Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những thăng trầm của doanh nghiệp xây dựng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những thăng trầm của doanh nghiệp xây dựng

Thanh Phương

Công nhân trên công trường xây dựng – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Doanh nghiệp ngành xây dựng sau một năm 2008 hứng chịu nhiều biến cố và rủi ro có vẻ như lại bắt đầu nhìn thấy tia hy vọng cùng những thách thức mới.

Năm 2008 đầy biến động

Tại một hội nghị của ngành xây dựng diễn ra hồi đầu năm nay tại TPHCM, ông Nguyễn Lương Thịnh, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong ngành xây dựng đang làm việc tại Công ty Xây dựng Bình Minh, đưa ra nhận định: “Chưa bao giờ trong suốt những năm đổi mới, doanh nghiệp ngành xây dựng lại phải trải qua những thử thách ở cường độ cao và trên diện rộng như năm 2008”.

Theo ông Thịnh, những khó khăn do lạm phát và khủng hoảng kinh tế tác động mạnh lên cả ba lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng là xây lắp, vật liệu xây dựng (VLXD) và địa ốc. “Họ cảm thấy chới với trước một thực tế biến đổi khôn lường khi mà năm trước đó (năm 2007) các doanh nghiệp xây dựng làm không hết việc và luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm!”.

Một trong những khó khăn lớn nhất  của năm 2008 là giá cả trên thị trường VLXD tăng cao trong sáu tháng đầu năm: sắt thép tăng 90%, gạch tăng 300%… khiến chi phí VLXD chiếm đến 60-70% giá thành xây lắp. Song song đó, chi phí nhân công cũng tăng 30-55% và đặc biệt là lãi suất cho vay tăng mạnh (cao nhất là 21%/năm) càng khiến cho chi phí đầu vào vượt quá sức chịu đựng của phần lớn doanh nghiệp.

Còn nhớ vào thời điểm ấy, khả năng đàm phán lại với chủ đầu tư ở những dự án vốn tư nhân và vốn nước ngoài để điều chỉnh mức trượt giá là không nhiều, nhiều nhà thầu cầm chắc chữ “lỗ”, nhiều trường hợp chấp nhận phạt hoặc mất khoản bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nhiều doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng không ký được hợp đồng, nhiều dự án lên kế hoạch đấu thầu nhưng không gọi được nhà thầu nào tham gia.

Mới bước vào đầu quí 2, tình hình thi công dự án đã rơi vào đình trệ, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng teo tóp lại. Phần lớn những doanh nghiệp nhỏ yếu vốn, yếu công nghệ hầu như không có doanh thu, phải quay trở lại hình thức các đội nhóm nhận thầu khoán một số phần việc ở các công trình nhà tư nhân hoặc nghỉ việc.

Theo ông Lê Thành Công, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân xây dựng TPHCM, số doanh nghiệp loại này ước tính chiếm đến 40% trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp tại TPHCM (số thực sự có làm nghề thi công) tại TPHCM. Bên cạnh đó, đến cuối quí 1, giá nhà đất bắt đầu giảm từ 20% đến 60-70% khiến những nhà thầu có tên tuổi cũng phải lao đao bởi các chủ dự án mất thị trường.

Thị trường chứng khoán sụt giảm và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra khiến các chủ đầu tư càng cạn kiệt nguồn vốn triển khai dự án, kể cả những dự án đang thi công dở dang. Hàng loạt công trình nhà xưởng, công nghiệp, dự án căn hộ hoặc ngưng hẳn hoặc chỉ thi công cầm chừng. Có việc làm nhưng phải chấp nhận việc thanh toán bị chậm, đôi khi không có thời hạn, cũng là vấn đề nan giải cho nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự.

Theo ông Công, chỉ có nhóm doanh nghiệp may mắn có được hợp đồng từ trước năm 2008 trong những dự án vốn ODA là ít bị tác động nhất, do những dự án này có cơ chế bù trượt giá.

Quí 1-2009: tín hiệu mới, thách thức mới

Tuy nhiên, thị trường xây dựng đang có bước chuyển mình trong nửa cuối quý 1-2009 nhờ sức tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng đáng kể so với những tháng trước đó. Tại TPHCM, hàng chục dự án như River Garden, Preche, XI Riverview, Hoàng Anh Riverview (quận 2), H2, Orient (quận 4), Sunrise City, New Saigon, Riverside Residences (quận 7), The Flemington, XI Grand Court (quận 11), Splendor (Gò Vấp)… cũng có sức sống hơn.

Khủng hoảng đã giúp sắp xếp lại “bản đồ” doanh nghiệp xây dựng và “chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và tư cách của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ”. Do vậy, lợi thế hiện đang có phần nghiêng về những nhà thầu đã thể hiện được tính thích ứng cao trong năm 2008 đầy khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Thành Công, những dự án ODA cũng như nhiều dự án đầu tư hạ tầng từ vốn ngân sách nhà nước vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy triển khai. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyên thầu xây lắp hạ tầng. Ngoài ra, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà tư nhân cũng sôi động trở lại.

Phân tích tình hình này, ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát, cho rằng theo kịch bản được nhiều người hy vọng là nền kinh tế có khả năng phục hồi từ năm 2010 và do ngành xây dựng thường đi trước một bước nên thị trường cũng hồi phục trước.

Một nguyên nhân cộng hưởng hết sức quan trọng khác là do giá các mặt hàng vật liệu xây dựng cơ bản giảm mạnh, nhiều chủ đầu tư có điều kiện trả được phần lớn nợ vay nên đã mạnh dạn vay tiếp với lãi suất thấp để thúc đẩy dự án.

Phân khúc nhà tư nhân cũng tranh thủ lợi thế này mà trở nên sôi động hơn. Tính đến hết quí 1-2009, giá trị hợp đồng được khách hàng “bật đèn xanh” triển khai của Coteccons vào khoảng 1.400 tỉ đồng, trong đó riêng trị giá hợp đồng trong quí 1 khoảng gần 400 tỉ đồng. Tương tự con số này ở Hòa Bình là 1.000 tỉ đồng, riêng quí 1 là 300 tỉ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Toàn Thịnh Phát cũng ký được hợp đồng tổng trị giá 300 tỉ đồng chỉ trong ba tháng đầu năm.

Tuy vậy, vẫn có những nhận định khác nhau về khả năng hồi phục của ngành xây dựng. Với góc nhìn lạc quan, ông Kiệt tin rằng bức tranh ngành xây dựng sẽ trở nên sáng sủa kể từ quí 3-2009, khi mà các chính sách kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường cần có thêm thời gian để giải quyết lượng vật liệu tồn kho do tình hình suy thoái kinh tế gây ra, thì giá cả VLXD ít có khả năng trượt giá mạnh và sẽ ổn định ở mức thấp, ít nhất là cho đến hết quí 3-2009.

Một cách cẩn trọng hơn, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, một mặt thừa nhận cơ hội thị trường còn nhiều cho mỗi doanh nghiệp, nhưng mặt khác ông vẫn thận trọng cho rằng doanh nghiệp không nên xây dựng một kế hoạch quá lạc quan vì ngành xây dựng vẫn nằm trong bối cảnh kinh tế chung.

Ông nêu ra hai kịch bản cần lưu ý: (1) Các gói kích cầu trong và ngoài nước nếu trong thời gian ngắn cùng đổ vào nền kinh tế một lượng cung tiền quá lớn thì khả năng lạm phát sẽ quay trở lại. Khi đó, bài toán xác định chi phí thi công sao cho đúng, đủ và đảm bảo chất lượng công trình sẽ trở nên hết sức phức tạp; (2) Sự rủi ro trên thị trường bất động sản được dự báo vẫn ở mức cao. Khả năng giải ngân vốn xây dựng của chủ đầu tư phụ thuộc rất lớn vào lượng vốn huy động từ khách hàng. Đây cũng là một biến số khó lường!

Bài học từ trong khó khăn

Sự phục hồi của ngành xây dựng dù sớm hay muộn, theo ông Lê Thành Công, thì cơ hội sẽ không chia đều cho các doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp nhỏ có thể trông cậy vào phân khúc nhà tư nhân nhưng xét chung cả ngành, phân khúc này chiếm tỷ trọng không cao. Áp lực sẽ nặng nề hơn và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn ở khối doanh nghiệp thi công dự án.

Ông Công cho rằng khủng hoảng đã giúp sắp xếp lại “bản đồ” doanh nghiệp xây dựng và “chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và tư cách của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ”. Do vậy, lợi thế hiện đang có phần nghiêng về những nhà thầu đã thể hiện được tính thích ứng cao trong năm 2008 đầy khó khăn.

Sự thích ứng này có được nhờ tính chuyên nghiệp của nhà thầu, trong đó hai yếu tố mang tính quyết định đối với chất lượng thi công là quy trình công nghệ chặt chẽ và con người phục vụ quy trình đó.

Theo ông Hải, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) vào quy trình tổ chức và quản lý công trường thi công là hết sức cần thiết, nhất là trong công nghệ xây những công trình cao tầng hoặc nhiều tầng sâu.

Trong khi đó, ông Kiệt đưa ra một kinh nghiệm tâm đắc là cần “giữ con người” trong mọi hoàn cảnh. Ông cho biết năm ngoái Toàn Thịnh Phát thắt lưng buộc bụng đến mức tối đa, giảm thu nhập các cấp quản lý để phụ cấp trượt giá cho công nhân và không cắt giảm bất cứ một trường hợp nào. Quan điểm của ông là “thà chịu lỗ còn hơn mất người” bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực luôn là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp xây dựng từ nhiều năm qua. “Chắc chắn khi thị trường phục hồi, vấn đề nhân lực lại tiếp tục là bài toán hóc búa”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới