Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những nghịch lý cần khắc phục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những nghịch lý cần khắc phục

Trúc Giang

(TBKTSG) – Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đang trên đà phát triển nhưng cũng phơi bày những nghịch lý khó chấp nhận. Trong khi sức mua chưa cao, mức sống của người dân còn thấp thì giá nhà đất lại đắt đỏ ngang với những thành phố đã phát triển hàng đầu thế giới như Tokyo hay New York…

Giá nhân công ở Việt Nam một thời được coi là rẻ, là yếu tố giúp hàng hóa tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư thì bây giờ lại đang bộc lộ hạn chế về trình độ, nhất là nhân công làm việc trong các ngành công nghệ cao. Nền kinh tế Việt Nam vốn được coi là năng động nhưng tâm lý dự trữ, đầu cơ vẫn còn in đậm, biểu hiện rất rõ qua việc đầu tư vào bất động sản, vàng, gây nên các cơn sốt ảo. Ngay cả việc giá thuê văn phòng quá đắt đỏ, trong khi tiện nghi, sự hiện đại, chất lượng phục vụ, độ an toàn… vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư còn phải chi cho những khoản không tên để “bôi trơn” cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn rộng hơn, nghịch lý còn ở chỗ trong khi giá cả ngày càng đắt đỏ làm hạn chế tính cạnh tranh thì tình hình ô nhiễm môi trường, nạn ùn tắc giao thông… vẫn chưa được khắc phục, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Và trong khi Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để nhà đầu tư có thể yên tâm rót vốn làm ăn thì một bộ phận công chức hành chính lại đang có thái độ thiếu tận tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chưa hết, chi phí (và cả sự tiện lợi) của các dịch vụ điện, nước, viễn thông… của Việt Nam cũng chưa phải đã có tính cạnh tranh cao so với nhiều nước trong khu vực.

Như vậy, nếu công tâm và đánh giá khách quan, sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, là có mức độ, có mặt tiến bộ nhưng cũng có mặt đi xuống đáng báo động. Điều đó thể hiện tính thiếu bền vững của một nền kinh tế đang phát triển.

Tình hình đó đặt ra nhiều bài toán cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế nước nhà. Vì thế, chúng ta phải có tầm nhìn xa trong nhiều năm tới chứ không thể chỉ loay hoay với những sự vụ trước mắt.

Chẳng hạn, trong 10 năm tới, xu hướng đầu tư sẽ vào những lĩnh vực nào, nhu cầu lao động ra sao, nhu cầu về mặt bằng như thế nào, phải làm gì để đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý?…

Giải được những bài toán này không chỉ giúp nhà quản lý chủ động với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Cần phải khắc phục cho được tâm lý “đến đâu hay đến đấy” trong công tác quản lý và hoạch định chính sách. Vì nếu thiếu sự định hướng, thiếu dự báo, thiếu tính chiến lược trong công tác quản lý thì không chỉ gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý, cho người dân mà còn bỏ qua những cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Đó cũng chính là những cơ hội phát triển kinh tế – xã hội của một địa phương, một đất nước.

Không phủ nhận những năm qua, chúng ta đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng cần tỉnh táo trước những đánh giá “nền kinh tế năng động”, “điểm đến của các nhà đầu tư”… mà chủ quan về khả năng thực tế của nền kinh tế nước nhà. Bởi những hạn chế dù nhỏ nhưng nếu chậm khắc phục thì chúng sẽ như vết dầu loang dần dần làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, gây lo ngại cho các nhà đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới