Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nô lệ hiện đại: vẫn còn hơn 45 triệu nạn nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nô lệ hiện đại: vẫn còn hơn 45 triệu nạn nhân

Phúc Minh

Nô lệ hiện đại: vẫn còn hơn 45 triệu nạn nhân
Một tiệm sửa xe đạp tại Lahore, Pakistan, ngày 31-5. Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Khoảng 45,8 triệu người trên thế giới đang phải sống trong cảnh nô lệ, dưới nhiều hình thức khác nhau – tăng 28% so với báo cáo 2 năm trước của Quỹ Walk Free – theo báo New York Times.

Ngày 31-5, Quỹ Walk Free công bố báo cáo Chỉ số nô lệ toàn cầu 2016, tổng hợp thông tin tại 167 nước, thông qua 42.000 cuộc phỏng vấn với 53 thứ tiếng khác nhau, cho thấy tính muôn mặt của nạn nô lệ hiện đại. Trong đó, khoảng 2/3 số nạn nhân thuộc các nước châu Á – Thái Bình Dương.

Trong lịch sử, chế độ chiếm hữu nô lệ xem nô lệ là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu, hình thức sở hữu này hiện đã bị cấm. Các hình thức nô lệ hiện đại theo Liên hiệp quốc (LHQ) là buôn người, cưỡng bức bán dâm, cưỡng bức lao động, bắt trẻ em cầm súng, sử dụng trẻ em trong các đường dây buôn ma túy… Các hình thức này có xu hướng phát triển, phần lớn do nạn nghèo đói, kỳ thị và cô lập xã hội gây ra.

Theo nhiều nhà quan sát, số nạn nhân thực sự của nạn nô lệ hiện đại rất khó xác định. Con số tăng vọt 28% so với báo cáo 2 năm trước có thể do việc cải thiện các phương pháp thu thập thông tin.

Tập trung tại châu Á – Thái Bình Dương

Với 18,35 triệu người, Ấn Độ được coi là nước có nhiều nạn nhân nhất; tiếp theo là Trung Quốc với 3,39 triệu nạn nhân, Pakistan với 2,13 triệu nạn nhân, Bangladesh với 1,53 triệu nạn nhân và Uzbekistan với 1,23 triệu nạn nhân.

Tuy Ấn Độ là nước có nhiều nạn nhân nhất nhưng Quỹ Walk Free cho rằng Ấn Độ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" khi áp dụng nhiều biện pháp đối phó với vấn đề này. Những biện pháp này bao gồm tăng hình phạt hình sự đối với mại dâm trẻ em và cưỡng ép hôn nhân, tăng cường bảo vệ nạn nhân…

CHDCND Triều Tiên là nước có tỷ lệ nạn nhân cao nhất, với 4,37% dân số. CHDCND Triều Tiên cũng là nước mà chính quyền bị coi là tồi tệ nhất trong lĩnh vực này, là chính quyền duy nhất trên thế giới không coi các hình thức nô lệ hiện đại là tội phạm.

Các nước có số nạn nhân trên tổng dân số thấp nhất – dưới 0,02% tổng dân số – là Luxembourg, New Zealand, Ireland, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Bỉ, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Mỹ.

Hành động chưa đủ

Báo cáo Walk Free, theo sáng kiến của nhà tài phiệt Úc Andrew Forrest, có mục tiêu đánh động công luận về các hình thức đa dạng và tinh vi của nạn nô lệ thời hiện đại.

Kể từ báo cáo năm 2014, chính phủ các nước đã có "tiến bộ đáng kể" trong hành động chống nạn nô lệ. Hiện nay, tổng cộng 124 nước đã coi việc buôn người là tội hình sự, theo quy định của LHQ. 96 nước đã có các chương trình hành động phối hợp của chính phủ để đối phó.

Nhưng theo ông Forresi, mức độ hành động hiện nay chưa tương ứng với tệ nạn này. Ông Forrest kêu gọi 10 cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới thông qua các điều luật với ngân sách và phương tiện đủ mạnh để buộc các tổ chức tội phạm phải trả giá, ít nhất như điều luật Modern Slavery Act năm 2015 của Anh (người vi phạm có thể bị phạt tù chung thân).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới