Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo giấy tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo giấy tăng giá

Nguyễn Quân

Đóng tập học sinh tại nhà máy của Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Giá đầu vào các loại nguyên liệu giấy đã tăng mạnh trong thời gian qua, khiến các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng liên quan đến giấy gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lỗ để giữ khách hàng, không dám ký những hợp đồng dài hạn mới, vì không thể biết giá giấy sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới.

Lao đao vì giấy

Các doanh nghiệp lớn thì hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp nhỏ buộc phải tạm ngưng sản xuất, không nhận đơn đặt hàng mới vì giá giấy tăng cao trong thời gian gần đây, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), cho biết.

Từ đầu năm đến nay, giá giấy nguyên liệu đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, giá bột giấy hiện đứng ở mức gần 1.000 đô la Mỹ/tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009. Giấy loại (giấy đã qua sử dụng) tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm rồi, hiện giá khoảng 300 đô la Mỹ/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2009 giá khoảng 50 đô la Mỹ/tấn.

Một số doanh nghiệp cho biết tuy giá nguyên liệu giấy tăng cao nhưng không có hàng để mua. Các công ty sản xuất giấy tại Thái Lan, Trung Quốc… trước đây nhận đơn hàng không hạn chế thì nay cũng chỉ cung cấp một số lượng nhất định. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước hiện không đáp ứng đủ nhu cầu.

Giá giấy các loại tiếp tục tăng mạnh khiến các ngành sản xuất có nhu cầu sử dụng giấy đang tính đến việc tăng giá sản phẩm. Giám đốc phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên sản xuất tập vở, văn phòng phẩm cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, do giá giấy in, giấy viết tăng gần 14%, từ 16,8 triệu đồng/tấn lên 19 triệu đồng/tấn (chưa tính 10% thuế VAT), khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, công ty buộc phải tăng giá mỗi quyển tập từ 250-450 đồng, dù điều này khiến công ty gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, nhất là đối với những sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc.

Bà Nguyễn Mai Minh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thư, chuyên sản xuất bao bì giấy, cho biết trước đây công ty mua hàng được gối đầu cả tháng trời thì nay phải thanh toán ngay bằng tiền mặt, nhưng chỉ được mua trong hạn mức do các nhà nhập khẩu đưa ra. Đã vậy, giá giấy biến động khó lường, sáng một giá chiều một giá, nhiều khi chốt giá trong ngày nhưng chưa kịp chuyển tiền, sang ngày hôm sau họ không giao hàng với lý do giá đã thay đổi.

Bà Thư cho biết thêm: mặc dù giá giấy tăng mạnh nhưng doanh nghiệp cũng không thể tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí và mức tăng của nguyên liệu, thậm chí còn chịu lỗ để giữ khách hàng.

Bà Trương Minh Tuyết, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Bao bì Việt Nam, so sánh giá giấy biến động như chứng khoán. Các loại giấy đã tăng từ 30% đến hơn 40% trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn loại giấy ivori, dùng để sản xuất các loại bao bì, trước Tết giá hơn 16 triệu đồng/tấn, nay giá đã tăng hơn 24 triệu đồng/tấn. Đã vậy, đặt hàng nhà cung cấp trong chiều hôm nay thì họ đã tính toán chốt giá cho ngày hôm sau. Mọi giao dịch đều phải thanh toán bằng tiền mặt trước, nếu không khó mà lấy được hàng. Trong khi đó, hầu hết các hợp đồng mà công ty ký với các khách hàng đều được chốt giá cách đó vài tháng, nay giá giấy liên tục tăng, chúng tôi buộc phải chịu trận để giữ uy tín với khách hàng.

Có những trường hợp công ty đã thương lượng với một số khách hàng nhằm chia sẻ khó khăn do giá giấy tăng cao, nhưng rất ít khách hàng chấp nhận sự điều chỉnh này. Nếu giá giấy vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, phương án hủy một số hợp đồng và chịu phạt là điều doanh nghiệp đã tính đến, bà Tuyết cho biết.

Một số nguyên nhân

Do giá giấy tăng cao trong thời gian ngắn khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có tình trạng đầu cơ giấy giống việc đầu cơ xi măng hay sắt thép đã từng xảy ra trước đây?

Không thừa nhận cũng không bác bỏ ý kiến này, ông Vũ Ngọc Bảo cho rằng có nhiều yếu tố khiến giá giấy liên tục tăng thời gian qua. Tình hình suy giảm kinh tế trong năm 2008-2009 ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nguyên liệu bột giấy và giấy thành phẩm do nhu cầu tiêu thụ giấy trên thế giới giảm mạnh.

Đến cuối năm 2009 đầu năm 2010, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, vì thế nhu cầu tiêu thụ giấy tăng trở lại. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng tại Argentina, quốc gia cung cấp nguyên liệu bột giấy lớn nhất thế giới, đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất giấy trên thế giới vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu, giá giấy vì thế mà tăng vọt.

Trong khi đó, lượng giấy thành phẩm và lượng nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của toàn thị trường.

Đã vậy, do nguồn nguyên liệu giấy không ổn định nên một số nhà máy đang hoạt động dưới công suất. Vì vậy, tổng sản lượng giấy sản xuất trong năm 2010 được dự báo sẽ tiếp tục giảm và như vậy nguồn cung không đủ cũng sẽ góp phần làm cho giá tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Một số nguyên nhân khác như giá điện, nước, than, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng… tăng, theo ông Bảo, cũng góp phần làm cho giá giấy trong nước tăng mạnh trong thời gian qua. Chưa kể tình trạng mất điện thường xuyên đã làm giảm khoảng 15% công suất của các nhà máy sản xuất giấy trong nước.

Theo tính toán của ông Bảo, hiện ngành giấy đang nhập siêu khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ/năm. Ngoài ra, ông Bảo cũng chỉ ra rằng hiện có một nghịch lý trong chính sách thuế áp dụng cho mặt hàng giấy loại dùng để sản xuất giấy.

Để hỗ trợ ngành giấy, ông Bảo cho rằng Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu gom nguồn giấy loại trong nước để tái sản xuất, thông qua việc điều chỉnh thuế VAT với giấy loại thu gom trong nước thấp hơn thuế VAT của giấy loại nhập khẩu. Cách làm này không chỉ tiết kiệm lượng giấy loại thu gom trong nước với giá rẻ, mà còn góp phần giảm nhập siêu, cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất của các doanh nghiệp để từ đó giảm giá giấy trên thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới