Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những nghịch lý của du lịch sinh thái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những nghịch lý của du lịch sinh thái

Núi băng Pepito Moreno ở Patagonie bị vỡ ra trước mắt các du khách muốn chứng kiến thiên nhiên bị thay đổi bởi khí hậu nóng lên. Patagonie là nơi dự trữ băng giá đứng hàng thứ ba thế giới sau Nam cực và Greenland

(TBKTSG Online) – Trái đất nóng lên đang làm thay đổi hành vi của người đi du lịch. Nhiều điểm đến mới xuất hiện, nhưng liệu người ta có thể đi máy bay mà vẫn đồng thời bảo vệ được môi trường? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra. Và không chỉ có thế.

Địa hạt mới cho du lịch sinh thái

James Brusslan, một luật sư người Mỹ chuyên về luật môi trường rất quan tâm đến diễn biến của thay đổi khí hậu. Người đàn ông 50 tuổi đi làm bằng xe đạp này không thích chuyện đồng nghiệp của mình sử dụng xe hơi đến văn phòng, ông gắn những miếng dán lên trên cửa kính xe hơi của đồng nghiệp ghi dòng chữ: “Tôi làm thay đổi khí hậu! Hãy hỏi tôi bằng cách nào!”.

James Brusslan vừa mới chi tiêu 2.800 đô la Mỹ cho chuyến đi một tuần lễ đến vịnh Disco, thuộc Greenland, cách Bắc cực 300km. “Tôi muốn xem điều gì đang diễn ra”, ông vừa nói vừa ngắm một núi băng đang vỡ ra thành nhiều tảng lớn, “Trong 10 năm nữa, có thể sẽ chẳng còn gì cả”.

Khí hậu nóng lên đã tạo ra một địa hạt mới cho thị trường du lịch sinh thái: du lịch khí hậu – tức tìm kiếm những địa điểm mà khí hậu nóng lên bắt đầu tạo những hiệu ứng nhìn thấy được. Một số người cho rằng kiểu du lịch này đang tạo ra một nghịch lý, vì chính việc du lịch bằng xe lửa, máy bay hoặc tàu biển lại sản sinh ra CO2 và khí thải này góp phần làm trái đất nóng nhanh hơn.

Earthwatch Institute là một hiệp hội của Mỹ chuyên tổ chức các chuyến đi cho những ai muốn giúp các nhà khoa học đang nghiên cứu các rặng san hô ở quần đảo Bahamas hoặc những tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài hoa lan ở Ấn Độ. Chuyến đi 11 ngày với chủ đề “Thay đổi khí hậu ở vùng cực” có giá từ 2.849 – 4.349 đô la Mỹ, chưa kể tiền vé máy bay, bao gồm cả việc ghé Manitoba, Canada, để đo lượng carbone nằm trong lớp băng.

“Bay đến Maldives để làm gì nếu đến một thời điểm nào đó, hòn đảo này sẽ bị nhấn chìm dưới đại dương”, bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES) từ các máy bay của những du khách sinh thái góp phần làm trái đất nóng lên và mực nước biển dâng lên, theo nhận xét của Jeff Gazzard, thuộc Aviation Environmental Federation, một tổ chức của Anh đấu tranh làm giảm khí thải GES của các máy bay.

Nhìn thấy gấu Bắc cực không còn là chuyện hiếm trong các chuyến tham quan vùng băng giá.

Theo Liên Hiệp quốc, hàng năm có hơn 1,5 triệu du khách viếng thăm vùng cực, so với 1 triệu người vào đầu thập niên 1990. Mùa hè kéo dài hơn và nóng hơn khiến biển vùng cực ít gặp những tảng băng trôi và tàu chở du khách dễ đi đến những địa điểm bấy lâu nay rất khó tiếp cận được. Chính điều này trở thành mối đe dọa đối với môi trường. Chỉ việc du khách đặt chân lên những hòn đảo nhỏ cũng đã làm phá hủy thảm thực vật và động vật rất nhạy cảm ở đây.

“Khu vực gấu Bắc cực sống thường rất khó đến, nhưng do băng tan nên tàu có thể đi đến đó. Vì vậy, ngày càng xuất hiện nhiều sự cố giữa người và gấu”, Rune Bergstrom, người phụ trách về môi trường ở văn phòng của quần đảo Svalbard (còn được biết đến dưới cái tên Spitzberg) của Na Uy giải thích. Ngoài ra, để tránh nguy cơ thủy triều đen, một đạo luật cũng quy định tàu đi vào vùng biển của quần đảo này phải sử dụng loại dầu diesel dành cho đi biển thay vì dầu nặng.

Du khách muốn xem những gì họ thấy trên truyền hình

Tháng 9-2005, Eric Schmitt, nhà thám hiểm 60 tuổi của đại học Berkeley, California, phát hiện một hòn đảo mới nằm ở Greenland băng giá, cách Bắc cực có 60km. Do bị băng giá che phủ trong hàng thế kỷ, miếng đất nhỏ này chưa bị ai phát hiện ra. Từ tâm trạng hân hoan cực độ, ông chuyển sang lo âu khi hiểu rằng sự xuất hiện của nó là điều bất thường: một bằng chứng của những biến đổi khí hậu trên hành tinh. Và rồi hòn đảo “nạn nhân” của khí hậu nóng lên này nhanh chóng trở thành điểm du lịch được ưa thích và giúp công ty Betchart Expeditions đặt tại California kiếm lời bằng cách tổ chức các chuyến tham quan bằng tàu với giá từ 3.700 – 5.100 euro.

Hansruedi Burgener không tìm cách thu hút những tín đồ của du lịch khí hậu, mà chính họ tìm đến ông, theo ghi nhận của tờ The Wall Street Journal. Từ mùa hè 2006, có đến hàng trăm người tìm đến tận khách sạn-nhà hàng của ông ở vùng núi Alpes trên đất Thụy Sĩ để ngắm nhìn đỉnh Eiger.

Do băng tan nhanh hơn, các nhà địa chất học dự báo một vạt núi sẽ bị sụp. Kể từ đó, ông Burgener phục vụ món điểm tâm mà ông đặt tên là “Tuyết lỡ”.

“Tôi không nghĩ rằng thay đổi khí hậu là điều tốt cho môi trường, nhưng nó giúp khách sạn của tôi được mọi người biết đến và giúp mang lại lợi nhuận”, ông nói.

Băng tan ở vùng cực và khí hậu nóng lên trên mặt đại dương góp phần làm mực nước biển dâng cao và xuất hiện nhiều phản ứng sinh học mới trong các hệ sinh thái và các loài. Và ngành du lịch đang tìm cách thích nghi với thực tế này, trong đó dễ thấy nhất là ở các quốc gia phương Bắc.

Chỉ trong vòng hơn 5 năm, một khu rừng thông đã mọc lên phía trước ngôi nhà của anh Javier Galvez, tại Qassiarsuk, niềm nam Greenland. Theo các nhà khoa học, đây là một phép lạ của tình trạng khí hậu nóng lên. Không chỉ làm thay đổi khung cảnh đơn điệu của tuyết trắng vô tận mà Galvez ngắm nhìn từ cửa sổ nhà mình, hệ quả này còn giúp anh trở thành doanh nhân thành đạt.

Galvez lập ra công ty Tasermuit chuyên tổ chức các chuyến thám hiểm khoa học ở Greenland và lữ hành bằng đi bộ hoặc thuyền kayak cho du khách Tây Ban Nha. “Họ đến kiểm tra xem những gì nhìn thấy trên truyền hình có phải là sự thật”, anh giải thích.

Liệu họ có đạt được mong ước? “Có và không”, anh trả lời, “Họ không thể phát hiện những vết nứt kiến tạo đánh dấu vị trí núi băng cách nay một thế kỷ. Nhưng họ thấy được tình trạng băng tan như thế nào, hoặc nhận ra rằng không dễ nhìn thấy đàn cá voi đã chạy trốn đến vùng biển lạnh hơn ở phía bắc hòn đảo, hoặc làm thế nào loài tôm quý của Greenland đã đi tìm vùng nước lạnh hơn để rồi chúng ta không còn nhìn thấy chúng trên bàn ăn mà thay vào đó là loài cá tuyết”.

Ngoài việc giải thích những hậu quả của biến đổi khí hậu mà du khách muốn biết, Javier Galvez còn khuyến khích họ lân la với dân địa phương để hiểu thêm những thiệt hại mà họ phải chịu đựng hàng ngày. “Họ gần như bị sụp đổ vì không có thú để săn và thiếu giải pháp thay thế. Họ bị mất phương hướng hoàn toàn”, Gakvez khẳng định. Anh cho biết du khách Tây Ban Nha trở về nhà với cảm giác rằng thực tế trên sẽ mất thời gian từ 50 đến 300 năm, nhưng nó đã kết thúc như thế ngay tại Greenland.

Tại Phần Lan, tuyết tan nhanh đã làm hiện ra các con đường mà trước đây chỉ là băng giá. Các công ty du lịch lớn của nước này đã bắt đầu thay xe trượt tuyết bằng xe ca chở khách. Nhờ mùa đông ngắn hơn và ôn hòa hơn nên du lịch phát triển rất nhanh. Tình hình cũng tương tự ở Na Uy, khi các công ty du lịch thay hình thức đi bộ xung quanh các tảng băng bằng những chuyến tham quan trên tàu.

“Chúng tôi phải phản ứng thật nhanh. Tình hình chưa đến mức bi kịch, nhưng đáng lo ngại. Ở đất nước chúng tôi, biến đổi khí hậu là điều không ai nghi ngờ cả. Nếu không chuẩn bị cho tương lai, chúng tôi sẽ bị lạc hậu nhanh hơn người ta nghĩ”, Helen Siverstol của công ty Fjord Norway giải thích.

Một trong những đồng nghiệp của bà cho biết người ta đã thấy xuất hiện cây xanh trên những sườn núi mà trước đây không hề có. “Chỉ nghĩ đến điều đó thôi đã thấy kinh khủng rồi, bởi nó có nghĩa rằng có thể trong vài năm tới, sẽ chẳng còn tuyết trên đỉnh núi nữa”, người này nói. Lúc đó, có thể người ta sẽ dùng tuyết nhân tạo phủ các sườn núi.

Hãy nghĩ đến khí hậu đang nóng lên!

Nhưng thời gian gần đây, có nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm ngăn du lịch sinh thái phát triển.

Hiệp hội International Ecotourism Society đặt tại Washington đã tung ra một chiến dịch mang tên “Đi nghỉ ngơi, hãy nghĩ đến khí hậu đang nóng lên” nhằm khuyến khích mọi người “giảm đến mức thấp nhất dấu ấn sinh thái của mình” bằng cách sử dụng tốt nhất năng lượng và hạn chế thải ra khí carbone.

Tháng 3 năm nay, hãng hàng không SAS đã tung ra chương trình thu 8 euro tiền thuế của hành khách cho một chuyến bay ở châu Âu để tài trợ cho một dự án phát triển năng lượng mới. Nhưng dù vận chuyển mỗi tháng hơn 4 triệu lượt khách, đến nay SAS chỉ nhận được 600 hưởng ứng đóng góp của hành khách.

Dù chưa phải là tác nhân chính của việc khí hậu nóng lên, du khách quan tâm đến sự thay đổi khí hậu thừa nhận rằng họ đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. “Tôi rất tò mò muốn thấy những địa điểm này, nhưng tôi ý thức được rằng khi mình đến đó là đã góp phần làm gia tăng thiệt hại”, cô Anne Patrick, một giáo viên người Mỹ đã đi tham quan Nam cực và Greenland tâm sự, “Phải làm thế nào trước vấn đề này? Tôi không có câu trả lời”.

Ilulissat, mảnh đất nhỏ có những ngôi nhà đầy màu sắc tạo nên khung cảnh rất đẹp trên nền những núi băng -Ảnh: T.L

Đa số du khách đến Greenland đều ghé thăm IIulissat, một mảnh đất nhỏ có những ngôi nhà đầy màu sắc tạo nên một khung cảnh rất đẹp trên nền những núi băng. Ilulissat đã trở thành một biểu tượng của khí hậu toàn cầu nóng lên.

Nhiệt độ vào tháng giêng tại đây hiện nay rất hiếm khi xuống dưới mức -25 độ C, trong khi trước đây nó luôn ở mức dưới -40. Từ năm 2002, núi băng mang tên Jacobshavn gần nhất đã lùi xa hơn 15km. Nước biển tại đây không còn đóng băng nên người ta có thể câu cá quanh năm. Năm nay, dự kiến có 35.000 du khách đến IIulissat, so với 10.000 người cách đây 5 năm.

Thành phố có 5.000 dân và một lượng lớn chó kéo xe. “Du khách được chào đón ở đây, nhưng chúng tôi không muốn có quá nhiều người. Chúng tôi cũng không muốn những khách sạn lớn”, ông thị trưởng Anthon Frederiksen giải thích, “Chúng tôi muốn bảo vệ thiên nhiên và văn hóa của mình”.

Chọn điểm đến gần hơn

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (OMT), các chính phủ cần phải tiến hành các biện pháp nhằm làm giảm thải GES. Một số biện pháp có thể tác động đến chi phí đi lại, đặc biệt là máy bay, một trong những phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm nhất. Đối với các điểm đến như Đông Nam Á, Úc, New Zealand và vùng biển Caribbean, tình hình đáng lo ngại hơn vì chắc chắn các chính sách nhằm làm giảm nóng khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia đó.

Trong thực tế, du khách các nước ôn đới, như ở Bắc Âu, đi du lịch ra nước ngoài nhiều nhất. Theo OMT, họ có thể “du lịch tại chỗ nhiều hơn và thích nghi thói quen đi du lịch để tranh thủ những khả năng mới mà các điểm đến dễ tiếp cận hơn mang lại”.

Những đổi thay của mùa du lịch – về mặt thời gian nghỉ và chất lượng (chẳng hạn đi biển hoặc lên núi) – “có thể có tác động quan trọng đến sự cạnh tranh giữa các điểm đến, và tất nhiên cả thu nhập của các công ty du lịch”, theo báo cáo của một nghiên cứu. Điều đó cũng cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và các công ty điều hành sẽ gặp những khó khăn trong việc thích nghi với tình hình mới.

TẤN LỘC (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới