Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi ám ảnh giao thông Hà Nội!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi ám ảnh giao thông Hà Nội!

Tư Giang

Nỗi ám ảnh giao thông Hà Nội!
Xe buýt nhanh nhưng không thể đi nhanh vì không có đường. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – “Hà Nội đã nhìn thấy trước thảm họa”, bí thư Hà Nội khẳng định. “Mảnh đất nào trống chúng ta cấp cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Nguy cơ này là do chúng ta gây ra”, Thủ tướng nhận xét. Giao thông Hà Nội chưa bao giờ căng thẳng đến thế.

Cứ mỗi buổi sáng trước khi rời nhà đi làm, tôi lại hít vài hơi thở thật sâu, nói không ngoa, như để chuẩn bị tâm lý vào “cuộc chiến”. Mà đó là cuộc chiến thật sự, không chỉ của riêng mình. Trục đường nơi tôi thường phải đi qua luôn tắc nghẹt. Hàng ngàn người, hàng ngàn xe máy, ô tô chen nhau nhích từng centimet. Khói bụi mù mịt, tiếng còi xe đinh tai nhức óc. Đó là tuyến đường Lê Văn Lương nối lên Giảng Võ – nơi người ta đã bỏ ra 55 triệu đô la để làm tuyến xe buýt nhanh BRT gây tranh cãi.

Hôm nay, khi những chiếc xe buýt BRT đầu tiên đi vào vận hành trên tuyến đường, chúng chẳng thể di chuyển nhanh được. Chúng bị bao vây trong đám đông kẹt cứng. Dù về tâm lý, tôi ủng hộ  các xe buýt nhanh với hy vọng chúng sẽ giúp cải thiện tình trạng, song, về thực tế, chắc hẳn dự án đổ sông đổ bể. Có quá nhiều người trên đường chỉ rộng khoảng 2-3 làn xe. Tôi và nhiều người đi xe máy khác không biết đi như thế nào, khi ngoài đường cho xe buýt BRT, hàng ngàn xe ô tô khác đã dàn hàng ngang 4-5 chật kín chiều rộng con đường.

“Hà Nội đã nhìn thấy trước thảm họa, nếu không có cơ chế đột phá để tháo gỡ thì rất gay go”, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phải thốt lên khi nói về giao thông đặc quánh của thủ đô trước Thường vụ Quốc hội ngày 20-12. “Cứ nói rằng Hà Nội cấp phép cho xây nhiều nhà cao tầng, nhưng nếu không xây nhà cao tầng thì không lấy đâu ra nhà để dân ở”, ông giải thích cho một trong những lý do chính.

Thiết nghĩ, dù nói gì cũng không thể biện minh cho trục đường Lê Văn Lương, nơi mà có báo phản ảnh có tới 40 tòa nhà cao tầng đang mọc lên chỉ trên 1km. Còn ở trục Lê Văn Lương kéo dài tính từ đường vành đai 3, tình hình giao thông cũng u ám chẳng kém. Cả con đường dài hơn 10 cây số mới xây dựng đã ùn ứ nghiêm trọng. Lý do chỉ vì nó quá nhỏ, mỗi bên chỉ 2 làn đường ô tô trong khi các khu đô thị, các tòa nhà, chi chit ở hai bên.

Vậy lỗi là ở đâu? Vì sao lại phê duyệt con đường quá nhỏ, trong khi cấp phép tràn lan cho các dự án bất động sản? Phải chăng là hệ lụy của sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý ?

"Không lý thuyết quy hoạch nào cho phép xây chung cư 50 tầng ở ngay Giảng Võ, với mấy ngàn căn hộ, làm sao chịu được, ai cho phép, quy hoạch nào cho phép?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gay gắt đặt câu hỏi trong cuộc họp sáng nay của Chính phủ. "Tôi đề nghị ngày 15-12 báo cáo Chính phủ nhưng đến nay chưa báo cáo. Mảnh đất nào trống chúng ta cấp cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Nguy cơ này là do chúng ta gây ra", ông kết luận.

Phải có ngay giải pháp tức thời nào đó. Cần bắt xe ô tô chỉ đi 1 làn trên tuyến đường, bên cạnh làn cho xe buýt BRT. Khi đó, số lượng ô tô chắc chắn sẽ giảm vì người ta không thể xếp hàng quá dài, quá lâu. Cần đình chỉ các dự án chưa xây, dù đây là điều rất khó khăn. Còn về lâu dài, cần chuyển các trường đại học, các cơ sở đông người ra ngoại thành, và quan trọng nhất là phát triển đồng đều hơn các địa phương để người dân yên tâm làm ăn ở đó, thay vì đổ xô về Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới