Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi buồn quê hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi buồn quê hương

Nguyên Tấn

Nỗi buồn quê hương
Đào quặng sau phá rừng ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tình. Ảnh: Xuân Hải.

(TBKTSG) – Cuộc sống có vẻ như sung túc hơn và nhiều người đang giàu lên trông thấy. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi sau mấy chục năm trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng sau cảm nhận ấy là một nỗi buồn man mác xâm chiếm cả cõi lòng.

Chuyện về một dòng sông cạn

Chiếc xe hơi từ từ dừng lại. Thị trấn Sơn Phố (*), quê hương của tôi đây rồi! Cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi và hầu như không thể nhận diện. Cái ngã ba ngày ấy, một dẫn vào thị trấn, một là quốc lộ 8A lên Lào với những đoàn xe điệp trùng của bộ đội mà đám trẻ chúng tôi từng háo hức nhìn theo, nay đã nhường chỗ cho những dãy phố sầm uất. Còn sân vận động, nơi diễn ra những đêm chiếu phim mê ly, những trận đá bóng thuở thiếu thời, nay nhường chỗ cho một trung tâm thương mại đông đúc, nhộn nhịp.

Tôi nhờ anh tài xế chở ra Ngàn Phố, con sông thơ mộng đã in bao nhiêu ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Cứ mỗi trưa, chiều hè nóng nực, lũ trẻ chúng tôi lại được đến đó vùng vẫy trong dòng nước ăm ắp, mát rượi. Vào mùa mưa lũ, khi nước rút đi để lại trên bờ một lớp đất bồi vàng mịn. Ở đấy, bắt đầu xuất hiện chi chít những lỗ hang dế trũi, chúng tôi tha hồ đào bắt. Ký ức tuổi thơ bỗng ào ạt hiện về cho đến khi tôi giật mình, sững sờ trước một dòng sông cạn nước, trôi hững hờ. Tôi còn nhớ Ngàn Phố rộng và sâu đến mức có một vận động viên bơi lội đến đây tắm đã phải bỏ mạng. Tôi cũng từng suýt chết trôi mấy lần. Vậy mà nay…

Dường như hiểu sự ngạc nhiên đến thất vọng của tôi, anh tài xế giải thích: “Sông hồi ni cạn lắm rồi, không được như hồi xưa nữa mô. Thậm chí, có đoạn có thể lội qua được đó. Phá rừng nhiều quá mà, còn chi nữa mà giữ nước!”.

Tạm biệt Ngàn Phố trong nỗi buồn thẫn thờ, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên Sơn Kim, một xã thượng nguồn sông của Hương Sơn. Tôi đang thực hiện một “điệp vụ” được mẹ tôi giao là đi tìm gia đình người bạn từng công tác chung trong đơn vị lâm nghiệp cách đây mấy chục năm. Xe chúng tôi bon bon trên quốc lộ 8A trải nhựa láng o. Anh tài xế cho biết năm 1999, khi đưa vào sử dụng, quốc lộ 8A được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là con đường đẹp nhất Việt Nam, nhưng sau trận lụt kinh hoàng vào tháng 10-2010, con đường này đã bị hư hỏng đáng kể. Rồi anh nói nhỏ: “Lũ lụt xảy ra đến mức ấy suy cho cùng cũng do con người đã tàn phá, tận diệt nặng nề rừng đầu nguồn!”.

Nhà bạn mẹ tôi nằm sát bìa rừng. Gọi là nhà cho có chứ trông nó giống như một cái phòng nhỏ chỉ đủ để kê hai chiếc giường và mấy cái ghế. Thấm thoát mấy chục năm, cô bạn trẻ của mẹ tôi giờ đã già sọm, tóc bạc phơ. Cũng như bố mẹ tôi, cả tuổi thanh xuân của cô đã hiến dâng cho sự nghiệp trồng cây gây rừng trong một đơn vị lâm trường. Sau khi đơn vị giải thể, chẳng biết làm gì, cô và gia đình bèn ở lại lấy nghề đi rừng để mưu sinh. Nhà có ba người con thì một người đã chết do bị gỗ đè, một người khác đang nằm liệt giường do bị trâu đá trong lúc kéo gỗ. Tất cả miệng ăn của gia đình bây giờ chỉ còn trông chờ vào cậu con út. Đến lượt mình, người này lại tiếp tục vác dao vào rừng. Tôi hỏi người con út: “Thế làm gỗ có khá không?”. “Rừng sạch rồi, lấy được lóng gỗ phải đi ngái(**) lắm”.

“Kiểm lâm không bắt à?”. “Phải đóng tiền chứ, một lần như vậy đưa vài trăm (ngàn) thì cho đi”, người con út rụt rè trả lời. “Thế có ai giàu từ nghề rừng không?”. “Cũng nhiều nhiều. Vùng này, giàu nhất có “trùm” H., chuyên mua bán trắc. Hắn có cái nhà toàn lim với trắc nghe mô mần hết 40 tỉ đồng. Một cái khác cũng bằng gỗ hảo hạng nghe nói hết 20 tỉ”.

Mẹ tôi nãy giờ ngồi nói chuyện với bạn, chợt thảng thốt: “Vậy, mấy rừng dổi ngày xưa bọn mình trồng còn không?”. Người bạn của mẹ tôi thở dài, không trả lời. Mẹ tôi chừng như hiểu ra, cũng ngồi lặng thinh, chẳng hỏi gì thêm. Tôi chợt nhớ hồi mẹ đi trồng rừng, có lần máy bay Mỹ bỏ bom, mẹ quăng hết dao rựa chạy về coi tôi có chuyện gì không. Lúc gặp tôi, tay mẹ vẫn cầm một bịch hoa dổi trắng ngần, thơm ngát, đưa cho tôi.

Chuyện con “khái” và lãnh địa rừng xanh

Chặng hành trình cuối cùng là về thăm quê ngoại tôi ở Hương Khê. Mẹ tôi lấy chồng ở Hương Sơn, rồi thoát ly theo nghề trồng rừng, biền biệt hơn nửa thế kỷ bây giờ mới có dịp trở lại. Khi đến nơi, chẳng biết “run rủi” thế nào, câu chuyện lại xoay sang đề tài rừng. Bắt đầu là từ câu chuyện của cậu tôi cho biết đêm đêm mọi người phải giăng võng nằm ngủ ngoài vườn để tránh cái nóng bức kinh khủng ở đây. Mẹ tôi trố mắt: “Trời đất, nằm vậy mà không sợ khái(***) vô bắt hay sao?”. Ông cậu cười ngất: “Em ơi là em. Bây giờ có mong đỏ con mắt để nó vô cho mình bắt cũng chẳng có mô. Còn rừng chi nữa mà nó sống!? Đến con chồn cũng khó kiếm nữa là”.

Ngày hôm sau, để giới thiệu về sự đổi đời ở Hương Khê, ông cậu dẫn tôi đến thăm một người cháu mà ông cho là đang làm ăn thành đạt. Nghe đánh tiếng ngoài ngõ, người cháu có gương mặt khá dữ dằn từ trong ngôi nhà gỗ đồ sộ bước ra. Căn nhà bóng bẩy, sực nức mùi gỗ với những cột dổi to, cao vút. Tất thảy nội thất từ tường, trần, sàn nhà đều lát bằng gỗ quý. Khi hỏi về công việc, người cháu nói rằng “rừng nào có cọp đó” với ám chỉ mình đang là “cọp” của rừng xanh. “Rừng bây giờ phân chia thành lãnh địa hết rồi, chú ạ. Cháu có được như ngày hôm nay đâu phải chuyện đơn giản. Tranh nhau, đâm chém, thậm chí có lúc suýt mất mạng mới giành được một lãnh địa để mình kiếm chút cháo”, người cháu giải thích. “Kiếm chút cháo là sao?”. “Khi đã thành lãnh địa của mình thì gỗ đó là của mình, mình khai thác. Đố có thằng nào dám mò vô”. “Thế còn kiểm lâm?”. Người cháu chẳng thèm trả lời câu hỏi “vô duyên” của tôi mà hất hàm về phía một đống gỗ nằm lăn lóc trước sân, rồi nói: “Chú thấy đấy, không có quan hệ thân thiết thì đống gỗ kia sức mấy cháu dám để tờ hơ ở đây!”.

Thực tình, tôi chẳng muốn kể ra đây những mẩu chuyện mắt thấy tai nghe nói trên trong chuyến hành trình về thăm quê sau mấy chục năm xa cách. Bởi chúng quá buồn và nếu có ai đó có chút tình yêu với rừng thì chỉ gợi thêm cảm giác nhói lòng. Thế nhưng, vụ lật xe chở gỗ lậu làm mười người thiệt mạng và lòi ra một số quan chức kiểm lâm buôn gỗ lậu ở Nghệ An mới đây khiến tôi lại nhớ đến những gì đang xảy ra ở quê hương. Đằng sau sự giàu phất lên bên cạnh những số phận nghèo khó của người dân quê tôi là những dòng sông cạn nước, những con thú hết nơi trú ẩn, những cánh rừng đại ngàn bị tận diệt, tàn phá còn hơn cả chiến tranh. Liệu rồi sẽ còn điều gì nữa xảy ra?
_________
 
(*) Một thị trấn thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

(**) Ngái: tiếng Hà Tĩnh, chỉ xa

(***) Khái: tiếng Hà Tĩnh, chỉ hổ, cọp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới