Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những việc cần làm trước khi tăng giá điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những việc cần làm trước khi tăng giá điện

Hoàng Nghĩa

(TBKTSG) – Khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng thì ngành điện không thể là một ngoại lệ, Nhà nước không thể bao cấp giá điện mãi được. Điều hiển nhiên là ngành điện không thể phát triển khi giá bán điện luôn thấp hơn giá thành sản xuất. Vậy thì lấy nguồn nào để đầu tư sản xuất điện khi Nhà nước không còn bao cấp cũng như khó lòng mời gọi đầu tư cho ngành điện? Và nếu không có đầu tư thì không có điện cung cấp đủ cho nền kinh tế. Đúng là một cái vòng luẩn quẩn!

Việc một số ngành sản xuất kinh doanh kêu ca giá điện tăng dẫn đến giá thành sản xuất dịch vụ của họ tăng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, đến nay vì sao vẫn chưa thấy ngành nào có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, hệ thống máy móc kỹ thuật nhằm sử dụng điện một cách hiệu quả hơn? Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cao nhiều nguyên nhân là do năng suất lao động thấp và các yếu tố khác nữa chứ chưa hẳn do giá điện cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần xem lại mình để cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Mặt khác, một ngành sản xuất cơ bản của nền kinh tế như ngành điện không thể lỗ mãi mà không có lối ra. Do đó, việc tăng giá điện để ngành điện có lợi nhuận là một yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận trong xã hội, trước khi tăng giá điện cần giải quyết rốt ráo ba vấn đề sau:

1. Cùng với việc yêu cầu tăng giá điện thì ngành điện cũng cần minh bạch giá thành sản xuất điện. Kiểm toán tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ cho Nhà nước và người dân những số liệu cụ thể và đó là cơ sở để chấp nhận hay không chấp nhận giá bán điện mà ngành điện yêu cầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi quyết tâm của Nhà nước trong việc minh bạch hóa hoạt động của tất cả các tập đoàn, chứ không chỉ riêng ngành điện.

2. Việc đầu tư ngoài ngành của EVN là một câu chuyện khác về việc quản lý của Nhà nước về hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực của các tập đoàn kinh tế. Đã có rất nhiều bài học về việc đầu tư trái ngành, đầu tư dàn trải của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây thua lỗ và thất thoát không kiểm soát được. Sự việc Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực thuộc EVN hoạt động thua lỗ là yếu tố chính gây nên sự hoài nghi của dư luận đối với việc tăng giá điện.

3. Cuối cùng là vấn đề tác động của việc tăng giá điện đến đời sống xã hội. Chắc chắn sẽ không thể có chính sách nhiều giá điện cho từng nhóm khách hàng khác nhau. Cho nên việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, công nhân viên chức, các khu vực nông thôn, miền núi… Ở đây lại phải nói đến chính sách trợ cấp của Nhà nước dành cho những người dân ở các khu vực chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Trên thực tế, đây là điều không khó nhưng đòi hỏi sự quyết tâm cũng như cách thức tổ chức thực hiện của các cơ quan có trách nhiệm.

Một khi giải quyết thỏa đáng các vấn đề nêu trên thì câu trả lời đã rõ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới