Nợ công và trách nhiệm giám sát của Quốc hội
Nguyễn Văn Cường
![]() |
(TBKTSG) – Trong 10 năm liên tục tính từ năm 1990, nền kinh tế Argentina đã tăng trưởng vượt bậc. Việc tái cấu trúc nền kinh tế đã đem lại cho nước này lượng ngoại tệ dự trữ đáng kể, rồi dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào. Giai đoạn đó, Argentina được ca ngợi như điển hình của sự phát triển thần kỳ và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xem như mẫu mực để nghiên cứu.
Chính phủ Argentina đã tận dụng uy tín tăng cao của quốc gia để liên tục vay nợ nước ngoài. Cứ thế, các khoản nợ vay tăng dần lên: từ 35% GDP năm 1995 lên đến trên 64% GDP năm 2001 với suy nghĩ là chính phủ có đủ khả năng bù đắp thâm hụt ngân sách bằng nguồn dự trữ ngoại tệ khá lớn và cả việc vay thêm nợ!
Nợ công của Việt Nam đến hết năm nay được dự báo sẽ lên đến 44,6% GDP, vượt ngưỡng an toàn 40% GDP theo quan điểm của IMF. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn dựa vào sự đầu tư lớn về vốn (năm 2009 lên đến 42% GDP) nhưng xét về tính hiệu quả thì thấp do tái cấu trúc chậm trễ.
Hệ số sử dụng vốn (ICOR) của các công ty nhà nước ở Việt Nam là 10 (trong khi của Thái Lan, Ấn Độ, Singapore chỉ là 3) và muốn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng như những năm qua thì phải tăng thêm vốn đầu tư bằng cách đi vay thêm nợ. Mà nếu vậy, liệu Việt Nam có thể tiếp tục đạt được mức tăng trưởng trên 7%/năm để có thể trả nợ với lãi suất sẽ lên đến 6-7%/năm (vì không còn được ưu đãi).
Những sai lầm của Chính phủ Argentina đã không được quốc hội nước này giám sát kịp thời. Khi quốc hội của họ họp khẩn cấp để triển khai kế hoạch “giảm thâm hụt ngân sách” thì sự việc đã trở nên quá trễ. Khi sự việc còn tốt đẹp thì các nhà tài trợ quốc tế ca ngợi hết lời nhưng khi tình hình xấu đi thì họ lại ngừng hỗ trợ tín dụng. Từ đó Argentina rơi vào khủng hoảng kéo dài.
Từ bài học của Argentina, Quốc hội nước ta cần phải giám sát chặt chẽ những khoản chi và nợ vay của Chính phủ, không thể để nước đến chân mới nhảy.