Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo học trực tuyến

Nam Thụ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thông tin về việc khai giảng năm học mới cho các cấp học vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM mới đây gây nên những lo lắng và thiếu đồng tình của các gia đình. Nỗi lo về một năm học trực tuyến đè nặng thêm lên nỗi lo dịch bệnh.

Làm trực tuyến, học trực tuyến đang là câu chuyện thời thượng trong mùa dịch này, khi sự giao tiếp trực tiếp bỗng trở thành nguy cơ lây nhiễm cao, một mầm nguy hiểm. Nhưng như mọi hoạt động của đời sống, trực tuyến không thể là môi trường đáp ứng đầy đủ các hoạt động của con người, từ sản xuất, làm việc đến học tập. Trực tuyến là một giải pháp, một phương tiện cộng thêm, bổ túc, làm đầy đặn các hoạt động của con người, kể cả học tập.

Trực tuyến có thể là một môi trường học từ xa, học thêm, đầy thú vị, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho việc đến trường học tập phổ thông, nhất là ở các cấp nhỏ như tiểu học. Nếu sử dụng trực tuyến làm môi trường chính, đó chỉ có thể là giải pháp tình thế, trong thời gian ngắn. Đó chính là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh khi được biết con em mình sẽ phải khai giảng sớm, học trực tuyến liên tục tối thiểu cho đến hết học kỳ 1 năm học này.

Học trực tuyến có thể hiểu đơn thuần là việc truyền thụ kiến thức qua môi trường Internet đến người tiếp nhận, mà phương tiện đầu cuối là máy tính, máy tính bảng hay điện thoại. Để có thể tiếp nhận kiến thức qua màn hình, người học phải có sự chuẩn bị và tập trung cao. Điều này chỉ có thể đáp ứng khi người học có nhận thức đầy đủ, tối thiểu là ở các học sinh khoảng giữa cấp 2.

Với học sinh tiểu học, khi mục tiêu học tập theo Luật Giáo dục là “nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản”, thì việc các em được đến trường, tiếp xúc, giao tiếp, hoạt động tập thể, vui chơi, tương tác với bạn và thầy cô… còn quan trọng hơn cả việc tiếp thu các kiến thức cơ bản.

Trước màn hình, trong phòng nhỏ, các học sinh khó có thể hình thành sự phát triển về thể chất hay thẩm mỹ. Các con không thể đá bóng bằng bàn phím hay ném bóng rổ trên màn hình để khỏe và cao hơn. Các con không thể hoạt động cùng nhau với các hoạt động đòi hỏi sự tương tác cơ thể, thậm chí đến các ngôn ngữ giao tiếp ngoài lời nói cũng bị hạn chế ở phương pháp này. Đó là chưa kể tới các yêu cầu có sự tập trung nhìn vào màn hình nơi cô giáo đang dạy. Hiệu quả, đó là điều khó có thể tìm kiếm ở phương pháp học này, với các trẻ nhỏ tuổi.

Học trực tuyến với bậc học phổ thông, cần có sự kèm sát của phụ huynh. Với các học sinh lớp lớn có thể dễ dàng tự học hơn nhưng vì thế cũng dễ dàng “trốn”, lười, bỏ giờ hơn khi được giao toàn quyền với máy tính hay điện thoại. Với trẻ tiểu học, có thể nói, phụ huynh phải gần như học cùng suốt buổi với con em mình, để may ra, trẻ có thể tiếp thu được phần nào đó của kiến thức trong buổi học.

Khác với học trên lớp, khi trẻ ý thức sự quan sát, theo dõi của thầy cô trong không gian lớp học để có trách nhiệm chú ý, tiếp thu, trước màn hình, ở nhà, trẻ hầu như không xem mình đang đi học. Sự giảm chú ý, ý thức về trách nhiệm thiếu hẳn, khiến buổi học trở thành buồn chán, chịu đựng. Để đảm bảo việc học diễn ra ổn, một, hoặc thậm chí cả hai phụ huynh phải theo kèm cặp. Và như đã nói, kiến thức cho trẻ tiểu học qua cách học trực tuyến đã biến thành kiến thức khô cứng, đứt gãy khi tách rời với toàn bộ hoạt động của trẻ ở một môi trường chung, thực tế.

Trong hoàn cảnh mà dịch bệnh đã khiến toàn bộ hoạt động kinh tế gia đình ở mức báo động đỏ, nỗi lo lắng về sức khỏe, sinh mạng, an toàn, sinh kế, tương lai đang đè nặng trên mỗi gia đình thì việc khiến các gia đình phải chịu thêm việc bỏ toàn thời gian học cùng, kiểm soát con cái cho một kết quả học tập biết trước là thiếu hụt, dở dang, thật không phải là mục đích nhân văn của giáo dục.

Và điều quan trọng hết thảy, vượt quá các suy luận về kiến thức hay triết lý học tập, hiện trạng đời sống nhiều bi kịch và thảm cảnh đang bày ra trước mắt chúng ta những ngày này cho thấy nếu sử dụng cách học trực tuyến như là phương pháp chính, chúng ta đang đào sâu hơn sự bất bình đẳng giáo dục.

Không thiếu những câu chuyện về những gia đình hoàn cảnh khó khăn, phải bán đi các tài sản thiết yếu để duy trì việc tồn tại, buộc các gia đình đó phải trang bị các thiết bị công nghệ đủ tốt, các gói cước Internet đủ mạnh để con em họ có thể “đi học” là việc bất khả và bất nhẫn. Những gia đình tan tác, chia cắt trong dịch bệnh khi con cái phải về quê rau cháo “tránh dịch”, ba mẹ ở lại thành phố để chờ đợi hy vọng, những đứa trẻ chia lìa ấy sẽ học bằng cách nào trên môi trường số, giữa những chuỗi nhị phân? Còn những đứa trẻ đang phải ở trong khu cách ly, trong các bệnh viện dã chiến, giữa ngổn ngang máy thở và người bệnh, chúng sẽ học qua màn hình nào cho vừa với hoàn cảnh của mình? Sẽ có rất nhiều đứa trẻ như thế, không có cơ hội bước vào năm học mới, qua những màn hình 5, 7, 10, 15 inch, không có cơ hội được tiếp thu cả những kiến thức không đầy đủ.

Với các gia đình có điều kiện hơn, khi cả ba mẹ đều phải làm việc tại gia, qua máy tính, thiết bị nào sẽ là kênh cho các đứa trẻ học mà không xung đột thời gian, cách quản lý? Đã có người đề nghị về việc cung cấp phương tiện học trực tuyến cho mọi học sinh, tất nhiên, đó là một giải pháp không tưởng. Ngoài câu chuyện ngân sách khổng lồ, thì hiện nay, nhiều phụ huynh tìm mua thiết bị rất khó khăn, vì “sự không thiết yếu”.

Với tất cả những điều đó, có lẽ, giải pháp tốt nhất cho một năm học mới là lùi thời gian khai giảng, đến khi tình hình ổn thỏa hơn. Một năm học mới hoàn hảo, đẹp đẽ, rạng rỡ, là năm học mà mọi đứa trẻ đều có quyền được nô nức học tập, bằng phương tiện mà phụ huynh dễ dàng cung cấp cho chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới