Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nobel Kinh tế 2014: “thuần hóa” các tập đoàn mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nobel Kinh tế 2014: “thuần hóa” các tập đoàn mạnh

Phúc Minh

Nobel Kinh tế 2014:
Jean Tirole. Ảnh: nobelprize

(TBKTSG Online) – Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 13-10 quyết định trao Giải Nobel Kinh tế 2014 cho kinh tế gia người Pháp Jean Tirole vì công trình nghiên cứu của ông trong việc đề ra các chính sách “thuần hóa” các tập đoàn công ty có sức mạnh thị trường hoặc độc quyền.

Về công trình nghiên cứu của giáo sư Tirole, Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định:

Rất nhiều ngành đang bị thống trị bởi một số lượng nhỏ các công ty độc quyền. Nếu để các công ty này tự do hành động và không bị ràng buộc bởi các quy định thì chúng có thể tạo ra những kết quả không mong muốn về mặt xã hội, chẳng hạn như định giá sản phẩm/dịch vụ cao một cách quá đáng (ngược với những công ty luôn phải hạ giá để cạnh tranh) hoặc hình thành những doanh nghiệp không có hiệu quả chỉ tồn tại bằng việc ngăn chặn sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp mới, hiệu quả hơn.

Giáo sư Jean Tirole hiện giảng dạy tại Đại học Toulouse 1 Capitole (Pháp). Ông sinh năm 1953 ở Troyes, Pháp, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Ngoài giảng dạy, ông còn là Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Kinh tế công nghiệp thuộc Trường Kinh tế Toulouse, Pháp.

Từ giữa thập niên 1980 đến nay, giáo sư Jean Tirole đã “thở một luồng sinh khí mới” vào việc nghiên cứu những thất bại như vậy của thị trường. Phân tích của ông về các doanh nghiệp có sức mạnh thống trị thị trường đã cung cấp một lý thuyết thống nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các vấn đề chính sách cốt lõi: các chính phủ nên xử lý như thế nào các vụ sáp nhập doanh nghiệp/các tập đoàn công ty và nên điều hành các công ty độc quyền như thế nào.

Trước ông Tirole, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã tìm kiếm những nguyên tắc chung cho mọi ngành; họ ủng hộ các luật lệ chính sách đơn giản, chẳng hạn như áp giá trần cho các công ty độc quyền hoặc ngăn cấm sự hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh trong khi vẫn cho phép hợp tác giữa các doanh nghiệp có vị trí khác nhau trong dây chuyền giá trị.

Giáo sư Tirole chứng minh rằng, về mặt lý thuyết, những luật lệ như vậy có thể vận hành tốt trong những điều kiện nào đó song lại trở thành “lợi bất cập hại” trong những tình huống khác. Áp giá trần có thể mang tới cho các doanh nghiệp giữ vị trí thống trị thị trường động lực mạnh mẽ để hạ giá sản phẩm (một điều tốt cho xã hội) song cũng có thể dung túng cho việc trục lợi một cách quá đáng (một điều xấu cho xã hội). Sự hợp tác để cùng ấn định giá trên thị trường thường là điều có hại, nhưng sự hợp tác để chia sẻ bản quyền công nghệ lại có thể làm lợi cho mọi người; sự sáp nhập một doanh nghiệp với nhà cung cấp của nó có thể khuyến khích sự sáng tạo song cũng có nguy cơ làm méo mó sự cạnh tranh.

Vì những điều này, một chính sách cạnh tranh tốt cần phải thích nghi được với mọi điều kiện đặc thù của mỗi ngành. Trong hàng loạt sách và bài báo, giáo sư Tirole đã trình bày một khung khổ tổng quát cho việc thiết kế những chính sách như vậy và áp dụng nó cho nhiều ngành, từ viễn thông tới tài chính-ngân hàng. Dựa theo những nghiên cứu mới và sâu sắc này, các chính phủ có thể khuyến khích tốt hơn các doanh nghiệp hùng mạnh trở thành doanh nghiệp có hiệu quả hơn đồng thời ngăn ngừa những doanh nghiệp đó gây tác hại cho đối thủ cạnh tranh và khách hàng.

Nobel Kinh tế là giải thưởng không nằm trong di chúc của nhà khoa học Alfred Nobel nên luôn được trao cuối cùng trong mùa giải Nobel hàng năm. Các giải Nobel khác, nằm trong di chúc của Nobel, được trao từ năm 1901. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế, tên đầy đủ là The Sveriges Riksbank (Ngân hàng trung ương Thụy Điển) trong khoa học kinh tế tưởng niệm Alfred Nobel, chỉ được Ngân hàng trung ương Thụy Điển lập ra từ năm 1968. Giải Nobel Kinh tế đầu tiên được công bố vào năm 1969.

Điều đáng lưu ý là từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 đến năm 2013, giải Nobel Kinh tế chỉ thuộc về người Mỹ.

Năm 2013, giải Nobel Kinh tế được trao cho ba chuyên gia người Mỹ nhờ nghiên cứu giúp cải thiện việc dự đoán giá tài sản trong dài hạn và giải quyết các tình huống khẩn cấp của các quỹ đầu tư chỉ số chứng khoán.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới