong quá khứ của Việt Nam dựa trên số lượng (với đầu vào là vốn và lao động), không phải do chất lượng.

So với các nền kinh tế tăng trưởng tốt tại Đông Á, việc xây dựng chính và ban hành sách của Việt Nam cần được cải thiện cả về tư duy và năng lực. Việt Nam cần phải khắc phục nhược điểm này để có thể đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Đề cập đến chủ đề “Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững” thuộc diễn đàn, ông Ohno nhận xét, một nước phát triển sau có thể vươn đến thu nhập trung bình thông qua tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập, nhưng chỉ trông chờ vào thị trường thì không thể đưa đất nước đến mức thu nhập cao hơn. Vì vậy, chính phủ khôn ngoan cần xây dựng lực lượng lao động, các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp cạnh tranh trong mối quan hệ đối tác công-tư hiệu quả.

Trên nền tảng đó, giáo sư Ohno nhận xét: “Chính phủ Việt Nam còn yếu về tư duy và năng lực. Chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện để qua đó Chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả". Vị chuyên gia này bổ sung thêm, phát triển kinh tế phải được dẫn dắt bởi con người và doanh nghiệp. Tầm nhìn và mục tiêu đúng đắn, chia xẻ thông tin, các ưu đãi và môi trường đầu tư là những điều kiện cần thiết để đưa Việt Nam chuyển từ lắp ráp giản đơn lên tạo ra giá trị.

Theo bản xếp hạng chất lượng Chính sách công nghiệp so với mức thu nhập tại 13 nước thí điểm ở châu Á và châu Phi do Giáo sư Ohno tập hợp, Việt Nam thuộc nhóm thu nhập trung bình nhưng chính sách còn yếu kém, xếp cùng Ấn Độ, Campuchia; và cách xa nhóm Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc là các quốc gia có chính sách và thu nhập cùng tăng cao. Thậm chí, Việt Nam còn không có triển vọng bằng các nhóm nước thu nhập thấp nhưng chính sách không quá yếu kém như Rwanda và Ethiopia.

Kinh tế ngày càng tăng trưởng chậm lại

Trong khi đó, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung phát biểu tại VDF, tăng trưởng của Việt Nam ngày càng chậm lại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% của giai đoạn 1990-2000, xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011-2016.

Tăng trưởng đã giảm khá nhanh và nếu tiếp tục xu hướng này Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bổ sung thêm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên.

“Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam”, ông Dũng nói.

Người đứng đầu cơ quan quản lý về đầu tư cũng cho rằng mô hình cũ không thể giúp Việt Nam gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững, từ đó nâng cao mức sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Chính vì vậy, tăng năng suất chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới