Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhượng quyền thương mại vẫn chỉ là tiềm năng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhượng quyền thương mại vẫn chỉ là tiềm năng

T.Thu

Nhượng quyền thương mại vẫn chỉ là tiềm năng
Lotteria đánh dấu cột mốc mở cửa hàng thứ 100 tại Việt Nam, đồng thời bắt đầu cho việc nhượng quyền kinh doanh – Ảnh: Quốc Hùng.

(TBKTSG Online) – Trong khi hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển mạnh ở nhiều nước, trong đó có các nước châu Á, thì tại Việt Nam, hoạt động này hiện vẫn còn yếu.

Lotteria nhượng quyền cửa hàng thức ăn nhanh

Nhộn nhịp nhượng quyền thương hiệu

Kể từ khi có những nhà nhượng quyền tiên phong ở Việt Nam, như hệ thống nhượng quyền đồ ăn nhanh như Jollibee (xuất xứ Philippines vào Việt Nam năm 1996), KFC, Lotteria (năm 1997) đến nay, đã có 96 hệ thống nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Con số này khá nhỏ so với nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc (hơn 2.600 hệ thống), Ấn Độ, Philippines, Úc (hơn 1.000 hệ thống),…

Theo ông Nguyễn Bá Bình, nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học New South Wales (Úc), trong hội thảo do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án USAID Star Plus của Mỹ phối hợp tổ chức hôm 12-6 tại TPHCM, hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam vẫn ở mức tiềm năng, chứ chưa bùng nổ, so với các nước khác.

Ông Sean T. Ngo, Tổng giám đốc Công ty Vietnam Franchise Ltd. (trụ sở tại TPHCM), cho biết, hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, nhờ nhiều yếu tố. Chẳng hạn như, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vượt qua Indonesia và đang bắt kịp Philippines, hay sự gia tăng lượng người ở lứa tuổi có tiền và chi tiêu mạnh (40- 59 tuổi), dân số tập trung đông tại thành thị,…

Ông Sean T. Ngo cũng đồng ý rằng hiện hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam vẫn còn yếu.

Theo ông Sean, nguyên nhân là, các hãng nhượng quyền thương mại thường là các công ty lớn, nên trước mắt đang tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi có đông dân số hơn, như Trung Quốc, Ấn Độ. Hoạt động nhượng quyền thương mại còn mới mẻ tại Việt Nam, nên nhiều hãng lớn cũng khó tìm được các đối tác thích hợp.

Ngoài ra, do thiếu nguồn cung ứng đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, nên đòi hỏi các nhà nhận quyền thương mại phải nhập khẩu nhiều. Trong khi đó, nhập khẩu càng cao thì lợi nhuận càng giảm. Giá bất động sản cao cũng được xem là rào cản cho nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

Về luật pháp, hiện Việt Nam đã có quy định về nhượng quyền thương mại, như Luật Thương mại 2005 (chương VI, mục 8, các điều 284-291), Nghị định 35 (năm 2006), Thông tư 09 của Bộ Thương mại (năm 2006) (nay là Bộ Công Thương), và Quyết định 106 của Bộ Tài chính (năm 2006).

Theo ý kiến một số chuyên gia về luật tại hội thảo, các quy định hiện khá đầy đủ, nên không cần phải có thêm luật mới về nhượng quyền thương mại mà cần làm rõ một số điều quy định về hoạt động này cũng như tăng cường năng lực thực thi luật.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, hiện có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam, vì Nghị định 120 (có hiệu lực vào ngày 1-2-2012) đã bỏ nghĩa vụ đăng ký hoạt động nhượng quyền của nhà nhượng quyền Việt Nam, nhưng nghĩa vụ đăng ký của nhà nhượng quyền nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới