Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những tác động của khủng hoảng tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những tác động của khủng hoảng tài chính

Ông Vũ Quang Việt trong một lần nói chuyện tại Saigon Times Club

(TBKTSG Online) – Gần 50 câu hỏi được gửi đến cho tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhưng do thời gian có hạn ông chỉ trả lời được gần 1/3 câu hỏi. Vấn đề trao đổi của tiến sĩ Vũ Quang Việt không chỉ riêng về khủng hoảng tài chính ở Mỹ mà còn đề cập đến những tác động có thể của nó đối với nền kinh tế thế giới.

Trước đó, liên quan đến khủng hoảng tài chính và chứng khoán toàn cầu, tiến sĩ Vũ Quang Việt đã có bài viết “Liệu có mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế Mỹ?”, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 2-10-2008.

 Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

Nguyen Thi Hoang Lang: Tôi thường đọc các bài viết của ông trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tôi xin được hỏi ông là những biện pháp can thiệp của chính phủ các nước vừa qua ở một góc độ nào đó có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam? Chẳng hạn, các ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính Việt Nam nói chung có thể nghĩ rằng Chính phủ cũng sẽ ra tay cứu họ nếu tình hình khủng hoảng xảy ra? Lối suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả gì? Thứ hai, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới có dấu hiệu giảm do cuộc khủng hoảng, liệu đó có là cơ hội để giảm lạm phát ở Việt Nam? Thứ ba, theo ông có phải đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên cắt giảm lãi suất cơ bản như một số nước đang làm để kích thích tăng trưởng kinh tế hay chưa?

Ông Vũ Quang Việt: Nếu hệ thống tài chính làm cho mọi người hiểu rằng nhà nước là người cứu nguy cuối cùng để họ muốn làm gì thì làm thì đó là một hệ thống thối rỗng từ trong ruột. Nếu cứu ngân hàng thì đó là bảo đảm người ký gửi, những người dân bình thường, cẩn trọng, có vốn và muốn cho hệ thống mượn với một lãi suất vừa phải chủ yếu là để không bị thiệt bởi lạm phát, nhưng không muốn rủi ro.

Những người này phải được bảo đảm là không mất mát gì qua hành động can thiệp của nhà nước. Người chủ các ngân hàng và các công ty tài chính, tức là chủ cổ phần, phải là người phải trả giá. Không thể cứu họ.

Họ muốn làm giàu nhanh, đặc biệt là chủ các các công ty tài chính, cho nên họ phải chấp nhận rủi ro và hành động đầy rủi ro, họ là những người phải bị bắt buộc chịu thiệt thòi đầu tiên. Khi cần phải cứu thì giá trị vốn tự có của họ đã âm rồi, việc cứu không thể đưa âm thành dương. Nếu thành dương thì bảo đảm là phần đó thuộc về nhà nước.

Nếu không rõ ràng như thế thì hệ thống sẽ suy sụp, vì ai cũng biết đó là một hệ thống bịp bợm.

Suy thoái lớn hiện nay trên toàn thế giới là viễn tượng gần như khó tránh khỏi. Nếu sản xuất giảm thì giá nguyên nhiên liệu sẽ giảm, đặc biệt là dầu hỏa và sắt thép cũng như du lịch. Đây là mấy khu vực mà FDI đổ vào Việt Nam nhiều. Chúng ta đã biết ở Việt Nam lạm phát đã kéo dài ở mức khá cao từ năm 2004 và có thể hơn nếu không có các biện pháp giảm tín dụng. Giá tăng có một phần nhỏ là từ tăng giá nguyên nhiên liệu (tôi nghĩ không quá 8%). Một phần nữa là do bơm tín dụng cho một số tập đoàn lớn làm ăn không hiệu quả. Bây giờ giá thế giới giảm thì cũng giúp giảm áp lực lạm phát một phần, nhưng nếu không thay đổi cách thức bơm tín dụng thì chắc chắn lạm phát cũng sẽ ở mức cao không thua hiện nay.

Như thế, vấn đề cơ bản của Việt Nam là từ từ nhưng cương quyết chấm dứt lạm phát. Khi lạm phát chắc chắn giảm ta sẽ giảm lãi suất. Như vậy chính sách hành động của Việt Nam không thể giống các nước khác. Nếu muốn tăng số người có việc làm, tăng trưởng kinh tế thì hãy đưa luồng tín dụng vào khu vực tư nhân vừa và nhỏ một cách chọn lọc.

Võ Kim Long: Cuộc khủng hoảng sẽ tạo nên một trật tự mới trong thị trường tài chính toàn cầu, vậy ông có dự đoán gì về trật tự mới này?

Ông Vũ Quang Việt: Tôi không đủ trình độ để làm dự báo về trật tự mới. Nhưng tôi thấy hào quang về bách chiến bách thắng không còn. Đầu tư vào Mỹ không còn là nơi tốt, đáng tin cậy, ít nhất trong tình hình hiện nay. Nhưng chúng ta cũng thấy là có sự chuyển đầu tư vào nơi an toàn. Đáng ngạc nhiên là mọi người vẫn chọn trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này nói lên rằng người ta vẫn tin là nếu được chính phủ Mỹ bảo đảm thì vẫn an toàn. Có người nói rằng Trung Quốc sẽ thay Mỹ. Nhưng tôi thử hỏi ai dám đổ tiền mua trái phiếu nhà nước Trung Quốc?

Lê Minh Dân: Năm 1929, một sự sụp đổ của thị trường phố Wall đã đem lại những hậu quả về kinh tế nặng nề cho nước Mỹ, rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đói khát, mất hết nhà cửa, và kinh tế trì trệ kéo dài suốt những năm sau đó. Liệu cuộc sụp đổ của thị trường phố Wall mới đây có sẽ lại đưa nước Mỹ trở về thời kỳ đen tối như năm 1929?

Ông Vũ Quang Việt: Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 theo chiều xuống dốc kéo dài 4 năm, GDP giảm 25%, tỷ lệ thất nghiệp lên đến hơn 25%. Sau đó kinh tế theo chiều hướng đi lên, nhưng phải đến gần 10 năm sau tức là năm 1939 mới đạt lại được giá trị GDP của năm 1929. Cuộc khủng hoảng chỉ thực sự được giải quyết do chi tiêu của chính phủ cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là thời khủng hoảng lớn và dài nhất trong lịch sử cận đại, đồng thời lan rộng trên toàn thế giới.

Khủng hoảng cũng bắt nguồn từ việc tăng nợ quá nhiều nhằm tài trợ chi tiêu, sản xuất tăng mạnh, thị trường chứng khoán do đó cũng tăng mạnh. Tâm lý lúc đó cũng không khác gì thời vừa qua. Thị trường cho rằng giá trị chứng khoán chỉ có lên chứ không xuống, dù nó vượt ngoài giá trị thực của nó. Khi chứng khoán xuống, mọi người thấy mình nghèo đi, và mất khả năng trả nợ, nên phải giảm chi. Sản xuất vì thế giảm. Trong thời đó có đến 9.000 ngân hàng phá sản. Người bỏ tiền vào ngân hàng mất sạch. Niềm tin vào thị trường và vào ngân hàng hoàn toàn suy sụp. Tín dụng gần như không còn để cung ứng cho sản xuất. Sản xuất do đó tuột dốc thê thảm. Thu nhập nói chung giảm gần một nửa.

Thời hiện tại có khác thời năm 1929. Vì kinh nghiệm của 1929 mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra đời không những nhằm điều hành việc phát hành tiền và chính sách tín dụng mà còn đóng vai trò người cứu nạn cuối cùng nếu ngân hàng gặp khó.

Cuộc khủng hoảng lần này không những Fed mà cả Bộ Tài chính Mỹ đóng vai trò người cứu nạn không chỉ ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm mà ngày hôm qua còn làm nhiệm vụ cứu nạn cả công ty, bằng cách mua thương phiếu (tín dụng ngắn hạn) để công ty có tín dụng làm ăn. Những hành động của Fed vượt ngoài cả quyền và nhiệm vụ giao cho Fed.

Cuộc khủng hoảng lần này đang mang tính khó lường vì những hành động can thiệp của Fed và Bộ Tài chính Mỹ gần như chưa mang lại kết quả gì.

Lê Minh Dân: Xin hỏi những ảnh hưởng mà thế giới sẽ gánh chịu nếu nước Mỹ rơi vào khủng hoảng ngày càng thêm nghiêm trọng?

Ông Vũ Quang Việt: Tình hình hiện nay là cuộc khủng hoảng đang trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Thị trường tài chính bên châu Âu và Nhật cũng đang chết dở. Một số ngân hàng ở Anh, Ireland, Đức đã gần như phá sản và được nhà nước cứu bằng cách quốc hữu hóa. GDP của khối các nước phát triển cộng lại bằng 75% GDP thế giới, trong đó Mỹ bằng 30%. Kinh tế họ khủng hoảng, thì nhập khẩu của họ sẽ giảm, khả năng đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ giảm.

Lê Minh Dân: Liệu sau bao lâu thì kinh tế Mỹ mới phục hồi lại như trước khi khủng hoảng?

Ông Vũ Quang Việt: Điều này không thể tiên đoán được vì đây là cuộc khủng hoảng rất đặc biệt. Mọi hoạt động tài chính liên hệ với nhau chằng chịt, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, do đó càng ngày càng thấy rõ là chưa ai thực sự nắm rõ vấn đề để giải quyết.

Nếu chỉ là vấn đề  hai công ty bán và bảo hiểm nhà là Fannie Mae và Freddie Mac bán chứng khoán rác và cả hệ thống tham gia cùng tham gia thì việc Fed tung tiền cứu hai công ty này, rồi cứu công ty AIG bảo hiểm chứng khoán rác, rồi cứu hàng loạt các công ty tài chính hàng đầu của Mỹ bằng cách cho phép ngân hàng nuốt chúng hoặc biến chúng thành ngân hàng (để được Fed bảo hiểm tiền gửi), rồi áp lực Quốc hội thông qua công ty mua nợ rác có số vốn lên tới 700 tỉ đô la Mỹ thì ảnh hưởng tích cực đã phải đến rồi.

Các hành động này tuy vậy vẫn không hay chưa lấy lại được niềm tin của thị trường. Sau các hành động trên, thị trường chứng khoán giảm trên 500 điểm và ngày 8-10 lại giảm thêm gần 200 điểm. Chỉ số chứng khoán từ cao điểm 14.000 xuống còn khoảng trên 9200, giảm hơn 30%, tính ra tiền thì dân chúng mất đi hơn 7.000 tỉ đô la Mỹ.

Tâm lý hiện nay đánh giá là khả năng ngân hàng có thể phá sản dễ dàng, do đó ngân hàng rất khó vay của nhau, dân chúng cũng mất niềm tin các ngân hàng, và đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và yếu, công ty làm dịch vụ góp chung tiền để đầu tư vào các công cụ tài chính tương đối an toàn (money market funds) để mua tín phiếu nhà nước. Dân rút tiền mua tín phiếu chính phủ vì đáng tin cậy hơn.

Ngân hàng đang ôm các chứng khoán rác, lại mất khả năng thu hút tiền ký gửi, nên rất kỹ lưỡng trong việc cho vay, kể cả cho người tiêu thụ vay mua hàng lâu bền. Tức là họ không muốn mua tín phiếu (commercial papers). Số tín phiếu bán được trên thị trường đã giảm 200 tỉ đô la Mỹ (trong số 1,6 ngàn tỉ đô la Mỹ) trong hai tuần qua.

Tín phiếu là để cấp tín dụng rất ngắn hạn cho những người đã bán được hàng, chẳng hạn bán ô tô nhưng chưa nhận xe thì những người đáng tin cậy phải trả lãi 10%. Chính vì vậy vào tháng 9 vừa qua, số lượng xe bán được của được tiền, để có thể mua thêm hàng tồn kho, trả chi phí sản xuất để tiếp tục sản xuất.

Hiện nay, các hãng ô tô ở Mỹ từ Ford, GM, Chrysler, Toyota, hãng nào cũng giảm trên dưới 30%. Sắp tới có lẽ thống kê sẽ đưa ra nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy. Đây chính là vấn đề lớn hiện nay. Nếu không có tín dụng tài trợ mua bán hàng hóa, thì sản xuất sẽ giảm, và giảm nghiêm trọng trong thời gian trước mắt.

Chính vì vậy, ngày 9-10, Fed đã quyết định lập công ty mua thương phiếu thẳng của công ty để cấp tín dụng làm ăn. Họ có thể sẵn sàng cấp đến 900 tỉ đô la Mỹ, đồng thời Fed cũng giảm lãi suất mượn của Fed xuống còn 1,5%. So với lãi suất libor là 5-6% trên thị trường Anh, thông thường bằng lãi suất  Fed, thì lãi suất Fed hiện nay rất thấp. Tức là Fed sẵn sang bơm tiền cứu nền kinh tế. Với lãi suất quá thấp như thế, Fed gần như hết con bài. Nhưng thị trường hôm nay vẫn còn lắc đầu chưa tin tưởng.

Vấn đề hiện nay là niềm tin. Niềm tin đang gần như tan rã. Đây là vấn đề lớn nhất. Tại sao và vì lý do gì thị trường chưa lấy lại được niềm tin sau hàng loạt các biện pháp của Fed là câu hỏi lớn hiện nay. Niềm tin của thị trường phản ánh trực tiếp vào chỉ số chứng khoán của hàng nghìn công ty ở Mỹ. Hiện nay, mọi người cũng chỉ biết đến thế.

Cho nên khó tiên đoán được cuộc suy thoái sắp tới dài ngắn như thế nào. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm từ vài thập kỷ qua thì không có cuộc đình đốn kinh tế nào kéo dài hơn 18 tháng. Hai cuộc suy thoái kinh tế năm 1999 và 2001 chỉ kéo dài có 8 tháng. Tình hình hiện nay cho ta thấy là cuộc suy thoái chắc chắn đang xảy ra, và kéo dài không thể thấp hơn 18 tháng.

Lê Minh Dân: Đây liệu có là bài học để các ngân hàng của Việt Nam rà soát lại các hoạt động cho vay bất động sản của mình? Các ngân hàng Việt Nam có tiềm ẩn những mối nguy về cho vay dưới chuẩn để đầu tư bất động sản?

Ông Vũ Quang Việt: Nghe nói số tiền dư nợ cho vay xây, mua nhà hiện nay khá lớn. Tôi không nghĩ thời hạn cho vay ở Việt Nam kéo dài hàng 10-30 năm như ở Mỹ. Vấn đề là khi nào chúng đáo hạn, và nếu đáo hạn với lãi suất hiện nay thì bao nhiêu ngân hàng sẽ gặp vấn đề. Nếu theo dõi kỹ tôi chắc Ngân hàng Nhà nước có thể nắm được số liệu để có chính sách phù hợp.

Lê Văn Long: Thưa tiến sĩ, tại sao khi Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính lại khiến cho nền kinh tế thế giới chao đảo? Đặc biệt, tôi muốn biết Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào trong cuộc khủng hoảng này.

Ông Vũ Quang Việt: Khủng hoảng tài chính ở Mỹ có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc tin tưởng quá đáng vào tín lý là thị trường có thể tự điều chỉnh, không cần bàn tay của nhà nước, và càng xóa bỏ nhiều các định chế kiếm soát càng tốt vì như vậy hoạt động sẽ hiệu quả hơn.

Chính vì thế nhiều định chế đặt ra từ sau khủng hoảng năm 1929 đã bị xóa bỏ như việc phân định hai loại hoạt động riêng biệt là ngân hàng (commercial banking) đòi hỏi cẩn trọng, giảm rủi ro vì là dùng tiền của khách hàng, và công ty tài chính (investment banking) nhằm thu hút vốn tự có như phát hành cổ phiếu, giấy nợ, là những hoạt động có rủi ro cao.

Ngân hàng không thể làm công ty tài chính và ngược lại. Cũng thế công ty phi tài chính không thể lập ngân hàng và ngược lại. Nếu có cổ phiếu ở mức độ nào đó thì phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ để tránh tự cho mình mượn tiền. Ngoài ra là các định chế về vay mượn mua nhà, thí dụ như phải có tỷ lệ vốn tối thiểu bỏ ra, tiền chi trả nợ thường xuyên không thể hơn một tỷ lệ nào đó so với thu nhập thường xuyên (thí dụ 30%).

Các định chế này đã bị xóa bỏ. Gần như ai mượn tiền cũng được với khẩu hiệu người nghèo phải có nhà. Mọi hoạt động tài chính thấy món bở nên lăn lưng vào dịch vụ này, rồi tuyên truyền cổ động. Họ phân một đống món nợ thành chứng khoán để bán, ai cũng thấy lợi, người thì được phí, người thì được lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, và ai cũng tin rằng giá nhà không bao giờ xuống. Định luật kinh tế là khi giá quá cao so với thu nhập thì giá phải xuống. Nó đã xảy ra ở Nhật năm 1990 tạo cuộc khủng khoảng kéo dài 10 năm. Vậy thì nó phải xảy ra ở Mỹ.

Tình hình hiện nay là cuộc khủng hoảng không chỉ còn ở khu vực tài chính mà đang trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế. Nó đã lan rộng ra thị trường thương phiếu, và có thể là lan rộng ra toàn bộ thị trường chứng khoán phái sinh (derivatives). Hoạt động bán ô tô giảm 30% trong tháng 9 và đến ngày hôm nay khu vực công nghệ thông tin ở Thung lũng Silicon đang thiếu thanh khoản để sản xuất. Sản xuất sẽ xuống, và có thể xuống mạnh.

Như thế, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, chứ không chỉ là gián tiếp, và có thể ảnh hưởng đáng kể nếu tình hình ngày càng xấu đi.

Việc rút vốn bỏ chạy, như đang xảy ra ở Nga, cũng có thể xảy ra, dù khả năng không phải là lớn. Và nếu sửa soạn, Việt Nam có thể đối phó vì đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước ngoài không phải là quá lớn, nhất là với giá thấp hiện nay.

Tuy nhiên, điểm chúng ta cần theo dõi kỹ là khả năng giảm giá hàng nguyên liệu toàn cầu là rất lớn. Sản xuất trên thế giới giảm thì giá nguyên nhiên liệu sẽ giảm. Ta thấy giá dầu đã giảm. Sắp tới hãy nhìn vào sắt thép rồi xi măng. Những dự án đầu tư lớn vào mấy ngành này ở Việt Nam chắc chắn cần xem xét lại, vì những tính toán cho đến hiện nay chắc là dựa vào dự báo là giá sẽ lên.

Chúng ta cũng không thể nào quá hy vọng vào việc thực hiện con số kếch xù về đầu tư nước ngoài dựa vào giấy phép được cấp cho tới nay. Nguồn ngoại tệ cho việc này sẽ không lớn như ta tưởng thì việc tính toán khả năng cân bằng nguồn và sử dụng ngoại tệ cần được theo dõi kỹ, đặc biệt là phải giảm nhập siêu ở mức quá đà như hiện nay.

Le van Thanh: Ông có bài viết đặt vấn đề “Liệu có mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế Mỹ?”, qua bài học này của Mỹ, liệu có rút kinh nghiệm gì cho hướng đi của nền kinh tế Việt Nam?

Ông Vũ Quang Việt: Bài học cần học từ cuộc khủng hoảng này là cần bằng mọi cách giữ cho hệ thống tài chính ngân hàng lành mạnh. Nó làm công việc quan trọng nhất là lưu chuyển từ người có vốn sang người sản xuất không đủ vốn. Như vậy, như tôi đã có dịp viết trong bài mà bạn nhắc tới, là hệ thống tài chính ngân hàng nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Bản thân nó không tạo ra thêm của cải cho xã hội. Nếu không tập trung vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ, mà chỉ nhằm buôn “rủi ro”, hô hào đẩy giá, thì đó chỉ là hành động móc túi người có tiền khác một cách hợp pháp. Cần xóa bỏ việc cho phép công ty phi tài chính làm ngân hàng và ngược lại.

Ngay như một cái nhà, nó có giá trị tự tại của nó là chi phí sản xuất ra nó và nhu cầu nhà ở trong cuộc sống. Nhu cầu này cũng dựa vào thu nhập mà người muốn mua nhà tạo ra. Cho nên giá nhà, đất không thể lên mãi mãi, và thực ra có thể tính giá trị thực của chúng ở từng thời điểm được (ít ra là giá các loại trung bình, nhằm phục vụ nhu cầu trung bình). Nhiệm vụ của chính phủ là làm cho thị trường này lành mạnh, do đó phải sử dụng những công cụ cần thiết để giá nhà không lên trên trời rồi hạ thổ quá đáng, gây mất niềm tin vào thị trường và chính nhà nước. Tình trạng cho đến ngày hôm nay khi chỉ số chứng khoán xuống tới dưới 8600, giảm thêm gần 700 điểm, và tụt giá gần 40% nếu tính từ cao điểm. Rất nhiều biện pháp cho đến thời điểm này không có tác dụng gì. Niềm tin gần như đã mất. Mọi người ồ ạt rút tiền khỏi thị trường. Nói tóm lại, Việt Nam bằng mọi cách cần giữ hệ thống tài chính lành mạnh, cần sử dụng các biện pháp, chính sách kinh tế hợp lý nhằm ngăn ngừa một thị trường nhà đất mang tính đầu cơ, và làm sao giữ được niềm tin trong quần chúng. Có lẽ điểm cuối cùng là bảo đảm thông tin đầy đủ để bản thân nhà nước nắm vấn đề mà dân cũng nắm vấn đề. Niềm tin được xây dựng trên cơ sở nắm thông tin, chứ không phải trên cơ sở tuyên truyền.

Lê Như Anh: Tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính Mỹ chính là mức độ sử dụng nợ của nền kinh tế thể hiện qua niềm tự hào nước Mỹ trong vấn đề chứng khoán hóa tất cả các nghiệp vụ. Ông có nghĩ thế không? Điều này có nên cổ súy cho các nền kinh tế khác không?

Ông Vũ Quang Việt: Chứng khoán hóa giá trị tài sản của công ty sản xuất là điều cần thiết vì nó vừa là hình thức thu góp vốn của cổ phần viên, tức là những người có vốn, và chứng khoán hóa là công cụ tạo ra một thị trường cho số vốn trên: người bỏ vốn vào một công ty nào đó không bị chết gí vào đó, mà có thể bán đi để làm chuyện khác hiệu quả hơn. Điều này nên cổ súy.

Ở Mỹ thời gian qua họ đi quá đó rất nhiều, và lại không chịu sự kiểm soát nào. Họ chứng khoán hóa mọi thứ họ có thể nghĩ ra, có bảo chứng hay không bảo chứng, miễn là người khác chịu mua chúng, và mọi người tin rằng người kia có khả năng chi trả, và tôn trọng hợp đồng.

Tôi có thể mua chứng khoán phái sinh là vào thời điểm nào đó, thí dụ quyền mượn được một món nợ nhất định với một lãi suất nhất định nào đó. Nếu lãi suất cao hơn nhiều so với hợp đồng thì người bán phải chịu thiệt. Tôi cũng có thể mua rủi ro cả chỉ số chứng khoán. Giống như trò đánh bạc. Loại buôn bán này hiện nay trên toàn thế giới có tổng giá trị cuối năm 2007 là một con số khổng lồ 516 ngàn tỉ đô la Mỹ. Bảo toàn rủi ro chỉ lành mạnh khi có kẻ thua, người thắng, như vậy người làm cái (tức là xã hội chẳng hạn) luôn luôn thắng vì thu được dịch vụ. Trong cuộc chơi mà mọi người có thể thua cả thì thế nào? Như vậy, có thể nói buôn bán rủi ro kiểu Mỹ thời vừa qua không nên cổ súy.

Lê Như Anh: Trong bài viết của ông, có nói đến “Nếu chỉ tính số chứng khoán dưới chuẩn là 2.000 tỉ đô la thì việc bỏ ra 700 tỉ đô la để nhà nước mua lại nhằm vực giá chúng lên là hết sức phức tạp. Hình như 700 tỉ này đâu phải dùng để mua lại hoàn toàn?

Ông Vũ Quang Việt: Tôi nói hết sức phức tạp ở chỗ: mua cái gì và mua với với giá nào. Nếu là mua nhà thì rõ ràng là không thể mua với giá trên trời như trước được. Bởi vì như thế vừa mất tiền thuế, vừa không giải quyết được gì.

Cách họ đang định làm là đấu thầu ngược, tức là thay vì người mua hô giá, thì ở đây là người bán hô giá. Nhà nước là người mua, sẽ quyết định mua ở giá mà nhà nước cho là hợp lý. Nhưng đây có thể phần lớn là mua chứng khoán có nhà bảo chứng. Chứng khoán này là dựa vào một mớ “hổ lốn” giấy nợ mua nhà với giá khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau, lãi suất khác nhau. Vậy thì tính giá chúng như thế nào. Điều này cũng sẽ là một thử nghiệm.

Nếu bỏ qua chứng khoán mà chỉ mua chính những căn nhà đang cần bán vì có thể phá sản thì đó cũng là một cách giải quyết. Nhưng tình hình hiện nay không chỉ là chứng khoán nhà, khủng hoảng đã lan rộng ra thị trường thương phiếu (khoảng 1,6 ngàn tỉ đô la Mỹ) và hình như đang lan rộng ra thị trường chứng khoán phái sinh (derivatives) lên tới 516 ngàn tỉ đô la Mỹ, một quả bom khinh khí, chứ không phải là bom tấn, hay bom nguyên tử. Con số này quá lớn so với GDP của Mỹ là khoảng 14 ngàn tỉ đô la Mỹ và của toàn thế giới gần 50 ngàn tỉ đô la Mỹ.

Hoang Anh: Cuộc khủng hoảng tài chính lần này theo ông nguyên nhân có phải do nền kinh tế của Mỹ và các nước khác đã quá tự do? Hiện bàn tay của Chính phủ đang trực tiếp nhúng vào kiểm soát các định chế tài chính trở lại. Vậy liệu nền kinh tế thị trường tự do là tốt để Việt Nam có thể hướng theo hay một nền kinh tế được kiểm soát bằng các biện pháp hành chính là tốt?

Ông Vũ Quang Việt: Dĩ nhiên như tôi đã trình bày nguyên nhân cuộc khủng hoảng tại Mỹ là quá tự do, coi như không cần bàn tay của nhà nước về thị trường chứng khoán phái sinh. Thị trường phái sinh đã lớn hơn cả thị trường chứng khoán, nhưng lại không có luật lệ gì. Nếu không có luật, tức là bàn tay nhà nước thì bản thân ngay cả thị trường chứng khoán cũng không họat động được. Nhà nước bằng luật pháp bảo đảm rằng mọi người buôn bán trên thị trường đó phải trung thực, công ty có mặt trên thị trường chứng khoán phải công bố thông tin hàng quí, không xử dụng thông tin nội chính, chỉ dành riêng cho vài người. Kiểm soát phải dựa trên luật pháp và các định chế đã được đặt ra. Nhà nước, qua Ủy ban chứng khoán phải theo dõi chặt chẽ và hành xử theo đúng luật. Đây không thể là các biện pháp hành chính được tự đặt ra một cách tùy tiện.

Trần Thành Tâm: Thưa tiến sĩ Vũ Quang Việt, bài học về chủ nghĩa tự do tài chính của Mỹ trong hai thập kỷ qua đã rõ ràng. Vậy theo tiến sĩ thì Việt Nam cần chọn lựa mô hình quản lý vĩ mô như thế nào đối với lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, hoạt đồng đầu tư trực tiếp và gián tiếp để có thể phòng ngừa, phát hiện sớm, và có thể kiểm soát được rủi ro khủng hoảng kinh tế trong tương lai? Theo tiến sĩ đâu sẽ là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai?

Ông Vũ Quang Việt: Tất nhiên Việt Nam cần kinh tế thị trường, cần chứng khoán hóa vốn, dù giá cả do thị trường quyết định, nhưng nhà nước phải bảo đảm là hệ thống này không bị một phe nhóm lợi ích nào đó điều động. Ở Mỹ cũng có nhóm lợi ích là tư bản tài chính đòi hỏi tự do toàn diện, có quyền làm “luật” riêng, tức là chỉ cần sự đồng ý giữa bên mua và bên bán, không ai được kiểm tra, cũng không ai được đòi hỏi thông tin thống kê chẳng hạn. Ở Việt Nam, tôi thấy cũng có vấn đề không công khai thông tin. Các bạn thử vào mạng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem có tìm ra một con số thống kê nào về tiền tệ, tín dụng, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ không? Có thông tin thì mới phát hiện được vấn đề. Rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế là mất niềm tin.

Hoang Anh: Hiện các ngân hàng thương mại trong nước đều lập công ty đầu tư tài chính, liệu điều này có khả năng đưa Việt Nam đi theo vết xe đổ của Mỹ trong tương lai? Liệu Nhà nước có cần phải can thiệp vào? và theo ông bằng cách nào là tốt nhất?

Ông Vũ Quang Việt: Tôi nghĩ nên học bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay tại Mỹ, tức là đối với vấn đề tài chính phải thận trọng. Cần phân biệt hoạt động ngân hàng và hoạt động gây vốn qua chứng khoán. Ngân hàng dùng tiền của thiên hạ nên phải thận trọng, và phải bảo đảm an toàn để giữ lòng tin dài lâu của khách hàng. Khách hàng của ngân hàng không phải là người thích các hành động đầy rủi ro để làm giàu. Họ muốn bảo đảm vốn đồng thời có lãi phải chăng. Hoạt động của công ty tài chính là giúp khách hàng chấp nhận rủi ro để làm giàu. Hai hoạt động này hoàn toàn khác nhau vì mục đích của khách hàng khác nhau, không nên lẫn lộn. Tốt nhất là Việt Nam nên tách bạch hai loại hoạt động này, cấm một doanh nghiệp hoạt động hai mang như đã làm trong khoảng 20 năm vừa qua tại Mỹ.

Nguyễn Minh Phong: 1. Xin ông cho biết tại sao nền kinh tế mạnh nhất thế giới như Mỹ mà không dự báo và có phương án phòng tránh cuộc khủng hoảng này từ sớm? Nó nằm ngoài dự đoán hay do chính quyền Mỹ không quan tâm?

2. Các dấu hiệu cảnh báo một cuộc khủng hoảng tương tự đã được chuẩn hóa và có được sử dụng ở Mỹ?

3. Cơ chế lan tỏa của cuộc khủng hoảng này là gì, nhất là đối với các nước châu Âu?

4. Sự giống và khác nhau trong các giải pháp đối phó với khủng hoảng ở Mỹ và châu Âu? Tại sao IMF không “kê đơn” cho cuộc khủng hoảng này như đã làm với cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á những năm 1997-1998?

5. Dự báo tác động trực tiếp và gián tiếp của khủng hoảng đến đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam hiện tại và trung hạn? Những đối sách nào và bài học nào cho Việt Nam?

Ông Vũ Quang Việt: 1. Nếu có ai dự báo được mọi chuyện thì tôi xin đến để học hỏi. Dự báo thường là xây dựng dựa trên những gì xảy ra trong quá khứ. Những gì xảy ra cũng phải được lượng hóa, tức là đo lường thường xuyên. Thị trường chứng khoán phái sinh rất tự do, không rào cản, không chịu sự kiểm tra nào do đó thông tin nếu có, có thể cũng là đoán định, không hoàn toàn rõ ràng. Fed không nắm rõ ai nắm bao nhiêu chứng khoán phái sinh, thuộc loại gì. Không nắm được thông tin thì làm sao dự báo. Và làm sao dự báo những điều chưa từng xảy ra. Trước đây có nhà kinh tế coi chứng khoán phái sinh là quả bom nổ chậm, nhưng Cựu Thống đốc Fed thì cho rằng chứng khoán phái sinh là tốt vì nó giảm thiểu rủi ro cho mọi người vì nó bán rủi ro cho những người muốn làm giàu nhanh và sẵn sàng chấp nhận chúng.  

2. Như đã nói chưa bao giờ có một cuộc khủng hoảng như hiện nay xảy ra ở bất cứ đâu. Khủng khoảng vì giá nhà mất giá thì có, như đã xảy ra ở Nhật năm 1990. Khủng hoảng về buôn bán giấy nợ, chứng khoán phái sinh thì chưa.   

3, Lan tỏa khủng hoảng của Mỹ sang châu Âu và các nước khác vì các nước này mua rất nhiều chứng khoán phái sinh ở Mỹ.  

4. Làm sao IMF kê đơn khi cách kê đơn của họ từ xưa đến nay chính là thực hiện toa thuốc mà Mỹ đề ra.  

5. Liên quan đến ảnh hưởng vào Việt Nam và bài học Việt Nam có thể rút ra, tôi đã trả lời ở câu hỏi khác tương tự rồi. 

 

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11 giờ 30. Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc, tiến sĩ Vũ Quang Việt đã tham gia giao lưu trực tuyến.

Xin hẹn được giao lưu với bạn đọc vào buổi giao lưu trực tuyến lần sau, trong một chủ đề thú vị khác.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới