Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nợ của công ty, ông chủ chịu trách nhiệm tới đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nợ của công ty, ông chủ chịu trách nhiệm tới đâu?

Phan Nhật

(TBKTSG) – Ngày càng có nhiều công ty làm ăn thua lỗ (thật và giả) và… vỡ nợ. Chủ nợ khi đó cũng bí đường. Giải pháp công kích cá nhân, thậm chí tụ tập, phong tỏa bên ngoài nhà riêng người của công ty cũng đã xuất hiện đôi lần. Những lựa chọn này đương nhiên không được pháp luật bảo vệ, ngược lại còn có thể gánh hậu quả pháp lý.

Nguyên nhân sâu xa có lẽ là do các chủ nợ chưa nắm rõ quyền của mình cũng như nghĩa vụ trả nợ của ông chủ công ty và những người có liên quan.

Việt Nam đã có mấy mươi năm phát triển kinh tế thị trường. Pháp luật công ty, thương mại và dân sự cũng đã định hình với nhiều phiên bản luật được hoàn chỉnh dần dần. Làm ăn, có nghĩa bắt đầu cuộc hành trình có thể đối diện với rủi ro. Thậm chí, rủi ro có thể sẽ rất cao trước những khao khát về lợi nhuận lớn. Rủi ro… không thu hồi được nợ là một trong số đó.

Người làm ăn vì vậy cần phải trang bị kiến thức pháp lý căn bản nếu như chưa thể phát triển bộ phận pháp chế hay sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp. Điều đó đôi khi cốt chỉ để biết rằng, công ty nợ mình đôi khi được cái quyền… không trả nợ. Tuy nhiên, những gì xảy ra trên thực tế lắm khi không phải như vậy.

Đầu tiên, cần phải hiểu ông chủ công ty là ai? Đó là những người nắm giữ vốn, cổ phần (cổ phiếu) của công ty. Những người này còn được luật gọi là thành viên của công ty. Điều đó cũng có nghĩa, người làm thuê, kể cả giám đốc được thuê cũng không được xem là thành viên của công ty, và đương nhiên không phải là ông chủ của công ty.

Cho nên toàn bộ tài sản của công ty (vốn và tài sản hình thành từ vốn qua các hoạt động kinh doanh) thuộc về các ông chủ công ty đó. Nhưng nợ của công ty chưa hẳn là nợ của các ông chủ công ty.

Khi công ty mắc nợ thì đó là nợ của… công ty. Và công ty phải dùng toàn bộ tài sản của công ty của mình để trả nợ. Các ông chủ công ty khi đó mất đi một phần hay toàn bộ (tùy theo khoản nợ phải trả) tài sản đã bỏ vào công ty.

Cũng có thể hiểu là các ông chủ đã phải gánh vác nghĩa vụ nợ của công ty, nhưng chỉ là đối với phần tài sản mà họ đã góp vào công ty mà thôi.

Cho nên, nếu khoản nợ nhiều hơn tài sản hiện có của công ty thì công ty đành… xù phần nợ vượt trội. Yên tâm, pháp luật đã có quy định về thứ tự nợ được ưu tiên thanh toán.

Điều quan trọng ở đây là các ông chủ công ty, dù tài sản riêng (phần không góp vào công ty) còn rất nhiều, họ cũng không có nghĩa vụ dùng phần tài sản đó để trả nợ cho công ty.

Đó là quy định về tính chịu trách nhiệm có giới hạn của thành viên công ty được Việt Nam tiếp nhận từ những ngày đầu xây dựng pháp luật công ty. Quy định này nhằm tạo ra một “màn che” bảo vệ những người góp vốn vào công ty.

Có nghĩa, “màn che” xuất hiện là để khuyến khích người có tiền đầu tư, kinh doanh vì khi đó họ không phải lo đối diện với rủi ro mất luôn… của để dành.

Góp bao nhiêu thì hưởng lời bấy nhiêu và vì thế cũng chịu lỗ chừng ấy thôi là nguyên tắc khá sòng phẳng. Cho nên, nếu chủ nợ của một công ty cứ nhăm nhăm vào “nhà lầu xe hơi” của riêng các ông chủ công ty đang mắc nợ thì không hợp… luật chút nào.

Đương nhiên, luật pháp cho họ lựa chọn các mô hình kinh doanh khác, và khi đó quy định này không được áp dụng. Đó là khi họ bỏ vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân, trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh, lập hộ kinh doanh hay các phương thức hoạt động dưới tư cách một cá nhân khác.

Những trao đổi trên đây cũng cho thấy, những người tham gia quản lý công ty mà không phải là các ông chủ công ty thì cũng không có trách nhiệm về các khoản nợ của công ty. Các thành viên công ty đồng thời tham gia quản lý, về nguyên tắc cũng chịu trách nhiệm về các khoản nợ đó, bởi họ là chủ công ty.

Như vậy, việc nhắm đến, công kích, và kỳ vọng vào khối tài sản của người quản lý, ngay cả tổng giám đốc, là người làm thuê cũng không hợp… luật. Cần chú ý rằng, theo quy định hiện nay, người được thuê đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc (hay giám đốc) của một công ty có thể là đại diện theo pháp luật cho công ty đó.

Tuy nhiên, giới hạn trách nhiệm của người quản lý hay việc sử dụng “màn che” của các ông chủ công ty có thể bị phá bỏ nếu các điều kiện áp dụng nó không được đảm bảo. Đây chính là cánh cửa để các chủ nợ tìm thấy cơ hội “túm” khối tài sản riêng của các ông chủ, và kể cả của người quản lý không phải là chủ công ty.

Các chủ nợ có thể chứng minh việc các ông chủ đã dùng chiêu thức để biến tài sản của công ty thành tài sản riêng của mình. Chứng minh công ty lỗ… giả, chơi trò “ve sầu thoát xác” cũng là một cách.

Theo quy định, việc chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của người quản lý, kể cả là ông chủ hay không phải là ông chủ công ty, cũng có thể xảy ra nếu người quản lý tiến hành các giao dịch tạo ra các khoản nợ đó không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, nếu họ tiến hành các giao dịch thiếu trung thực, cẩn trọng và không vì lợi ích của công ty thì công ty cũng sẽ không thể dùng tài sản của mình để thay họ trả nợ.

Tất cả quá trình này cần phải có đầy đủ bằng chứng, và đương nhiên không hề dễ dàng chút nào. Thủ tục phá sản thường giúp giải quyết dứt khoát quan hệ nợ nần này. Tuy nhiên, con đường này không phải lúc nào cũng được các bên lựa chọn.

Thậm chí, chọn yêu cầu mở thủ tục và tuyên bố phá sản công ty con nợ rồi, chủ nợ đôi khi vẫn mong mỏi vào khối tài sản riêng kia của chủ công ty mắc nợ hay người quản lý, đại diện theo pháp luật của công ty đó. Dịch vụ đòi nợ thuê đôi khi cũng được nghĩ đến cho các khoản nợ… không thể đòi được này. Như đã nói, đó là cách chọn không hợp… luật. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới