Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nồi cơm nóng cho những gia đình nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nồi cơm nóng cho những gia đình nghèo

Bà Khổng Thị Minh giới thiệu chiếc nồi cơm điện Kim Cương – Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) – Giữa thập niên 1990, nồi cơm điện của Trung Quốc trở thành mặt hàng “nóng” tại thị trường phía Nam. Bà Khổng Thị Minh, với kinh nghiệm nhiều năm buôn hàng kim khí điện máy Trung Quốc, đã nhìn ra cơ hội khởi nghiệp của mình.

Chiếc chiếu trải ra giữa nền nhà, bà Khổng Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa, ngồi ngắm nghía chiếc nồi cơm điện Trung Quốc loại 1,2 lít. Lát sau bà tự tay tháo rời các bộ phận nằm trong chiếc nồi ra quan sát. Sau đó bà ráp các bộ phận của chiếc nồi lại, xong lại tháo ra. Bà Minh lặp đi lặp lại hàng chục lần các động tác này đến thuần thục mới dừng tay.

Sau đó, bà mang những chi tiết quan trọng trong chiếc nồi đến các xưởng cơ khí để đặt sản xuất. Tưởng dễ, nhiều xưởng cơ khí hứa sẽ chế tạo cho bà Minh những bộ khuôn mẫu đẹp, chuẩn như hàng Trung Quốc, Thái Lan, nhưng đến kỳ hẹn họ lại khất “vài bữa nữa sẽ xong”.

“Đến hẹn, nhìn thấy mẫu hàng tôi lại lắc đầu. Tình hình đó kéo dài gần cả năm tôi mới chọn được một bộ khuôn ưng ý để làm mẫu sản xuất. Đó là vào năm 2000”, bà Minh kể.

Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa thành lập vào ngày 31-12-1999. Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty chủ yếu nhập hàng kim khí điện máy Trung Quốc bán cho thị trường phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau, trong đó sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất ở các tỉnh miền Tây là nồi cơm điện.

“Đỉnh điểm có những lúc tôi giao 10.000 chiếc nồi cơm điện/ngày cho đại lý ở các tỉnh miền Tây”, bà Minh nhớ lại.

Công việc làm ăn phát triển, thị trường tiêu thụ còn rộng lớn là động lực cho bà Minh nghĩ đến việc phải sản xuất nồi cơm điện mang thương hiệu riêng. Sau khi vất vả với bộ khuôn nồi cơm điện đầu tiên, kể từ bộ khuôn thứ hai bà Minh chỉ mất ba tháng là có thêm mẫu hàng mới.

“Khách hàng chính của tôi lâu nay là người dân nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống của họ như thế nào thì ai cũng có thể hình dung một khi đã đến với vùng sông nước này. Cũng vì nghĩ đến bữa cơm nóng trong những gia đình nghèo mà tôi đã nỗ lực hết khả năng mình để sản xuất được nồi cơm điện mang thương hiệu Việt Nam”, bà Minh chia sẻ.

Đầu năm 2001, Công ty Minh Khoa chính thức tung ra thị trường nồi cơm điện hiệu Kim Cương (tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm là 50%), với giá khá rẻ, từ 107.000 – 200.000 đồng/chiếc tùy theo thể tích nồi.

Bà Minh cho biết thuận lợi của Minh Khoa là đã có sẵn hệ thống phân phối từ những năm buôn bán hàng Trung Quốc nên cũng đỡ lo. Thời gian đầu, mỗi ngày công ty giao khoảng hai, ba chục chiếc nồi cho các đại lý phân phối. Tuy là chủ nhưng hiếm có ai bận rộn như bà Minh.

Sáng 4 giờ 30 đi tập thể dục; 7 giờ đi chợ nấu ăn; 8 giờ đến công ty làm việc kế toán, kiểm hàng, giao dịch với khách đến 8 giờ tối mới về; từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm làm sổ sách buôn bán trong ngày. Toàn bộ công việc nhà, dạy dỗ hai người con đều do chồng bà lo. Bà Minh giải thích sở dĩ ôm đồm nhiều thứ như vậy vì vốn đã quen việc, giao cho nhân viên thì không yên tâm.

Công việc kinh doanh thuận lợi. Đại lý các tỉnh đặt hàng tăng dần từ vài trăm nồi, rồi trên 1.000 cái/ngày và chưa dừng lại ở đó. Tiền lời tích cóp được kha khá, năm 2002, bà Minh bỏ ra 500 triệu đồng mua một miếng đất ở huyện Hóc Môn với ý định mở xưởng sản xuất, nhưng không may, mảnh đất bà mua đã được chủ đất bán cùng lúc cho nhiều người. Chủ đất vỡ nợ, kế hoạch xây nhà máy của bà đành gác lại.

Không từ bỏ giấc mơ, hai năm sau Công ty Minh Khoa đã chính thức có nhà máy sản xuất đặt tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Tiếp tục đi theo phân khúc sản xuất nồi cơm điện giá rẻ, công ty đã đầu tư thiết bị, công nghệ dần dà tới 50 máy ép nhựa, 100 máy khuôn mẫu và luôn trữ sẵn trong kho khoảng 100 tấn sắt, nhôm để chủ động sản xuất.

Theo bà Minh, hiện có đến 70% chi tiết trong nồi cơm điện là do Minh Khoa tự sản xuất, nhờ đó giúp công ty tiết giảm 10-15% chi phí/sản phẩm. Cứ sáu tháng một lần công ty lại đưa ra thị trường mẫu nồi mới. “Các đại lý đặt hàng thì chỉ trong vòng 1-2 ngày là có, mấy ngàn nồi cơm điện chúng tôi cũng đủ năng lực sản xuất”, bà Minh khẳng định. Thị trường tiêu thụ chính sản phẩm của Kim Cương hiện nay là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy sản xuất sản phẩm giá rẻ nhưng đời sống của nhân viên rất được bà Minh chú trọng. “Lương công nhân thử việc là 1,2 triệu đồng/tháng, sau ba tháng có thể tăng lên thành 2 triệu/tháng. Ngoài lương, công nhân còn được hỗ trợ 10 ki lô gam gạo/tháng. Trong khi đó đội ngũ quản lý của Minh Khoa có mức lương 15-20 triệu đồng/tháng”, bà Minh cho biết.

Không chỉ sản xuất, từ tháng 5-2008, bà Minh còn kinh doanh thêm đồ điện gia dụng, giày dép, quần áo với ba gian hàng Hà Nam tại siêu thị miễn thuế Mộc Bài, Tây Ninh.

UYÊN VIỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới