Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo mất an ninh ở khu công nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo mất an ninh ở khu công nghiệp

Uyên Viễn

Công nhân đi làm chỉ một hoặc hai người vào sáng sớm hay tan ca về sau 9 giờ tối là “cơ hội” cho kẻ xấu trấn lột tài sản. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) – Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn, hứng chịu nhiều áp lực nay lại gánh thêm nỗi lo với tình trạng trộm cắp, cướp giật đang ngày càng tăng tại các khu công nghiệp (KCN).

Muôn vẻ bất an

Đầu tuần trước (18-7-2011), nhiều công nhân sản xuất giày của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Kim Đức ở cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM, đã bị những kẻ lạ mặt dùng cây sắt tấn công trên đường tan ca trở về nhà trọ. Theo như lời trình báo của công nhân với cơ quan chức năng, nguyên nhân có lẽ vì họ đã không tham gia ngừng việc tập thể theo yêu cầu của một nhóm kích động.

Trao đổi với TBKTSG ngày 25-7, ông Trần Văn Giáp, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Kim Đức, cho biết đây là lần đầu tiên sau năm năm hoạt động đơn vị bị những kẻ có ý đồ xấu quậy phá hòng tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo một công ty sản xuất văn phòng phẩm có nhà máy ở KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, cho biết thỉnh thoảng ông vẫn nghe chuyện công nhân bị trấn lột, bị giật điện thoại di động, tiền, bị cướp xe gắn máy vào buổi tối tan ca sau 9 giờ hoặc sáng sớm.

Bà Huỳnh Minh Hoa, Giám đốc nhân sự – hành chính Công ty cổ phần Sài Gòn Food nằm trong KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, cho biết thời điểm công ty trả lương cho nhân viên cũng là lúc mọi người lo lắng nhất vì bọn chúng nắm thông tin rất chính xác. Vào những ngày này, công ty thường yêu cầu lực lượng bảo vệ, an ninh trong KCN tăng cường tuần tra những kẻ có dấu hiệu khả nghi nhằm ngăn chặn những tình huống xấu nhất, hoặc phải có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động.

Nhiều doanh nghiệp có nhà máy sản xuất ở các KCN nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên… cùng cho biết khoảng một năm nay tình hình trộm cắp, cướp giật, trấn lột tài sản của công nhân và doanh nghiệp liên tục gia tăng. Địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh và TPHCM có KCN là nơi được kẻ xấu chọn để “làm ăn”.

Các doanh nghiệp và công nhân vừa lo kẻ xấu đến từ bên ngoài có hành động ngày càng táo tợn, sẵn sàng tấn công bất cứ ai nếu lên tiếng phản đối bọn chúng; lại vừa sợ kẻ xấu đang làm việc trong công ty cấu kết với đồng bọn bên ngoài để cùng phối hợp “ngoại công, nội ứng”. Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Thanh Bình, đơn vị có nhiều nhà máy hoạt động trong các KCN nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cho biết nhiều khi các nhân viên bảo vệ lại là kẻ “nối giáo cho giặc” tẩu tán tài sản của doanh nghiệp. Ông Bình kể, “trước đây, Thanh Bình từng thuê công ty cung ứng người bảo vệ.

Sau một thời gian nắm rõ “đường đi nước bước” của nhà máy, các bả o vệ đã phối hợp với kẻ gian mang cả xe tải đến tẩu tán tài sản của đơn vị. Rút kinh nghiệm, thời gian sau này Thanh Bình không dám thuê dịch vụ bảo vệ từ bên ngoài, mà tự tuyển dụng bảo vệ để dễ quản lý với những điều kiện ràng buộc hơn”. Tại KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa (Phú Yên) trong năm 2010 đã từng xảy ra các vụ trộm dây cáp đồng, dây tiếp đất của trụ ăng ten bưu điện KCN. Cũng trong năm ngoái, lực lượng bảo vệ KCN Hòa Hiệp đã phối hợp cùng Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures bắt được quả tang công nhân của công ty đập tường rào để kẻ gian dễ bề đột nhập vào tẩu tán tài sản của đơn vị.

Doanh nghiệp “liều mình” hoạt động

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình mất an ninh, trộm cướp ngày càng gia tăng trong các KCN là do mật độ doanh nghiệp đầu tư nhà máy ngày mỗi dày đặc, lực lượng công nhân làm việc tăng, trong khi lực lượng bảo vệ, an ninh, hệ thống đèn chiếu sáng, camera theo dõi lại chưa được đầu tư tương thích.

Bà Huỳnh Minh Hoa cho biết tại KCN Vĩnh Lộc, hệ thống tường rào giữa KCN và khu vực dân cư gần đó không có sự cách biệt, nhiều đường rẽ chính là cơ hội dễ tẩu thoát của bọn cướp. Trong khi đó lực lượng bảo vệ trong KCN lại mỏng, tuần tra không thường xuyên, chốt chặn rất ít.

Ngoài ra biện pháp xử lý các tình huống vi phạm mất an ninh, trật tự cũng chưa được phối hợp tốt giữa bảo vệ KCN và các cấp cao hơn như lực lượng công an xã, huyện. “Thực tế cho thấy mỗi khi rộ lên tình hình mất an ninh, trật tự trong KCN thì lực lượng bảo vệ, an ninh sẽ tăng cường tuần tra nhưng sau một thời gian lại buông lỏng. Tâm trạng của các doanh nghiệp và công nhân lúc nào cũng bất an nhưng đành chấp nhận chứ đâu còn cách nào khác?”, bà Hoa nói.

Theo ông Lữ Trung Đạt, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giấy tập Lệ Hoa (nhà máy hoạt động tại tiểu KCN Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân), trước tình hình mất an ninh, trật tự ở KCN, thời gian gần đây đơn vị đã điều chỉnh lại giờ tăng ca tối và phải kết thúc trước 9 giờ để công nhân an tâm. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chi phí cùng với ban quản lý các KCN tăng cường an ninh, chứ không thể để tình trạng bất ổn này kéo dài”, ông Đạt nêu ý kiến.

Bà Đỗ Thị Tuyết Trinh, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH ONP Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Mỹ tại KCN Tam Phước, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết lãnh đạo Công ty ONP Việt Nam tỏ ra quan ngại về vấn đề bảo đảm an ninh ở các KCN. “Trong khi chờ đợi những biện pháp an ninh hợp lý, chúng tôi đành chấp nhận sống trong môi trường ẩn chứa nhiều sự bất ổn”, bà Trinh nói.

Ông Phạm Đức Bình cho rằng lực lượng bảo vệ an ninh KCN và bảo vệ của từng công ty cần phải phối hợp chặt chẽ hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải có ý thức hơn trong việc huấn luyện đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, có trách nhiệm. “Đối với các doanh nghiệp, khi ký hợp đồng thuê lực lượng bảo vệ từ các đơn vị cung ứng, phải có các điều khoản ràng buộc trong trường hợp doanh nghiệp bị mất tài sản do có sự tham gia, cấu kết của các nhân viên bảo vệ thì bên cung ứng phải bồi thường”, ông Bình nói.

Tại cuộc hội thảo “Cung ứng nguồn nhân lực thu hút đầu tư vào các KCN Bình Thuận”, diễn ra tại thành phố Phan Thiết hồi đầu tháng 7, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo âu trước tình hình mất an ninh tại các KCN ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ông Phạm Chín, Giám đốc Công ty TNHH May Hiếu Tiên (đơn vị gia công túi xách, va li thương hiệu Osprey xuất khẩu sang Mỹ), cho biết sau 11 năm hoạt động ở TPHCM nay công ty đã đầu tư nhà máy vào tỉnh Bình Thuận. Một phần nguyên nhân cũng vì tình hình mất an ninh, trật tự không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà cả người lao động.

Theo đề xuất của ông Chín, nên chăng ban quản lý các KCN cần xây dựng lực lượng công an KCN để cùng phối hợp với bảo vệ KCN… kịp thời xử lý mọi xung đột xảy ra ngoài cổng của công ty, xí nghiệp; chống lại mọi đe dọa vũ lực đối với chủ doanh nghiệp, cũng như cán bộ quản lý và chuyên gia. Lực lượng này cũng sẽ phát hiện kịp thời các ép buộc của một nhóm người lên công nhân để đình công, ngưng việc bất hợp pháp gây lãng phí tiền của cho doanh nghiệp và xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới