Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nợ khó đòi của các công ty nhà nước lên tới hơn 18.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nợ khó đòi của các công ty nhà nước lên tới hơn 18.000 tỉ đồng

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ – công ty con đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu nhưng khó đòi trong năm 2019 với giá trị là 18.018 tỉ đồng, theo Chính phủ.

Nợ khó đòi của các công ty nhà nước lên tới hơn 18.000 tỉ đồng
Nhà máy Đạm Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)

Hiệu quả sử dụng tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp

Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khoá XIV – về thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước cho biết, tổng tài sản của 76 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ – công ty con là 2.738.532 tỉ đồng tính tới hết năm 2019 – tăng 2% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, tổng tài sản của các công ty mẹ chiếm tới 70,7% – tương ứng 1.936.119 tỉ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2018.

Với giá trị tài sản cố định chiếm 18% tổng tài sản, còn hệ số tự tài trợ tài sản cố định của các công ty mẹ năm 2019 – vốn chủ sở hữu hay giá trị tài sản cố định – là 3,15 lần, Chính phủ cho rằng mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá cao.

Với hệ số vòng quay tổng tài sản – doanh thu thuần/tổng tài sản – là 0,53 lần, Chính phủ cho biết việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Nhưng chỉ số này cũng cần được xem xét, đánh giá cụ thể – gắn với tính chất ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn hơn 26.700 tỉ đồng

Theo Chính phủ, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn của các doanh nghiệp năm 2019 là 421.912 tỉ đồng – tăng 18% so với thực hiện năm 2018 – theo số liệu báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ – công ty con. Còn giá tị đầu tư của công ty mẹ là 337.245 tỉ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2018.

Tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn hạn tính trên tổng tài sản theo số liệu báo cáo hợp nhất và số liệu báo cáo của công ty mẹ lần lượt là 15% và 17%.

Với đầu tư tài chính dài hạn, số liệu báo cáo hợp nhất cho thấy giá trị khoản mục này đã tăng 2% so với thực hiện năm 2018, đạt mức 130.546 tỉ đồng. Còn giá trị đầu tư Công ty mẹ năm 2019 tương đương với thực hiện năm 2018 – đạt mức 477.122 tỉ đồng – chủ yếu thực hiện đầu tư vào các công ty con với giá trị là 423.367 tỉ đồng, chiếm 89% các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ.

Tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính dài hạn tính trên tổng tài sản là 25%, theo số liệu báo cáo của công ty mẹ. Ngoài ra, các công ty mẹ cũng thực hiện trích lập dự phòng tổn thất vốn đầu tư tài chính dài hạn với giá trị là 26.734 tỉ đồng theo quy định. 

Hơn 18.000 tỉ đồng nợ phải thu khó đòi

Điểm đáng lưu ý trong báo cáo của Chính phủ là khoản nợ phải thu khó đòi của các doanh nghiệp Nhà nước đã lên tới 18.251 tỉ đồng theo báo cáo hợp nhất – tăng 25% so với thực hiện năm 2018 và chiếm 5% tổng số nợ phải thu là 360.982 tỉ đồng.

Đứng đầu là khoản nợ phải thu khó đòi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với giá trị 7.643 tỉ đồng, tiếp đó là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) với khoản nợ lên tới 3.719 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vướng các khoản nợ phải thu khó đòi với giá trị lần lượt là 1.527 tỉ đồng, 633 tỉ đồng, 581 tỉ đồng, 385 tỉ đồng, 365 tỉ đồng.

Tương tự, báo cáo của công ty mẹ cũng cho thấy giá trị nợ phải thu khó đòi đã đạt mức 19.817 tỉ đồng – tăng 10% so với thực hiện năm 2018 và chiếm 5% tổng số nợ phải thu. là 374.405 tỉ đồng, giảm 6% so với năm 2018. Đáng chú ý, nợ phải thu khó đòi của Công ty mẹ – Tập đoàn Hoá chất ViệtNam (Vinachem) đã lên tới  10.566 tỉ đồng do thực hiện trả nợ khoản vay China Eximbank cho dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thậm chí, Vinachem trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với giá trị là 2.233 tỉ đồng theo quy định khi Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn.

Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu khoản nợ phải thu khó đòi với giá trị lần lượt là 2.706 tỉ đồng và 2.537 tỉ đồng. Còn nợ phải thu khó đòi của Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone – chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông trả sau lần lượt ở mức 1.017 tỉ đồng và 632 tỉ đồng.

Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 18.018 tỉ đồng theo số liệu báo cáo hợp nhất và 14.020 tỉ theo số liệu báo cáo của công ty mẹ.

Hệ số vòng quay các khoản phải thu của các công ty mẹ năm 2019 – doanh thu thuần/các khoản phải thu bình quân – là 2,37 lần, kết quả này – theo Chính phủ – cho thấy hầu hết các công ty mẹ có tốc độ thu hồi công nợ của khách hàng đủ để đảm bảo dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu tính trên tổng tài sản ở mức trên 50%, gồm: Công ty mẹ – Tổng công ty Thái Sơn với nợ phải thu 2.746 tỉ đồng, chiếm 71%; Công ty mẹ – Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô với nợ phải thu 1.699 tỉ đồng, chiếm 70%; Công ty mẹ – Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC vơi nợ phải thu 742 tỉ đồng, chiếm 59% tổng tài sản; Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với nợ phải thu là 11.204 tỉ đồng, chiếm 58% tổng tài sản; Công ty mẹ – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn với nợ phải thu 2.126 tỉ đồng, chiếm 57% tổng tài sản; Công ty mẹ – Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện với nợ phải thu 524 tỉ đồng, bằng 53% tổng tài sản.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới