Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo giá nguyên liệu cao và nghịch cảnh nguồn cung trong nước thừa

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm nay (30-8) là hạn chót Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phải đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với các mặt hàng cần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương theo yêu cầu của Chỉ thị 10 đã ban hành một tuần trước đó. Diễn biến thị trường hàng hóa, nguyên liệu trong và ngoài nước những ngày qua vẫn có những xu hướng không thuận chiều.

Nhận diện nhóm nguyên liệu gây sốt

Kho chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn kho hơn 200.000 m3 xăng dầu thành phẩm. Ảnh: ĐVCC

Không phải quá nhanh mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hỗng Diên vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT (23-8-2021) về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước. Theo Chỉ thị 10: Hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2021 đã đạt được kết quả tốt dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón… đã xuất hiện một số dấu hiệu cần quan tâm, theo dõi, đánh giá. Việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu (như xăng dầu, than đá, gạo). Một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước (như sắt thép, phân bón).

Bộ yêu cầu các đơn vị quản lý thuộc bộ rà soát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu,cùng với Cục Xuất nhập khẩu phải rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu chung và kiến nghị công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo, mặt hàng đường; làm đầu mối chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ….

Các Hiệp hội và doanh nghiệp lớn trong các ngành sản xuất này phải quản lý chặt và ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đường, sắt thép…

Nguyên liệu đầu vào tăng: Thiệt nhiều hơn lợi

Thực tế diễn biến của nhóm hàng nguyên liệu cơ bản từ đầu năm đến nay đang tác động mạnh đến các ngành sản xuất. Đầu tháng 8, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị về việc hạn chế nhập khẩu dầu thô để cứu các nhà máy lọc dầu trong nước. Theo văn bản của Quảng Ngãi thì từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát bắt đầu từ các tỉnh miền Trung vào tháng 5, 6 năm nay, công tác tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR) đã bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa bị giảm sút mạnh. Giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa thời gian qua sụt rất mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuối năm nay. Với sản lượng tiêu thụ giảm mạnh và thiếu sức chứa do nhu cầu giảm đột ngột nên các thương nhân đầu mối đã giảm/dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn (riêng tháng 7 khoảng 230.000 m3). Việc giãn lịch nhận hàng đã làm tồn khi của nhà máy tăng lên rất nhanh giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Nhiều thương nhân đầu mối không có kế hoạch nhận hàng từ BSR hoặc chỉ nhận một nửa lượng đặt hàng.

Tồn kho tại nhà máy đến đầu tháng 8 khoảng 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m3 dầu thô (khoảng 2,4 triệu thùng). BSR đã giảm công suất nhà máy xuống còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ ngày 3-8 (trước đó đã giảm xuống 98% công suất). Doanh nghiệp cũng tiến hành gửi kho 25.000 m3 xăng 95 và có kế hoạch triển khai gửi thêm khoảng 100.000 đến 120.000 m3 ngay trong tháng 8 để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy. BSR phải đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường hầu như đã đầy, dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy.

Diễn biến ngược lại, giá dầu Brent tại thời điểm ngày 28-8 đã tăng  40,21% so với ngày đầu năm 2021. Điều này giúp gia tăng lợi nhuận, giảm lỗ cho các nhà máy lọc dầu so với kế hoạch đề ra. Song, hàng khó bán, lượng tồn kho vẫn là chuyện đáng báo động nhất.

Các doanh nghiệp ngành điện lại khó khăn theo một cách khác. Giá than từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng mạnh khiến Tập đoàn điện lực (EVN) tối ngày 24-8 phải phát đi một bản tin cho biết: dự kiến từ nay đến cuối năm, chi phí sản xuất và mua điện của EVN sẽ tăng 16.600 tỉ so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp sản lượng tiêu thụ điện đã giảm đi đáng kể trong những tháng gần đây vì dịch bệnh. Lý do là giá nhiên liệu đầu vào trong tháng 7 và tháng 8 đã tăng rất mạnh so với giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than. Trong khi 51% nguồn phát của hệ thống điện quốc gia mà EVN chịu trách nhiệm mua là nhiệt điện than và dầu.

Cụ thể: Giá than nhập khẩu bình quân tháng 7-2021 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6-2021; tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021.  Và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 đô la Mỹ /tấn lên đến 150 đô la/tấn), đồng thời tăng lên mức 159,7 đô la/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8-2021. Giá dầu HFSO bình quân tháng 7-2021 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.

“Khó dự báo diễn biến giá nhiên liệu trong các tháng cuối năm 2021”, EVN nhận định. Và không quên nói rằng: “Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có rất nhiều khó khăn”.

Trong một diễn biến khác thì ngành đường cũng không đứng ngoài nỗi lo cung nội địa thừa nhưng nhập khẩu lại gia tăng bất thường. Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: Việc áp thuế chống bán phá giá đối với mía đường Thái Lan từ tháng 6 năm nay chưa vui được bao nhiêu thì tổng lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia lân cận Thái Lan trong 6 tháng đầu năm nay lại lên tới gần 400.000 tấn, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. VSSA cho biết toàn bộ số đường này chỉ chịu thuế nhập khẩu vào Việt nam là 5% so với mức 33,88% – 48,88% tùy loại. Điều đánh nói là các quốc gia như Indonesia, Philipine, Campuchia… vốn không phải là các quốc gia sản xuất đường và xuất khẩu đường nên e ngại có dấu hiệu của việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường từ Thái Lan vào Việt Nam. Dù việc này chưa có kết quả xác minh cuối cùng nhưng nỗi “thấp thỏm” của ngành đường trong nước về đường nhập khẩu là luôn luôn hiện hữu, bất chấp đã có những biện pháp phòng vệ thương mại với đường Thái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới