Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những tờ rơi vô văn hóa trong “Tháng văn hóa giao thông”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những tờ rơi vô văn hóa trong “Tháng văn hóa giao thông”

Hồ Hùng

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Chuyện động trời vừa xảy ra ở Kiên Giang trong “Tháng văn hóa giao thông 2010”: 45.000/122.000 tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông phát cho học sinh các trường trên địa bàn 15 huyện, thị, thành phải thu hồi cấp tốc, do có nội dung “khiêu dâm”!

Trên mười biển báo giao thông in trong tờ rơi, ai đó đã giải thích bằng những câu đầy tính liên tưởng, dung tục, như “đầu tiên nàng dang một chân ra”, “sau nhiều lần ra vào, tôi được làm bố”…

Sẽ là may mắn hơn nếu chúng được phát hiện ngay sau khi lấy từ xưởng in, chỉ đáng tiếc là hàng ngàn tờ như vậy đã đến tay các em học sinh và nhờ vậy mới bị phát hiện. Hậu quả khó đoán!

Người đáng trách nhất là ông Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Kiên Giang, kiêm Phó ban An toàn giao thông, người chịu trách nhiệm chính trong việc in ấn và phân phát những tờ rơi này. Đích thân ông là người ký hợp đồng với cơ sở in ấn Rạch Sỏi, một cơ sở tư nhân.

Trước hết, ông đã sai (dù cái sai này không liên hệ mật thiết với những tờ bướm động trời kia) khi không tuân lệnh cấp trên, bởi trước đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ban, ngành… trong tỉnh, khi in ấn tài liệu phải ký hợp đồng in ấn với Xí nghiệp In Hồ Văn Tẩu, thuộc Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang.

Nhưng cái sai nghiêm trọng nhất của ông chính là để “đẻ” ra những tờ bướm kia với chi phí 106 triệu đồng ngân sách, để rồi sau đó giải thích: “Nội dung trong tờ rơi, chúng tôi lấy từ một trang web trên mạng Internet. Nhưng do khâu kiểm tra nội dung từ đầu đến khi phát hành chưa được chặt chẽ, nên dẫn đến tình trạng trên”. (Nhân dân, số ra ngày 11-9-2010).

Là người chịu trách nhiệm chính, lẽ ra ông phải kiểm tra việc thực hiện, từ số lượng đến chất lượng, từ hình thức đến nội dung. Những tờ bướm dung tục kia đã được cho qua êm thấm, chính từ sự vô trách nhiệm, mà ông phải là người đứng ra nhận lãnh, chứ không thể đổ lỗi cho cấp dưới. Cũng đừng trách xưởng in, bởi theo hợp đồng, nội dung chính là do phía ông cung cấp.

Những người không kém phần đáng trách, chính là các cán bộ của phòng giáo dục 15 huyện, thị, thành, rồi những ông bà hiệu trưởng, những giáo viên có trách nhiệm phân phối các tờ bướm. Là những người có trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người”, đúng ra các vị này phải có trách nhiệm kiểm tra tất cả các nội dung trước khi chuyển đến các em học sinh. Lẽ nào do công việc quá bận rộn, hay vì quá tin nhau nên các vị không có thời gian đọc qua những tờ bướm đó. Không cần phải có năng lực, trình độ chuyên ngành cao siêu gì mới phát hiện lỗi động trời ở những tờ bướm này, mà chỉ cần đó là người có đầu óc bình thường, biết đọc và hiểu chữ.

Từ chuyện này, dễ liên tưởng đến câu chuyện cổ tích Andersen “Bộ quần áo mới của hoàng đế”. Một vị vua thích quyền lực và quần áo, đã bị nhóm thợ may qua mặt, lấy nhiều vàng bạc chỉ để may cho hoàng đế một bộ quần áo mà theo họ, những người nịnh nọt và ngu xuẩn sẽ không nhìn thấy được. Hoàng đế “mặc” vào, thực tế là khỏa thân, nhưng “cấp dưới” ai cũng cố khen rằng bộ quần áo quá đẹp, để không bị mang tiếng là ngu xuẩn. Chỉ nhờ một thằng bé thường dân buột miệng nói thật, hoàng đế mới biết, rằng mình đang… cởi truồng.

Và giờ đây, chỉ nhờ dân, những người vô tình đọc được, những tờ bướm tai hại này mới bị phát hiện và được báo cho công an. Chúng đã đi đến công đoạn cuối cùng do sự vô trách nhiệm của những người được đặt ở những vị trí lẽ ra phải hết sức có trách nhiệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới