Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những thanh niên không chịu trưởng thành

Nguyễn Mai Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Một ông lão gầy gò, khắc khổ, khóc lóc vật vã trên ruộng dưa bị phá tan nát ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Những trái dưa vỡ tung, ứa đỏ như máu khắp ruộng. Thủ phạm của hành động phá hoại ấy là năm thanh niên, tuổi từ 17-20. Chúng ta thấy gì qua sự việc này?

Vợ chồng ông Tôn bên ruộng dưa bị phá hoại… Nguồn: baonghean.vn
…và các đối tượng phá hoại ruộng dưa nhà ông Tôn.

Ngày 4-7, trên mạng xã hội lan truyền video ông Phan Văn Tôn ở xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An khóc thảm thiết trên ruộng dưa hấu bị tàn phá tan hoang, không còn trái nào nguyên vẹn. Gia đình ông thuộc diện nghèo. Nhìn thấy thành quả lao động của mình sau bao nhiêu vất vả, sắp đến mùa thu hoạch bị đập phá, ông lão đã không kìm được nỗi bàng hoàng, thất vọng, đau xót. Và, ông bật khóc nức nở…

Những kẻ phá ruộng dưa của ông Tôn là năm thanh niên tuổi từ 17-20, cùng ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chúng đều đang sức dài, vai rộng, bẻ gãy sừng trâu. Ở lứa tuổi ấy, chúng có thể làm được nhiều việc có ích, đóng góp cho gia đình, cho xã hội. Nhưng năm người trẻ này đã rủ nhau làm điều càn quấy, ngang ngược. Đi qua ruộng dưa nhà ông Tôn, chúng không mua, không xin, tự ý hái trái ăn. Khi bị người dân nhắc nhở thì đem lòng thù oán. Sau khi đi nhậu về, chúng cùng nhau đập phá ruộng dưa cho bõ ghét. Có người biện minh cho rằng, đó là hành động ngông cuồng của tuổi trẻ bồng bột. Người trẻ nào cũng dễ mắc sai lầm. Lứa tuổi này thường thích thể hiện mình, thích những hành động gây cảm giác mạnh, thích làm cho người khác biết tay.

Chúng ta có thể thông cảm phần nào cho tâm lý nổi loạn của thanh thiếu niên. Nhưng đây là những người đã và sắp trưởng thành, trong năm em có bốn đã đủ và trên 18 tuổi, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Hành động của các em vi phạm điều 178, Bộ Luật hình sự 2015 “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Việc đập phá ruộng dưa không chỉ là hủy hoại tài sản mà còn chà đạp lên tình làng nghĩa xóm, thứ tình cảm thiêng liêng được hình thành ngàn đời nay ở nông thôn Bắc bộ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”

Đáng lẽ phải ý thức được điều đó thì chúng lại hành động một cách rất bản năng, vô lối. Đó là sự vô ý thức, thể hiện một lối sống hoang dã, kiểu a dua, bầy đàn. Chúng ta thương và thông cảm cho sự dại dột. Nhưng xã hội cũng cần phê phán và ngăn chặn sự ngông cuồng của một bộ phận giới trẻ.

Để có ruộng dưa đến kỳ thu hoạch, người nông dân tốn của, tốn công, vất vả sớm hôm, một nắng hai sương trên ruộng đồng. Lão nông Phan Văn Tôn tâm sự: suốt ba tháng trời, ông phải ăn ngủ ở ruộng dưa, ngày đêm chăm sóc và canh giữ. Bởi vì, đó là nguồn sống ít ỏi và duy nhất của gia đình ông. Vậy mà, trong phút chốc, mấy gã thanh niên đã biến bao công lao và mong mỏi của ông lão tan thành bọt nước.

Khi xuống tay đập phá, chúng có nghĩ tới mồ hôi, nước mắt của người chủ ruộng dưa? Chắc chắn, nếu biết nghĩ và biết thương chúng đã không hành động như vậy. Việc đập phá ruộng dưa không chỉ là hủy hoại tài sản mà còn chà đạp lên tình làng nghĩa xóm, thứ tình cảm thiêng liêng được hình thành ngàn đời nay ở nông thôn Bắc bộ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Mà mấy đứa trẻ với ông Tôn có phải xa lạ gì đâu, cùng xóm làng với nhau, hàng ngày chúng và bố mẹ chúng với ông Tôn vẫn chạm mặt nhau. Điều gì đã khiến cho một bộ phận giới trẻ vô cảm, kể cả trước những người cùng cảnh ngộ như mình, như gia đình mình?

Hành động của năm gã trai thật đáng trách. Nhưng gia đình, nhà trường và xã hội cũng không vô can. Những bài học làm người như yêu đồng bào, yêu lao động, lòng nhân ái, sự biết ơn… phải luôn nêu cao cho giới trẻ. Phải trang bị cho các em ý thức cộng đồng, lối sống lành mạnh, những tình cảm tốt đẹp, những kỹ năng sống từ những điều nhỏ bé thường ngày, chứ không phải là những bài học đạo đức to tát, giáo điều.

Rõ ràng, năm thanh niên ở Nghệ An đã quên lời răn dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chúng cắt dưa hấu ăn, thưởng thức hương vị ngọt ngào đã không xin phép, không biết ơn chủ ruộng dưa, lại còn ra tay hủy hoại, đẩy người nông dân vào tình cảnh mất trắng cả chì lẫn chài. Có thể nói, đó là hành động độc ác, bất nhân. Giá trị kinh tế của ruộng dưa không cao nhưng tính chất côn đồ của hành động phá hoại thì đã rõ. Giá như, gia đình quan tâm, bảo ban nhắc nhở, nhà trường và các đoàn thể có nhiều hành động bổ ích cuốn hút thanh thiếu niên thì có lẽ đã hạn chế được nhiều hành vi xốc nổi, ngông cuồng và dại dột của tuổi trẻ.

Ông Phan Văn Tôn dù rất đau đớn, xót xa vì ruộng dưa của mình bị phá hủy, nhưng cuối cùng cũng không bắt đền mà còn viết đơn xin bãi nại cho năm thủ phạm. Sự khoan dung, độ lượng của ông cùng những lời phán xét nghiêm khắc của dư luận xã hội mấy ngày qua chắc chắn đã khiến cho năm thanh niên ở Nghệ An nói riêng, giới trẻ nói chung phải suy nghĩ và rút ra cho mình những bài học đáng nhớ. Mong sao sau cú vấp ngã này, các em lớn khôn và trưởng thành hơn.

Cha mẹ chúng và không ít người biện minh rằng chúng còn trẻ người non dạ. Chúng có biết ở Nghệ An và khắp cả miền Bắc, những năm 1970, 1980 hàng triệu thanh niên bằng tuổi của chúng bây giờ, mới độ tuổi 17, 18 đã đi vào chiến trường miền Nam, sang chiến trường Campuchia và tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc một cách đầy trách nhiệm và hào hùng và ngay lúc này có biết bao nhiêu người bằng tuổi chúng đang nắm chắc tay súng bảo vệ biển đảo không so đo, toan tính. Những thanh niên to xác đắm mình trong cờ bạc, rượu chè, ma túy, đua xe, trộm cắp, phá rối trật tự an ninh xã hội nhiều không? Nhiều lắm, nếu buông lỏng thì đấy chính là mầm mống của băng hoại xã hội và suy yếu quốc gia.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới