Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những người góp màu cho Tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những người góp màu cho Tết

Ông Lê Văn Sơn bên những luống hoa chuẩn bị bán trong dịp tết. Ảnh: Hồ Hùng

(TBKTSG) – Không phải là nghề chính, nhưng nhiều nông dân ở rạch Bà Bộ (đoạn giáp ranh hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy của thành phố Cần Thơ) đã quen với việc tất bật bên những chậu hoa kiểng cho đến ngày 30 Tết. Khi nắng xuân vừa chớm, họ đem góp cho chợ hoa Xuân những sắc màu rực rỡ…

Khi con gà trống sau nhà gáy được vài hồi, ông Nguyễn Văn Lượm đã lục đục trước sân. Tầm 5 giờ sáng, ông với lấy cái ống nước, mở máy bơm và bắt đầu công việc. Gần 700 giỏ hoa vạn thọ Pháp, cúc mâm xôi, cẩm nhung… đang chờ nước tưới. Ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền (quận Bình Thủy), không ít người đã thức giấc, làm công việc tương tự như ông.

Trước sân nhà ông Lượm là la liệt những chậu hoa đủ màu sắc. Những giỏ cúc vàng rực phía góc sân, ông đã cặm cụi gieo giống từ hồi tháng 8 Âm lịch. Còn mấy giỏ vạn thọ mà những nụ hoa đã bắt đầu nở hé, ông cũng đã gieo từ sau rằm tháng 10… Bỏ vốn hơn mười triệu đồng, rồi bao ngày công chăm sóc, lá đã tốt xanh, hoa đã trổ đầy khắp.

Trên 20 năm nay, cứ mỗi khi trời lập đông là ông dồn tâm lực chăm sóc mấy trăm giỏ hoa bán Tết. Hồi xưa, ông còn cực dữ! Nào là đan giỏ tre, mua lá dừa nước lót chậu, thủ sẵn đống phân rơm để vô từng gốc hoa.

Còn mấy năm nay, ông thay lá dừa bằng nilon, qua Sa Đéc (Đồng Tháp) mua luôn cả ngàn cái giỏ đan sẵn cho tiện, xong mới tạt qua mấy cửa hàng vật tư nông nghiệp mua hạt hoa giống. Miễn sao là hoa xanh tốt, mát mắt người mua.

“Vùng này là Bà Bộ, nhưng lâu nay nhiều người vẫn gọi là xứ “Bình Bông”. Ai cũng trồng hoa Tết mà. Mấy năm nay, hết quy hoạch này, quy hoạch khác khiến nhiều người hết đất trồng, chứ hồi xưa mười nhà trồng đủ mười”, ông Lượm kể.

Ở xứ này, ngày thường thì người người làm vườn, làm ruộng, đi ghe thương hồ, nhưng cứ đến cận Tết là cùng trồng hoa.

Ông Lê Văn Sơn, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, mấy ngày nay cũng “đeo” suốt bên mảnh đất sau nhà, chăm chút gần 4.000 giỏ hoa Tết. “Trồng thọ, cúc… riết cũng ít khách mua. Năm nay, tôi trồng toàn hàng “cao cấp” như mai Dạ Thảo, cúc Đài Loan…”, ông nói. Tết năm rồi, cứ một cặp mai Dạ Thảo bán ở chợ hoa đường Hoàng Văn Thụ (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) ông bỏ túi 120.000 đồng mà không có để bán.

Trên mảnh đất chưa đầy 1.000 mét vuông, hàng ngàn giỏ hoa được xếp từng hàng thẳng tắp, sắc đỏ tím vàng rực rỡ trong nắng xuân lạnh dịu, níu mắt người lạc bước chân qua… Ông Sơn nói, giỏi nghề là phải làm sao những giỏ hoa mang ra chợ lá nào cũng xanh mướt mắt, hoa trổ rộ và xum xuê. “Tết, ai chẳng muốn mang về nhà vài cặp hoa đẹp để chưng. Hoa đẹp thì bán nhanh mà được giá lắm”.

Ông Sơn ghét nhất là mấy người ma mãnh, trồng hoa đám (trồng dày trên mặt đất để được nhiều cây thay vì vô giỏ), cận Tết bứng cho vô giỏ, bón phân thúc để hoa xanh tốt. Rủi người nào mua về, độ mùng 1 hoặc mùng 2 Tết là hoa… héo rũ. “Làm vậy, ảnh hưởng cả những người trồng hoa đã bỏ công sức chăm chút, thiệt tình như tụi tui”, ông nói.

Cứ độ 20 tháng chạp, người trồng hoa đã lác đác cho “xuất vườn”. Trên rạch Bà Bộ, rồi đổ ra rạch Cái Sơn, sông Cái Răng, hàng trăm chiếc “thuyền hoa” lững lờ trôi theo dòng nước. Ông Lượm, ông Sơn thì đã “tranh thủ” đóng 1,5 triệu đồng, đăng ký lô sẵn ở chợ hoa thì cứ cho xe chở thẳng ra đó. Nhưng cũng không ít người tận dụng ghe nhà, chở sang Bình Minh (Vĩnh Long) hoặc rảo khắp trên những sông rạch bán dạo. Tuy bán dạo, hoa không được giá bằng ở chợ, nhưng bù lại không tốn tiền thuê mặt bằng, người mua dễ tính, nhất là không cần những loại hoa cao cấp mà cứ rặt những thứ dễ trồng như vạn thọ, cúc…

“Tết ngồi chợ bán hoa thấy ham lắm. Năm nào hoa hút hàng, người mua ghé đông nghịt”, chị Hai Thanh, ở khu vực Bình Thường B, cho biết. Năm rồi, trồng gần 1.000 giỏ hoa các loại bày bán ở chợ An Bình (quận Ninh Kiều), chị bỏ túi trên 10 triệu đồng. Năm nay, chị cũng thủ sẵn 1.000 giỏ hoa, chờ cận Tết mang ra chợ. Nhưng cũng có năm hoa dội chợ, người nhanh nhạy thì hạ giá xuống còn một nửa để bán cho hết, người chậm chân thì chiều 30 chỉ biết ứa nước mắt cắn răng đổ bỏ.

Bỏ trên dưới trăm ngày, âm thầm chăm sóc những giỏ hoa, để rồi khi mang ra chợ góp sắc màu cho Tết, người trồng hoa cũng phải âm thầm nhịn phần nào cái không khí Tết. Chẳng có cái không khí ấm áp đêm 23 đưa ông Táo, đừng hy vọng cái không khí lăng xăng dọn nhà, làm mứt Tết như bao người khác, bởi hầu như cả gia đình phải theo ra chợ, giữ hoa, bán hàng… Đêm cũng ngủ luôn ngoài chợ.

Ông Lượm nói, ngồi bán hoa, nhìn người ta đi mua sắm mà phát thèm. Bởi hai vợ chồng ông cùng mấy người con, chỉ biết lo chuyện hoa đắt, hoa ế. Họa may, trưa 30 Tết mới dọn hàng, tính chuyện sắm vài món ăn Tết. Có năm, tối 30 mới về tới nhà, cả gia đình chỉ biết đón giao thừa với nồi thịt kho sẵn mấy ngày trước, nguội ngắt. Nhưng bù lại, những người trồng hoa cũng kiếm được một khoản không nhỏ từ cái Tết. Người trồng ít thì cũng kiếm dăm triệu, chục triệu, người trồng nhiều thì sau Tết dư vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Vậy nhưng, chẳng phải ai cũng có lãi. “Sợ nhất là thời tiết thất thường như mưa trễ, hay sương muối”, ông Lượm nói. Đợt mưa trái mùa cả tuần mới đây, nhiều người trồng hoa phải méo mặt vì hoa hư, có cây chết rụi luôn. Hàng chục ngàn giỏ cúc mâm xôi ở Bà Bộ phải đón Tết sớm vì nở rộ. Ông Lượm mua 1.000 gốc hoa mãn đường hồng, sau vài tháng chăm sóc chỉ còn hơn… mười cây vì chúng chẳng chịu phân. Lại có người bỏ tiền triệu mua nhằm hạt giống dỏm, mua cả ghe phân về bón, để rồi ương mà mãi hoa chẳng chịu nhú mầm…

“Năm nay, tui chỉ trồng gần 3.000 cây vạn thọ bán cho người cúng rằm. Thà lời ít mà chắc, chứ thấy nhiều người thua lỗ, cũng ớn quá”, ông Tư Long, ở phường Long Hòa nói. Ông kể, năm rồi đứa cháu ở Bình Phó mới nhăm nhe vô giỏ, đã hớn hở tuyên bố kiếm vài chục triệu đồng khỏe re. Chừng sau Tết, mới hay cháu của ông đã… bán luôn đất để trả nợ cho hoa.

Nhưng cái nghiệp đeo đẳng, đã ba đời gia đình ông Tư Long đều trồng hoa, nên ông vẫn khó bỏ chuyện ngày ngày ra vườn tưới nước, bón phân. Hàng trăm, hàng ngàn gia đình khác ở xứ Bà Bộ này cũng vậy, cứ cận Tết là họ đã nhấp nhỏm, chờ ngày đưa hoa đi bán, làm đẹp cho nhà nhà trong cái Tết.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới