Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những rào cản sắp tới của hàng xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những rào cản sắp tới của hàng xuất khẩu

Một doanh nhân nước ngoài đang tham quan xưởng chế biến gỗ ở TPHCM. Đồ gỗ, hàng dệt may, thủy sản… được dự báo sẽ gặp nhiều rào cản mới khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong thời gian tới -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Trung tuần tháng 12, đoàn công tác của các bộ, ngành và một số hiệp hội sẽ lên đường sang Mỹ nhằm tìm cách hạn chế một số rào cản dự kiến sẽ được dựng lên với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng khi về nước tham dự hội nghị ngoại giao hồi đầu tháng 12, có đề cập trên Vietnamnet về những tác động của chính quyền mới của Mỹ trong các chính sách thương mại mà Việt Nam chịu sự điều chỉnh.

Theo ông, chính quyền mới sẽ có xu hướng bảo hộ như truyền thống của đảng Dân chủ và điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thương mại với Việt Nam, nhất là trong tình hình Mỹ đang chịu sức ép về khủng hoảng tài chính như hiện nay.

Nhưng vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu), nên Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ để đối phó với những điều chỉnh nếu có.

Điều này đã được hai luật sư Jon Huenemann, nguyên Trưởng Chương trình GSP thuộc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Jay Eizenstat, nguyên cán bộ cao cấp cũng của USTR cụ thể hóa trong một cuộc tọa đàm tại Hà Nội hồi cuối tháng 11 về những yếu tố mới trong chính sách thương mại của Mỹ tác động tới Việt Nam.

Hai luật sư này nhận định rằng, cuộc chuyển giao quyền lực mang tính nhiệm kỳ của Mỹ có thể sẽ giúp Việt Nam có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc có khả năng được hưởng GSP (ưu đãi thuế quan) hoặc thông qua các cuộc đàm phán liên quan đến hiệp định đầu tư song phương, hoặc các đàm phán về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Nhưng trước mắt, nguy cơ đối diện với các biện pháp bảo hộ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ thì đã rõ. Có khả năng ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường này là dệt may, đồ gỗ và thủy sản sẽ là những trường hợp đầu tiên bị áp dụng các biện pháp nói trên.

Cá tra và việc mở rộng định nghĩa “catfish”

Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra những cảnh báo rất cụ thể cho các hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu vào Mỹ. Như việc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang trong quá trình triển khai dự luật nông nghiệp 2008 (Farm Bill) trong đó có điều khoản hạn chế việc nhập khẩu cá tra của Việt Nam dựa trên việc mở rộng định nghĩa catfish. Dự luật này cũng đồng thời đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách các mặt hàng chuyển sang USDA quản lý, thay vì là Cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng: “Việc áp dụng Farm Bill là chắc chắn nhưng việc có mở rộng định nghĩa với cá tra hay không hoặc mở rộng nhưng có áp dụng hay không, thậm chí áp dụng theo cách nào, vẫn còn nhiều tranh cãi”.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu thủy sản vào Mỹ khoảng 12 tỉ đô la/năm và xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 5- 6%. Nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam nên mọi động thái về hàng rào kỹ thuật do phía Mỹ dự tính dựng lên càng không thể bỏ qua.

Đồ gỗ: sẽ tìm xuất xứ từ cái chuôi dao

Đối với mặt hàng gỗ, một đạo luật mang tên Lacey vừa được ban hành, có hiệu lực từ cuối năm nay và đầu năm tới sẽ kiểm soát chặt hơn nguồn gốc sản phẩm gỗ.

“Từ cái chuôi dao vào thị trường này cũng phải chứng minh được xuất xứ gỗ”, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói.

Còn theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, đạo luật này gây khó cho các nhà xuất khẩu hơn cả luật của EU đang áp dụng (Hiệp định FLEGT).

Tuy nhiên, do thời hạn triển khai đạo luật đã được dời đến 1-4-2009 nên phía Việt Nam cũng có thêm thời gian để chuẩn bị.

Thực ra, việc áp dụng đạo luật Lacey trong thời gian tới chỉ là rào cản nhỏ đối với đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, trong khi hiện nay “bức tường” cản trở mặt hàng này chính là cơn khủng hoảng trên thị trường bất động sản Mỹ. Chính bức tường này đã khiến kim ngạch xuất khẩu đỗ gỗ của Việt Nam qua Mỹ giảm 300 triệu đô la/tháng.

Dệt may: cũng không ít khó khăn

Các doanh nghiệp dệt may có vẻ như sẽ thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp trong ngành thủy sản và đỗ gỗ do Bộ Thương mại Mỹ mới ngưng chương trình giám sát chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ.

Tuy nhiên, theo phân tích của hai luật sư Jon Huenemann và Jay Eizenstat, khó khăn chắc chắn chưa hết: “Hàng dệt may Việt Nam có thể bị liên đới từ các vụ kiện chống lại Trung Quốc, thay cho các vụ kiện riêng”. Nhận định này xuất phát từ việc Mỹ không còn áp dụng chế độ hạn ngạch với hàng dệt may của Trung Quốc kể từ ngày 1-1-2009, trong khi sức ép của các nhà sản xuất Mỹ với hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang gia tăng lên các nhà làm luật. Vì vậy các vụ kiện chống bán phá giá có thể được Mỹ sử dụng như một công cụ để giải quyết mối quan ngại này.

“Chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam có thể sẽ được khởi động lại khi chính quyền mới của Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ công tác”, ông Jon Huemann e ngại.

Trong khi đó, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Hồ Gươm, cho biết thêm: “Mặc dù các bộ, ngành, hiệp hội đã thường xuyên tiếp xúc, giải thích, vận động để các khách hàng Mỹ yên tâm đặt hàng nhưng Macy’s, Hagel vẫn rút toàn bộ đơn hàng tại Việt Nam để chuyển sang nước khác. Sức ép này còn làm nhiều công ty Việt Nam, công ty nước ngoài không dám đầu tư vào ngành dệt may nữa vì sợ rủi ro”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban Nghiên cứu xúc tiến thị trường của tập đoàn Dệt may, kể từ tháng 2-2009, luật mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ cũng có những quy định mới về hàng dệt may và các mặt hàng của Việt Nam cũng phải nằm trong danh mục điều chỉnh của rất nhiều những quy định và lộ trình thực hiện khác nhau.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới