Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo mang tên… thông tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo mang tên… thông tư

Nguyên Lê

Nỗi lo mang tên... thông tư
Quy định về điều kiện nhập máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đã được bãi bỏ vì không thực tế. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) – Rốt cuộc thì ngày 29-8-2014, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Thông tư 20 quy định về điều kiện nhập máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, chỉ một ngày trước ngày thông tư có hiệu lực, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì không… thực tế.

Rốt cuộc thì ngày 28-8-2014, Bộ Tài chính cũng ra thông tư bãi bỏ quy định phải có mức sàn tài sản cố định là 1 tỉ đồng, doanh nghiệp mới được đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Quy định này nằm trong Thông tư 219, cũng do bộ ban hành theo nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục thuế.

Rốt cuộc thì ngày 17-8-2014, Bộ Công an cũng ra thông tư “đính chính” Thông tư 28 quy định về công tác điều tra hình sự cho phép điều tra viên được “xử lý vi phạm” của luật sư trong quá trình làm việc với thân chủ, sau khi bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam phản đối vì vượt quá thẩm quyền của điều tra viên so với Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định về quyền và điều cấm đối với luật sư.

Trên đây chỉ là ba ví dụ gần nhất, nếu tìm kiếm trên Google, chỉ với từ khóa “đính chính thông tư” thì danh sách kết quả còn dài hơn.

Quy trình tiền kiểm thông tư, nếu được áp dụng, cũng không thể nào chặt chẽ hơn quy trình “tiền kiểm” luật, nghị định. Nếu cứ thả gà ra bắt thì sẽ bắt không xuể!

Điều đáng nói là những quy định vượt quyền, gây khó cho doanh nghiệp như được dẫn ở trên đã từng bị dư luận lên tiếng phản ứng ngay từ giai đoạn dự thảo hoặc khi mới ban hành. Đính chính là việc phải làm, nhưng nếu như chúng không được ra đời để không phải đính chính thì tốt hơn. Bởi lẽ, trong thời gian đã “lỡ” có hiệu lực đó, biết bao hệ lụy đã xảy ra. Nhưng như vậy cũng còn may, vì không thể biết có bao nhiêu thông tư “có vấn đề khác” đang tồn tại.

Vấn đề là vì sao như vậy? Vì việc xây dựng, ban hành thông tư hiện nay đang theo một “chu trình khép kín” trong phạm vi nội bộ mỗi bộ, như phân tích của bài viết Cần "tiền kiểm” thông tư đăng trên TBKTSG số 38 ra ngày 18-9-2014. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Có “tiền kiểm” tốt bao nhiêu thì cũng khó có thể lạc quan về hiệu quả trước thống kê được nêu ra tại tờ trình Dự thảo Luật Văn bản pháp luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp này: hiện thông tư, thông tư liên tịch chiếm tới… 78% tổng số văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương ban hành. Con số tuyệt đối của tỷ lệ này là bao nhiêu?

Có thể nhìn từ một thống kê khác, của TS. Nguyễn Minh Tuấn, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: riêng trong năm 2013, các cơ quan nhà nước ở trung ương đã ban hành một Hiến pháp sửa đổi, 17 luật, 22 nghị quyết của Quốc hội; 3 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 215 nghị định của Chính phủ; 703 thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 106 thông tư liên tịch.

Hơn nữa, một điều chắc chắn là quy trình tiền kiểm thông tư, nếu được áp dụng, cũng không thể nào chặt chẽ hơn quy trình “tiền kiểm” luật, nghị định. Nếu cứ thả gà ra bắt thì sẽ bắt không xuể!
Con số khổng lồ của các thông tư trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay phản ánh điều gì? Trên thực tế, không có thông tư thì hầu như không thể thực hiện được luật, nghị định vì tính chất “khung”, “ống” của nó. Đối với người dân hay doanh nghiệp, thông tư mới là… luật vì nó điều chỉnh trực tiếp các đối tượng, hành vi.

Điều đó khiến cho TS. Tuấn đặt câu hỏi về thẩm quyền “lập pháp nguyên gốc” của Quốc hội và hệ quả của việc “ủy quyền lập pháp” tràn lan xuống các bộ như hiện nay.

Đó không chỉ là hệ quả của tình trạng luật ban hành ra mà chưa thể thực thi do tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn (theo báo cáo tổng kết, trung bình chỉ 60% văn bản được ban hành đúng hạn, thời gian nợ phổ biến là…sáu tháng). Hiện nay, nhiều văn bản hướng dẫn của cấp dưới còn trái với nội dung văn bản cấp trên hoặc làm phát sinh quy định mới gây khó cho đối tượng thực hiện.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một cách chung nhất, do năng lực soạn thảo thông tư của các bộ yếu kém. Nhưng bóc tách ra, “còn có cả yếu tố lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành và cũng không loại trừ có tiêu cực tham nhũng chi phối mà tôi hay nói là lobby đen”, theo đúc kết của TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, sau 10 năm hoạt động của cục này.

Cần đặt sự yếu kém và vị lợi nói trên trong bức tranh tổng thể về chuyện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay.

Nếu muốn hạn chế việc ban hành thông tư hướng dẫn, việc căn bản đầu tiên là phải nâng cao năng lực làm luật, nghị định một cách chi tiết.

Đặt vấn đề “tiền kiểm” thông tư thì phải xem lại thực tế tiền kiểm không mấy hiệu quả hiện nay ngay đối với luật, nghị định. Liệu ban soạn thảo có ghi nhận được ý kiến của đông đảo người dân và thực sự tiếp thu chúng?

“Hậu kiểm” cũng là một vấn đề. Báo Hà Nội mới, trong bài viết Chỉ nhắc nhở, phê bình, điều chỉnh… ai sợ? dẫn số liệu: “Trong 10 năm, từ năm 2003-2013, các cơ quan kiểm tra văn bản phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái, trong khoảng 1,7 triệu văn bản được tiếp nhận, kiểm tra”. Tuy nhiên, không dễ có thống kê cụ thể về số phận của các văn bản bị phát hiện sai phạm này, bởi quy trình kiểm tra mang tính hành chính nội bộ hiện nay chỉ dừng lại ở việc đề xuất, kiến nghị sửa đổi hay bãi bỏ mà không có chế tài bắt buộc.

Nếu việc các bộ ban hành thông tư hay soạn dự thảo nghị định vướng nút thắt lợi ích cục bộ thì cũng tương tự như vậy đối với Chính phủ khi hiện nay, đây là nơi chuẩn bị hầu hết các dự án luật. Một Quốc hội chuyên nghiệp, với những đại biểu chuyên nghiệp, nhìn từ năng lực tự soạn thảo, ban hành luật là mục tiêu phải hướng đến.

Kỳ họp Quốc hội này Chính phủ sẽ trình dự luật Văn bản pháp luật, một luật mới chứ không phải là sửa luật cũ, như giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Theo đó, sẽ quy định chặt chẽ hơn khâu “tiền kiểm” với hai đầu mối cho ý kiến đóng góp là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; mở rộng khâu “hậu kiểm” với việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có quyền dừng việc thi hành những văn bản sai trái của cấp bộ, HĐND, UBND và kiến nghị việc thay đổi (trong khi một cơ chế tài phán cao hơn đối với luật, nghị định chưa được đề cập). Vấn đề trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh cũng được đặt ra. Hy vọng sẽ có sự thay đổi mang tính đột phá, dù từ quy định của luật đến triển khai trong thực tế là cả quá trình, phụ thuộc rất lớn vào năng lực cũng như thái độ của con người thực thi.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới