Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nở rộ làn sóng sa thải lao động của ngành công nghiệp ô tô thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nở rộ làn sóng sa thải lao động của ngành công nghiệp ô tô thế giới

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Khoảng 8 triệu lao động trên thế giới kiếm sống nhờ làm việc tại các nhà máy sản xuất ô tô nhưng giờ đây, công việc của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng do các hãng xe buộc phải sa thải nhân sự để cắt giảm chi phí, giữa lúc tình hình bán xe ế ẩm do tác động của Covid-19.

Dịch do nCoV uy hiếp ngành công nghiệp ô tô thế giới

Ngành công nghiệp ô tô Đức chờ “ngày phán xét”

Nở rộ làn sóng sa thải lao động của ngành công nghiệp ô tô thế giới
Công nhân làm việc ở một dây chuyền lắp ráp ô tô tại một nhà máy của Renault ở Flins, Pháp. Ảnh: Reuters

Nối tiếp làn sóng sa thải trong ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu khởi động từ năm ngoái, hai hãng xe Renault (Pháp) và Nissan (Nhật Bản) đang lên kế hoạch cắt giảm hàng chục ngàn nhân sự và các hãng xe khác có thể cũng buộc phải đưa ra các quyết định tương tự.

Ồ ạt sa thải

Hôm 29-5, hãng xe Renault thông báo kế hoạch cắt giảm chi phí khẩn cấp bao gồm sa thải 14.600 nhân viên, ngưng bán xe thương hiệu Renault tại thị trường Trung Quốc, thu hẹp sản xuất và tái cấu trúc một số nhà máy ở Pháp. Theo kế hoạch này, công suất toàn cầu của Renault sẽ giảm về 3,3 triệu chiếc vào năm 2024 so với 4 triệu chiếc trong năm 2019.

Mục đích là để tiết kiệm 2 tỉ euro chi phí trong 3 năm tới giữa lúc nhu cầu suy giảm và lợi nhuận ròng của Renault giảm 99%, chỉ còn 19 triệu euro hồi năm ngoái sau vụ Nhật Bản bắt giữ cựu Giám đốc điều hành Renault, Carlos Ghosn hồi cuối năm 2018, về tội khai báo không đầy đủ thu nhập và lạm dụng công quỹ công ty vào mục đích cá nhân.

Quyết định của Renault phản ánh triển vọng ảm đạm của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vốn đã đối mặt với nhiều khó khăn ngay cả khi trước khi dịch Covid-19, gây đóng băng các hoạt động buôn bán ô tô toàn cầu.

Vào cuối năm ngoái, hãng xe Daimler (Đức) tuyên bố sẽ sa thải 10.000 nhân sự trong vòng 3 năm, trong khi đó, hãng General Motors (Mỹ) cho biết sẽ cắt giảm 14.000 nhân sự trên toàn cầu.

Clotilde Delbos, Giám đốc điều hành Renault, nói: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 chỉ làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn hiện tại. Môi trường kinh tế bất lợi đã làm lộ rõ những hạn chế trong mô hình kinh doanh của chúng tôi, vốn đang đặt cược vào triển vọng tăng trưởng chưa có tiền lệ ở các thị trường mới nổi”.

Covid-19 giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh của Renault. Doanh số của Renault ở Liên minh châu Âu, thị trường quan trọng nhất của hãng xe này, giảm gần 80% trong tháng 4 khi các đại lý ô tô đóng cửa và phần lớn khách hàng không rời khỏi nhà theo lệnh phong tỏa của các chính phủ.

Giá cổ phiếu của Renault đã giảm gần 50% trong năm nay và hãng xe này đang thảo luận với chính phủ Pháp (nắm giữ 15% cổ phần tại Renault) về các điều khoản của khoản vay 5 tỉ euro.

“Không chỉ Renault. Có rất nhiều nhà máy, nhiều dòng xe, nhiều đại lý ô tô khác bị ảnh hưởng. Một cuộc khủng hoảng như thế này phơi bày rõ hết những điểm dễ tổn thương của các hãng xe”, Peter Wells, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô ở Đại học Cardiff (Anh), nói.

Hôm 28-5, hãng xe Nissan (Nhật Bản), đối tác của Renault trong một liên minh sản xuất ô tô toàn cầu, cũng cho biết sẽ đóng cửa các nhà máy ở Indonesia và Tây Ban Nha để giảm 20% công suất sản xuất xe hàng năm. Quyết định này được đưa ra sau khi Nissan ghi nhận mức thua lỗ 671 tỉ yen (6,3 tỉ đô la Mỹ) trong năm tài chính 2019 kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua.

Đây là năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của Nissan trong 11 năm qua. Trước đó một tuần, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết, Nissan cân nhắc sa thải 20.000 nhân sự trên toàn cầu, chủ yếu là ở châu Âu và các nước đang phát triển.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 khiến các hãng xe phải tập trung vào các thị trường mạnh nhất của họ nhưng điều này cũng có nghĩa là tốc độ tăng trưởng bị kéo chậm lại.

Renault thông báo sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc bằng cách bán cổ phần trong liên doanh với hãng xe Dongfeng Motor của Trung Quốc.

Nissan cho biết sẽ thu hẹp sự hiện diện ở châu Á để tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Các thương hiệu xe của Renault chưa bao giờ ăn khách ở Trung Quốc nhưng đây là một trong những số ít thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn trên thế giới. Tỷ lệ người dân sở hữu ô tô ở Trung Quốc còn thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu, những nơi doanh số ô tô trì trệ trong nhiều năm qua.

Tác động dây chuyền

Công nhân biểu tình bên ngoài nhà máy của Nissan ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 28-5 để phản đối quyết định đóng cửa nhà máy này của Nissan. Ảnh: Bloomberg

Hồi tháng trước, hãng xe Volvo Cars (Thụy Điển), công ty con của hãng xe Geely (Trung Quốc) cho biết sẽ cắt giảm 1.300 nhân sự trong tổng số 25.000 nhân sự tại Thụy Điển. Volvo Cars cho biết quyết định giảm nhân sự là một phần của kế hoạch sắp xếp lại hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy kế hoạch này nhanh hơn.

Các hãng xe khác như Fiat Chrysler (Ý-Mỹ) và PSA (Pháp) cũng đang đứng trước áp lực đưa ra các quyết định sa thải nhân sự tương tự.

Tuần trước, hãng xe Ford cho biết sẽ cắt giảm 7.000 nhân viên, tương đương khoảng 10% tổng nhân sự của hãng này trên toàn cầu để tiết kiệm 600 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Hãng xe BMW (Đức) đang chật vật thương lượng với các công đoàn lao động về gói bồi thường thuyết phục công nhân nghỉ việc, giúp đạt mục tiêu giảm 5.000 nhân sự vào cuối năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, các công nhân của BMW không muốn nghỉ việc để tìm công việc mới.

Các kế hoạch cắt giảm chi phí bao gồm cả giảm lương lãnh đạo và dừng chia cổ tức được nhiều hãng xe được lên kế hoạch từ trước lúc đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo nhận định của Peter Wells, giờ đây, với nhu cầu được dự báo phải mất nhiều năm để khôi phục về mức bình thường trước đại dịch, các hãng xe có thể phải đưa ra quyết định cắt giảm chi phí sâu hơn nữa.

Các quyết định sa thải trong ngành sản xuất ô tô dẫn đến tác động dây chuyền lan ra khỏi các hãng xe, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất linh kiện ô tô, đại lý ô tô, nhà cung cấp bảo hiểm ô tô và cả những quán rượu, quán ăn nằm bên ngoài cổng các nhà máy sản xuất ô tô.

Vì các hậu quả kinh tế quá lớn, các quyết định đóng cửa nhà máy vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các công đoàn lao động và các lãnh đạo chính trị.

Hôm 28-5, tại Barcelona, Tây Ban Nha, khoảng 3.000 công nhân, những người sẽ bị mất việc ở một nhà máy của Nissan, đã tuần hành và đốt lốp xe bên ngoài nhà máy để phản đối quyết định đóng cửa nhà máy này.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Arancha Gonzalez, tuyên bố chính phủ sẽ làm mọi điều có thể để đảo ngược quyết định của Nissan.

Các công nhân của một nhà máy của Renault ở Maubeuge, miền bắc nước Pháp cũng tổ chức đình công ngay lập tức sau khi Renault thông báo cắt giảm nhân sự vào sáng 29-5.

Renault đang xem xét sáp nhập nhà máy ở Maubeuge, nơi 2.000 công nhân làm việc, vào một nhà máy cách đó khoảng 100km để sản xuất xe điện và xe tải nhẹ.

ZF Friedrichshafen (Đức), một trong những nhà sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất thế giới, cũng vừa cho biết sẽ sa thải 12.000-15.000 nhân sự do triển vọng kinh doanh quá ảm đạm.

Mikael Bratt, Giám đốc điều hành ZF Friedrichshafen, nói: “Với hai thị trường lớn nhất của chúng tôi, châu Mỹ và châu Âu, gần như tê liệt trong tháng 4, các thách thức mà chúng tôi đối mặt trong quí 2 là chưa có tiền lệ”.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới