Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những trung tâm xử lý ở làng quê Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những trung tâm xử lý ở làng quê Ấn Độ

Minh Thảo

Người dân có thể đăng ký sử dụng các dịch vụ qua điện thoại di động.

(TBVTSG) – Ấn Độ đã nổi lên như một nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh trên thế giới trong mười năm qua. Sự tiến bộ này có được là nhờ những cải cách trong lĩnh vực tài chính, các chính sách vĩ mô của chính phủ, nỗ lực của các doanh nghiệp cùng với các tổ chức xã hội, nhưng trên hết đó là nhờ sự đóng góp của công nghệ thông tin.

Ông Sam Pitroda, người cố vấn cho Thủ tướng Ấn Độ về hạ tầng thông tin công cộng, cho biết những cải cách được đưa ra trong thập niên 1980 đã giúp Ấn Độ tiến vững chắc trên con đường trở thành xã hội thông tin tri thức. “Từ 2 triệu khách thuê bao điện thoại, đến nay Ấn Độ có 700 triệu khách thuê bao và chắc chắn con số này sẽ tăng theo từng tháng. Chúng tôi sẽ là quốc gia của 1 tỉ người kết nối với nhau, kết nối những suy nghĩ và sự sáng tạo với nhau”, ông Sam Pitroda cho biết.

100.000 trung tâm dịch vụ chung

Là một phần của kế hoạch chính phủ điện tử, một mạng lưới hơn 100.000 trung tâm dịch vụ chung được thiết lập để kết nối hơn 600.000 ngôi làng trên khắp đất nước Ấn Độ.

Các trung tâm này có nhiệm vụ xử lý dữ liệu cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những người dân nông thôn như dịch vụ bảo hiểm, khai báo thông tin cá nhân, khai báo thuế thu nhập cá nhân cùng với nhiều dịch vụ khác. Ví dụ, thông qua dịch vụ web, những người dân ở nông thôn có thể tải các mẫu đơn của chính phủ rồi điền vào và gửi đi, hay các mẫu giấy chứng nhận, thanh toán tiền điện, điện thoại, nước hoặc những hóa đơn khác.

Về cấu trúc, các trung tâm dịch vụ chung này có ba cấp. Thứ nhất là trung tâm điều hành dành cho các doanh nghiệp cấp làng xã. Cấp thứ hai cao hơn là trung tâm dịch vụ khu vực có nhiệm vụ quản lý khoảng 500 đến 1.000 trung tâm cấp làng. Cấp cuối cùng là một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chung.

Dễ dàng kiểm tra thông tin tài khoản sau khi thanh toán.

Dự án các trung tâm dịch vụ chung được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt vào năm 2006 được thực hiện theo mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Dự án này không chỉ cung cấp các dịch vụ xã hội mà còn cập nhật thông tin, kiến thức mới nhằm nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Về phần mình, các doanh nghiệp cũng nhận được lợi nhuận khi thực hiện dự án này cho chính phủ.

Sinam Jagdish, người điều hành một trong các trung tâm này, cho biết: “Tôi luôn mơ ước tạo dựng sự nghiệp kinh doanh cho chính mình và khi dự án trung tâm dịch vụ chung được đưa ra ở Manipur, tôi biết rằng đây không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội để phục vụ cho chính ngôi làng của mình”. Đến tháng 5, đã có 94.786 trung tâm được triển khai ở 31 bang và việc xây dựng 100.000 trung tâm được hoàn thành trong tháng 6.

Tài khoản qua điện thoại di động

Không phải người dân nào ở khu đô thị cũng có tài khoản ở ngân hàng, nhưng người dân nào trong dự án trung tâm dịch vụ chung của Ấn Độ thì đều có một tài khoản riêng.

Điều rất thú vị là tất cả những công việc như mở tài khoản, chuyển hay nhận tiền đều qua … điện thoại di động, vì vậy, rất nhiều người trong số họ chưa một lần đến ngân hàng.

Các tài khoản tiết kiệm này là nơi người dân có thể thực hiện những giao dịch nhỏ như thanh toán tiền điện thoại, nước hay nhận các khoản tiền trợ cấp từ các chương trình phúc lợi xã hội… Người dân được miễn phí mở tài khoản, miễn phí giao dịch qua NetBanking, MobileBanking, ATM… Cũng nhờ hình thức thanh toán qua tài khoản này mà chính quyền các cấp, chính phủ có thể quản lý dễ dàng mức thu nhập của người dân, thống kê được số lượng người nghèo, và trong nhiều chương trình phúc lợi xã hội, thay vì chuyển tiền mặt về địa phương chính phủ có thể chuyển thẳng vào tài khoản của họ ở ngân hàng.

Ban đầu, mong muốn của chính phủ rất khó đáp ứng vì các ngân hàng cảm thấy khó khăn khi triển khai một số lượng lớn các tài khoản nhỏ và mức sinh lợi từ các giao dịch cũng nhỏ. Nhưng sự gia tăng mạnh mẽ của việc sử dụng điện thoại di động của người nghèo ở thành thị và nông thôn đã mở ra mô hình mới về cung cấp các dịch vụ thanh toán nhỏ, dịch vụ tín dụng nhỏ thông qua điện thoại di động.

Để triển khai mô hình này, chính phủ đã thiết lập một nhóm các bộ liên quan gồm đại diện các ngân hàng, nhà cung cấp viễn thông, cơ quan an ninh và hội nông dân vào tháng 11-2009 để đưa ra các giải pháp triển khai dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking) cho các ngân hàng.

Nhóm liên bộ đã hoàn thành các giải pháp triển khai vào tháng 3-2010, đến tháng 4 ủy ban chính phủ đã phê duyệt các giải pháp này và đây được xem là cơ sở cho việc cung cấp dịch vụ tài chính sử dụng công nghệ di động. Với kế hoạch tạo sự liên kết giữa điện thoại di động với tài khoản tiết kiệm của các ngân hàng, người dân vùng xa có thể thao tác các giao dịch cơ bản trên tài khoản của mình như gửi-rút tiền mặt, tra số dư, chuyển tiền, nhận tiền với bất kỳ tài khoản nào thông qua điện thoại di động mà không cần đi hàng chục cây số đến ngân hàng để giao dịch. Điều này cũng là nền tảng cho các dự án lớn hơn của chính phủ về xây dựng nông thôn như Bộ Luật quốc gia về bảo đảm việc làm ở nông thôn.

Nền tảng cho những dự án trong tương lai

Theo dự kiến của Chính phủ Ấn Độ, dự án cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản cho tất cả người dân vùng xa sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Dịch vụ này sẽ tạo nền tảng về các hình thức thanh toán nhỏ cho các chương trình phúc lợi của chính phủ, nền tảng cho các dịch vụ thanh toán vi mô cũng như mục tiêu tài chính cho các chương trình xã hội. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tài chính cơ bản cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở thành thị và nông thôn, sự kết hợp các dịch vụ trên điện thoại di động và các dịch vụ tài chính cũng giúp hạn chế sự chậm trễ, tiết kiệm chi phí cũng như giảm thiểu những khó khăn phát sinh trong các chương trình lớn hơn sau này như những chương trình phúc lợi, chương trình xóa đói giảm ngèo của chính phủ.e

(Theo ITU)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới