Thứ Bảy, 14/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Níu chân doanh nghiệp ngừng rời khỏi thương trường

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – S&P Global vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, qua đó cho thấy PMI trong tháng 6 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này nằm dưới mức trung bình, cho thấy “sức khỏe” ngành sản xuất trong nước tiếp tục suy giảm. Những dự báo về sụt giảm đơn hàng phản ánh hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, báo động việc cần sớm có biện pháp níu giữ các doanh nghiệp, giúp họ không phải đi đến tình thế rời bỏ thị trường.

Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh minh họa: L.V

Trong khi đó, lượng doanh nghiệp đuối sức phải rời thương trường trong nửa đầu năm nay đã vượt hơn 100.000, ghi nhận mức cao kỷ lục từ trước đến nay, trong đó TPHCM chiếm đến 1/5 lượng doanh nghiệp này.

Do vậy, nếu không có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời thì khả năng lượng doanh nghiệp rời thị trường sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng triệu người lao động, an sinh xã hội…

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, sở ngành và nhà quản lý… đề xuất những giải pháp và hướng hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay… để giảm lượng doanh nghiệp rời thương trường vá kinh tế tăng trưởng trở lại.

Tham gia triển lãm, hội chợ là cách tìm thị trường, khách hàng mới của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), phản ánh ngoài nỗi khó khăn thiếu vốn, doanh nghiệp còn gặp trở ngại do nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, sợ sai của cơ quan quản lý và một bộ phận cán bộ, công chức cũng đang cản trở quá trình cải cách hành chính.

Về chính sách, người đại diện HUBA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ thực thi các gói hỗ trợ phù hợp và có tác dụng trong thực tiễn hơn nữa. HUBA cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tìm lại đơn hàng, tham gia hội chợ, triển lãm, đi xúc tiến thương mại ở các thị trường mới, ngách; hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ. Đáng chú ý là tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT để doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động.

Đối với chính sách giảm thuế VAT cho nhiều hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm nay, một số ngành không được giảm và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả tác động sâu vào nền kinh tế. Do đó, người đại diện HUBA kiến nghị Chính phủ xem xét để áp dụng thuế suất VAT 8% và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024. Đồng thời nâng mức thu nhập tối thiểu chịu thuế thu nhập cá nhân.

Đối với thành phố, ông Hưng cho biết, doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục tham gia chương trình kích cầu khi Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có hiệu lực, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, hỗ trợ giải pháp hàng tồn kho.

Vấn đề vốn cho nền kinh tế, theo ông Phó Chủ tịch HUBA, lãi suất vay ngân hàng hiện nay hầu hết trên 10%/năm là không phù hợp với khả năng lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp. HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tìm giải pháp giảm lãi suất vay về mức dưới 8% bằng cách giảm lãi suất huy động, giảm chi phí vay và khống chế tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) của ngân hàng thương mại.

Một điểm đáng chú ý khác đó là doanh nghiệp khó khăn về tài sản thế chấp lại bị định giá đất nông nghiệp rất thấp, đất thuê hàng năm không thế chấp được, các loại tài sản khác bị định giá xuống thấp hơn trước nên không có khả năng vay được ngân hàng.

Do đó, người đại diện HUBA kiến nghị các ngân hàng đánh giá nâng tỷ lệ lài sản thế chấp sát thực tế, tăng tỷ lệ cho vay tín chấp, cho vay theo hợp đồng hoặc thế chấp bằng tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương lai… Đồng thời với chính sách ân hạn, gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết hạn.

Khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gia đình với lượng lao động rất lớn rất cần sự hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong ảnh là một hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TL

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, rất chia sẻ với tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Theo ông, tình trạng hơn 100.000 doanh nghiệp rời thị trường trong nửa đầu năm nay sẽ để lại hệ quả lâu dài chứ không chỉ là hệ quả trước mắt hiện nay mà chúng ta đang nhìn thấy.

Để ngăn chặn lượng doanh nghiệp rời thị trường và hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế,… theo ông Doanh yêu cầu rất cấp bách hiện nay là chính sách cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh phản ánh của doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn, theo ông Doanh, trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay thì doanh nghiệp rất cần tiếp tục hạ lãi suất nữa (Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành trong những tháng gần đây – PV) vì lãi suất hiện nay vẫn còn cao so với năng lực hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp.

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, các gói cứu trợ của Nhà nước cần đốc thúc chính quyền các cấp triển khai cấp ngay cho doanh nghiệp lẫn người lao động được thụ hưởng.

Đáng chú ý với khoảng 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh cá thể nhỏ bé nhưng đóng góp một lượng rất lớn việc làm trong xã hội hiện nay. Và đa số người lao động làm việc trong khu vực này thường không được nhà kinh doanh mua bảo hiểm,… nên rất cần sự hỗ trợ cấp bách.

Trong bối cảnh sức mua tại những thị trường lớn như EU, Mỹ… sụt giảm do lạm phát, các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng vì thế mà giảm mạnh và tồn kho tăng, người làm động mất việc làm, theo ông Doanh, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp thì các bộ ngành cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường mới, bạn hàng, đối tác mới…

“Doanh nghiệp chỉ thấy trợ cấp trên tivi, họ không nhận được hỗ trợ gì”, ông Doanh thuật lại lời của những doanh nghiệp phản ánh, và ông cho rằng: “Những gói hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp và người lao động cần thực chất và thực thi kịp thời hơn”.

Cụ thể như gần đây Quốc hội đã phê duyệt việc thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT trong 6 tháng cuối năm với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% (còn 8%) theo ông Doanh là rất thiết thực. “Gói hỗ trợ này sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Doanh nói.

Đồng thời, người dân cũng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Do việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT cũng sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,…

Với tác động như vậy, có thể thấy, đây là một quyết sách rất cần thiết, phù hợp trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay.

Sản xuất của một doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho rằng trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, thị trường bất động sản, thị trường tài chính chậm cải thiện,… tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TPHCM bị ảnh hưởng.

Trong đó, đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Ngoài ra, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế vẫn khó khăn.

Tuy doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ, các hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng theo bà Mai, vẫn còn không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Lượng phương tiện xe cơ giới đường bộ đến hạn kiểm định rất lớn, các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn TPHCM quá tải.

Trước bối cảnh trên, bà Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là tập trung hoàn thiện, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM góp phần khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của TPHCM.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực (về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, hoàn thuế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất;…)

Triển khai chương trình kích cầu đầu tư TPHCM, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các giải pháp kích cầu thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế… Ngoài ra, TPHCM mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm sản xuất xanh, tuần hoàn.

Cùng với đó, TPHCM tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023…

TPHCM đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Là đầu tàu kinh tế cả nước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, nhìn nhận tại phiên họp tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra gần đây, rằng trong 6 tháng cuối năm 2023, TPHCM cần nỗ lực hơn, hiệp sức để vượt qua khó khăn này, chuyển hóa quyết tâm thành giải pháp cụ thể, tạo thành sự phát triển của TPHCM.

Từ mức 0,7% của quí đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) trong quí 2 đã tăng lên 5,87%, đưa kinh tế thành phố trong nửa đầu năm nay ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Người đứng đầu chính quyền thành phố dự báo tình hình 6 tháng cuối năm tiếp tục cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, TPHCM phải tập trung các biện pháp thúc đẩy cho các trụ cột tăng trưởng. Trong đó, phải tập trung hơn nữa để thúc đẩy đầu tư công.

Thành phố cũng đang lên kế hoạch chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu chi phí hàng tồn kho, củng cố thị trường, cũng như tăng kích cầu bằng cách kéo dài tháng khuyến mãi từ một lên ba tháng. Ông Mãi cũng yêu cầu cơ quan thuế triển khai thủ tục hoàn thuế nhanh và đơn giản hơn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Du lịch thành phố nhanh nhạy hơn, nắm bắt cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch. Cùng đó, phải tập trung hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị trường; hỗ trợ cho doanh nghiệp thành pố trở lại thị trường trong tư thế tốt hơn.

Về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Mãi thông tin với 232 vướng mắc thuộc nhóm doanh nghiệp nhà nước, đến nay đã giải quyết được 113 nội dung và sẽ tiếp tục thời gian tới.

169/189 nội dung vướng mắc từ 148 dự án bất động sản đã được chuyển giao cho các sở ngành và có thông báo tiếp nhận giải quyết.

Ngoài ra, có 20/44 hồ sơ dự án đề nghị cấp chấp thuận đầu tư và gia hạn đầu tư đã được trình lên UBND xem xét.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ xếp lịch hàng tuần và hàng tháng để giải quyết các hồ sơ và sẽ công bố rộng rãi tiến độ giải quyết”, ông Mãi thông tin.

Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, trong quá trình giải quyết vướng mắc, hầu hết các vấn đề doanh nghiệp nêu khó là về dòng tiền. Do đó, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho dòng tiền “chảy ra” với các dự án đang cần hỗ trợ.

Song song đó thành phố cũng sẽ khởi động lại chương trình kích cầu sau kỳ họp HĐND chuyên đề tháng 9 tới. Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý trách nhiệm của các sở ngành, địa phương trong phối hợp tháo gỡ vướng mắc. Đáng chú ý thành phố đang chuẩn bị tinh thần triển khai Nghị quyết 98.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp, chủ động giải quyết công việc, tháo gỡ các vướng mắc nội tại của thành phố. Ông cũng đã chỉ đạo Sở GTVT thực hiện theo quy định của Chính phủ về vấn đề đăng kiểm và chủ động xây dựng các phương án xử lý để TPHCM chủ động hơn, giải quyết nhanh các vấn đề, tránh gây ảnh hưởng đến người dân.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu lấy chính sách tài khóa làm trung tâm thì mọi chính sách khác nhằm ổn định vĩ mô phải xoay quanh hồ trợ tài khóa. Lãi suất có thể dễ giải quyết nhưng điều kiện vay lại thuộc ngân hàng thế nên theo nông dân tui thì DN do cấp nào quản lý, là thành viên của hiệp hội nào thì cấp quản lý và hiệp hội đó xem xét đồng bảo lãnh với ngân hàng hoặc có thêm địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động sẽ cùng báo lãnh 3 bên. Nói tới đây chúng ta mới thấy tầm quan trọng của việc phân quyền xã hội mà cụ thể là để Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ đóng góp quỹ cho hiệp hội nghiên cứu chính sách, làm R&D …

  2. Không nên can thiệp cuộc chơi thị trường. Có người rời đi, tự khắc có người khác sẽ đến. Có người thua cuộc, phải có người thắng cuộc. Nhà nước có trách nhiệm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ cuộc chơi. Nhưng sẽ là sai lầm lớn khi đứng ra bảo trợ cho những cái gì không thuộc về trách nhiệm của chính mình, mà đó phải là sứ mệnh của quy luật thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới