Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nợ xấu tiềm ẩn đe dọa “gặm” lợi nhuận ngân hàng

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gia tăng trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, việc này được cho là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh dù dần được kiểm soát nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro, bất định có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như sức khỏe của doanh nghiệp.

ACB dẫn đầu về tốc độ gia tăng trích lập dự phòng rủi ro trong chín tháng đầu năm 2021.

NIM bị ảnh hưởng tiêu cực

Dịch Covid-19 đã tác động lên hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế. Ngành ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ khi biên lãi ròng (NIM) trong quí 3-2021 của hầu hết các ngân hàng đều bị suy giảm so với quí trước đó. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.

Thứ nhất là do cầu tín dụng trong quí 3 thấp, dẫn đến các ngân hàng không thể đẩy mạnh tối đa việc cho vay. Tính đến ngày 7-10-2021, tín dụng toàn hệ thống ước tính tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (tăng 5,48%). Tuy nhiên, nếu so với tín dụng tại thời điểm cuối quí 2-2021 (đạt mức tăng 5,1%), thì rõ ràng trong quí 3, tăng trưởng tín dụng đã có sự chững lại.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) gốc quốc doanh, trong ba quí đầu năm, Vietcombank dẫn đầu về tăng trưởng cho vay khách hàng với mức tăng 11,5% so với cuối năm 2020 nhưng tăng trưởng so với quí 2 chỉ đạt 1,6%. BIDV đứng ở vị trí thứ hai với mức tăng trưởng 9,4% so với cuối năm 2020 và tăng 2,4% so với quí 2. VietinBank ở vị trí thứ ba với các con số lần lượt là 6,8% và 0,7%.

Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận quí 3 giảm hoặc tăng rất thấp phần lớn đều đến từ việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, tăng trưởng tín dụng có phần tốt hơn khi nhiều ngân hàng có mức tăng trên 10% trong chín tháng đầu năm như Techcombank (15,7%), MBB (12,8%), SHB (10%), VIB (10,8%).

Nguyên nhân thứ hai là các ngân hàng phải chịu áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là nhóm ngân hàng TMCP gốc quốc doanh. Theo đó, kể từ tháng 7 vừa qua, 16 ngân hàng đã cam kết và thực hiện giảm lãi suất với tổng mức giảm đạt khoảng 12.236 tỉ đồng.

Trong đó, nếu ngoại trừ Agribank dẫn đầu về tổng giá trị miễn giảm lãi lên tới 4.885 tỉ đồng thì các ngân hàng có vốn nhà nước còn lại là Vietcombank, BIDV và VietinBank đều có mức giảm lãi trong quí 3 lần lượt là 1.975 tỉ đồng; 1.901 tỉ đồng và 1.417 tỉ đồng. Như vậy, riêng nhóm ngân hàng TMCP gốc quốc doanh đã chiếm gần hết giá trị miễn, giảm lãi cam kết với tổng giá trị đạt 10.178 tỉ đồng.

Nỗi lo nợ xấu tăng

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quí 3-2021 đã được công bố, nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết tính đến ngày 30-9-2021 đã tăng lên mức trên 111.000 tỉ đồng, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng mới chỉ ở mức 1,76%, chỉ nhỉnh hơn 0,06 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2020.

Số liệu thống kê cũng cho thấy 10/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trong chín tháng đầu năm 2021. Diễn biến này là không bất ngờ xét trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 mang lại. Đáng chú ý nhất là sự gia tăng mạnh của nợ xấu cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối tại nhóm ngân hàng TMCP gốc quốc doanh.

Biên lãi ròng (NIM) trong quí 3-2021 của hầu hết các ngân hàng đều bị suy giảm so với quí trước đó.

Cụ thể như tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020 lên mức 1,1%. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu.

Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020 lên mức 1,66%. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần và chiếm 64% tổng nợ xấu. BIDV dù có tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, đứng ở mức 1,61% nhưng nợ xấu nhóm 5 cũng chiếm tới 76% tổng nợ xấu. Trước đó, theo thông tin được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đưa ra thì tính đến cuối tháng 6-2021, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (do được cơ cấu lại theo Thông tư 01) thì tổng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ước tính ở mức 7,21%.

Như vậy, đâu đó còn khoảng 5,45% tỷ lệ nợ xấu đang nằm ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, tương đương với khoảng 380.000 tỉ đồng nợ xấu đang ở dưới dạng nợ xấu bán cho VAMC và nợ tái cơ cấu tiềm ẩn thành nợ xấu. Con số này cũng gần tương đương với báo cáo mới đây của NHNN về dư nợ tái cơ cấu: tính đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 cho tổng mức dư nợ là 238.000 tỉ đồng (ngoài ra còn khoảng 100.000 tỉ đồng nợ bán cho VAMC).

Các Thông tư 01, 03 và 14 của NHNN được đánh giá là các phương án mang tính tạm thời để không gây tắc nghẽn mạch máu kinh tế. Thông tư 03 đã yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng dần các khoản nợ do ảnh hưởng Covid-19 được tái cơ cấu trong vòng ba năm (2021, 2022, 2023). Theo đó, trong năm 2021, các ngân hàng phải trích lập tối thiểu 30% cho các khoản nợ tái cơ cấu đang hạch toán ngoại bảng.

Thống kê tỷ lệ trích lập dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cho thấy những con số tương đối lớn đã được trích lập. Dẫn đầu về tốc độ gia tăng trích lập dự phòng rủi ro trong chín tháng đầu năm lần lượt là ACB (tăng 93%), MB (tăng 73%), CTG (tăng 70%), BID (tăng 57%), VPBank (tăng 38%), VCB (tăng 37%). Chỉ có ba ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong chín tháng là EIB (-23%), TPBank (-16,6%) và PGBank (-3,5%).

Gia tăng trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, việc này được cho là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh dù dần được kiểm soát nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro, bất định có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như sức khỏe của doanh nghiệp. Theo đó, nợ xấu được dự báo sẽ gần như chắc chắn gia tăng cả trong ngắn hạn và trung hạn. Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận quí 3 giảm hoặc tăng rất thấp phần lớn đều đến từ việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Trong quí cuối cùng của năm nay, bảng xếp hạng về trích lập dự phòng của các ngân hàng sẽ còn nhiều thay đổi tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng cũng như việc áp dụng quy định của cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, sự phân hóa trong kết quả kinh doanh sẽ ngày càng diễn ra đậm nét giữa các ngân hàng trong thời gian tới.

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi nhận định, việc nợ xấu gia tăng trong thời gian tới khi thời hạn cơ cấu lại thời gian trả nợ kết thúc.
    Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý trước khi Nghị Quyết 42 sắp hết hạn vào năm sau

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới