Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo người dân Ninh Hải (vịnh Vân Phong)  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo người dân Ninh Hải (vịnh Vân Phong)  

Từ bờ biển thôn Đông Hải có thể nhìn thấy núi Hòn Lớn mà sau lưng nó là vịnh Đầm Môn đang bàn luận xây cảng hay nhà máy thép – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Căn nhà từ đường của dòng họ Trịnh ở thôn Đông Hải của ông Trịnh Nhơn, ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà rất có thể sẽ không còn nữa. Chính quyền huyện đang cắm mốc để bàn giao đất cho dự án đóng tàu của nhà đầu tư STX của Hàn Quốc, mà hạn chót là tháng 8 năm nay.  

>> Vịnh Vân Phong: Cảng hay nhà máy?

Ông Nhơn là Bí thư Đảng uỷ xã, đang lo lắng vì trên bản đồ, căn nhà từ đường ông đang ở và thờ cúng cho dòng họ nằm trong đất của dự án mà Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp chứng nhận đầu tư cho STX hồi tháng 1 năm nay, với diện tích đất liền và mặt nước hơn 350 héc ta.  

Dòng họ Trịnh khá nổi tiếng ở Ninh Hoà. Trong phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi kháng Pháp, Trịnh Phong đã dựng cờ khởi nghĩa theo chiếu Cần Vương tại đây và được sắc phong Bình Tây Đại tướng quân. Ngày nay, xã có hai thôn là Bình Tây 1 và Bình Tây 2 cũng xuất phát từ cuộc khởi nghĩa của Trịnh Phong.

Ninh Hải là xã ven biển vịnh Vân Phong, là điểm nhô ra biển xa nhất của vùng ven biển phía bắc huyện Ninh Hoà. Đứng ở bãi biển sát nhà ông Nhơn, nhìn thấy rõ phía bên tay phải là nhà máy sữa chữa tàu biển đồ sộ của Hyundai Vinashin, phía bên tay trái hướng ra biển là núi Hòn Lớn của huyện Vạn Ninh. Sau lưng ngọn núi này là vịnh Đầm Môn, nơi người ta đang tranh luận xem nên làm cảng trung chuyển container quốc tế hay dự án thép đồ sộ của Posco – Hàn Quốc.

Xã được xem là cái rốn của địa danh Hòn Khói có từ kháng chiến chống Pháp, nghe đâu từ thời Cần Vương của Trịnh Phong. Những ai sống ở Phú Yên hay Khánh Hoà đều biết tiếng của nước mắm Hòn Khoái, muối Hòn Khói. Nhưng có lẽ sắp tới, muối Hòn Khói được sản xuất từ đầm Bãi Trọn, sát nhà ông Nhơn, sẽ không còn nữa. 260 héc ta đất làm muối, nuôi tôm, ốc của đầm Bãi Trọn – là nguồn sống chính của dân trong xã – đều nằm trọn trong dự án STX.

Ở xã ông Nhơn là bí thư, còn ở nhà ông làm “cai nước” (tức quản lý và phụ trách kỹ thuật làm muối) cho hơn 6.000 mét vuông đất làm muối ở Bãi Trọn của gia đình. Nhưng rồi đây, mỗi sáng sớm thức dậy, ông không còn phải ra đồng muối lo nước nôi, vì đất đã thuộc về dự án STX.

Ông Biện Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cũng tương tự. Ngồi nhậu lai rai với người viết bài này vào một buổi tối trời mưa tầm tã, ông Tình thực sự lo lắng cho gia đình ông và người dân cả xã. Nhà ông Tình có 2 héc ta đất muối ở Bãi Trọn, thu nhập từ muối năm ngoái cũng hơn 70 triệu đồng xem như là thu nhập chính của gia đình.

“Không biết tương lai rồi sẽ ra sao, lấy đất ở đâu mà làm muối khi ngay cả đất ở để di dời tái định cư cũng còn khó khăn”, ông Tình than thở.

Đầm Bãi Trọn, nơi sẽ xây dựng nhà máy đóng tàu hiện đại của STX của Hàn Quốc-Ảnh: HỒNG VĂN

Xã Ninh Hải rộng 805 héc ta có 5 thôn với hơn 1.700 hộ dân, sinh sống chủ yếu là làm muối, nuôi trồng thuỷ sản và đi biển. Từ khi Chính phủ xác định xây dựng Vân Phong thành khu kinh tế, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được cấp phép xây dựng trên địa bàn xã này. Ông Nhơn nhẩm tính dự án của STX, khu du lịch Phương Mai, du lịch Cát Trắng, Dốc Lết, dự án nuôi cá lồng trên biển Marinefarm, dự án chế biến thuỷ sản Vina BK, cảng Hòn Khói, cảng sát biển đã lên tới 566 héc ta.  

Cả ông Nhơn và ông Tình đều lo lắng chuyện di dời dân cư đi đâu, bởi diện tích đất thực còn lại chỉ có hơn 230 héc ta, đa phần là đồi núi mà một số ngọn đồi ở đây là đất quốc phòng. Điều này có nghĩa gần như hơn một nửa số hộ dân trong xã phải di dời trong thời gian tới. Theo ông Tình thì tương lai không xa, xã chẳng còn gì cả, đất sản xuất không còn, dân cư thì di dời.  

Đám giỗ mẹ ông Lê Bửu Sơn ở thôn Bình Tây 1 trưa ngày 7-3 đã trở thành cuộc tranh luận sôi nổi của những người dân về chuyện nhường đất cho các dự án đầu tư vào xã do Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cấp giấy phép. “Người dân chúng tui ai cũng đồng tình chủ trương của Chính phủ và tỉnh Khánh Hoà là xây dựng Vân Phong thành khu kinh tế mở. Nhưng như tui, rồi sẽ đi đâu, làm gì để sống”, ông Sơn trăn trở.  

Một người đàn ông trạc 60 tuổi trong thôn Bình Tây, nói rằng đất muối nhà ông theo lý thuyết được đền bù 2 tỉ đồng, kể cả tiền hỗ trợ tái sản xuất. Nhưng ông bảo cái quan trọng là ông sống bằng nghề muối, dù có hỗ trợ tái sản xuất tới 10 tỉ đồng thì ông vẫn không thể kiếm ra đất để làm muối, cái nghề cha truyền con nối hàng bao đời nay.  

Một người ngồi cùng bàn nói ông nghe phong thanh là sẽ di dời dân lên xã Ninh Thọ nhưng hiện tại thì chưa có mặt bằng, đường đi cũng chưa làm, nước cũng không. “Ra đi không còn làm nghề truyền thống để sinh sống đã khó khăn mà nơi ở mới còn bấp bênh, thua nơi ở cũ thì người dân tâm tư lắm”, ông lo lắng.  

Còn ông Sơn thì nói gay gắt: “Nhà nước kêu gọi làm kinh tế Vân Phong thì dân tụi tui nghe theo nhưng dân rất ghét cái kiểu dự án đầu tư giống như “chiếm đất” chứ không đầu tư thật tình”. Ông chỉ đích danh dự án đầu tư khu du lịch Phương Mai đã có từ năm 2003-2004 với diện tích hơn 173 héc ta nhưng tới giờ không thấy chủ đầu tư động tĩnh gì.  

Đoàn cán bộ của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, chính quyền huyện Ninh Hoà, xã Ninh Hải và STX đang xác định các điểm cắm mốc lộ giới để giải toả mặt bằng vào sáng ngày 7-3 – Ảnh: HỒNG VĂN

“Tâm tư người dân chưa thông vì những dự án như vậy, cộng với hàng loạt dự án đăng ký vào đây nên tư tưởng dân không ổn định, chẳng dám làm ăn gì cho ra hồn”, ông Sơn nói.

Điều làm người dân và cả lãnh đạo xã như ông Nhơn, ông Tình bức xúc là cho đến nay, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong chưa hề có chương trình dài hơi cho ổn định đời sống dân cư ở những nơi có dự án; cũng chẳng thấy chương trình giải quyết việc làm hay ổn định dân cư di dời.  

Ông Tình cho biết, đặc thù của người dân ven biển, nhất là các gia đình bám biển, đa phần thất học, cao lắm chỉ hết lớp 9 vì suốt ngày con em của họ lênh đênh trên biển và đi biển thì chẳng theo giờ giấc nên ít có điều kiện học hành tử tế. Nếu các dự án đầu tư tại địa phương có giải quyết lao động tại chỗ thì cũng chỉ là lao động phổ thông, mà dự án đóng tàu hơn 500 triệu đô la Mỹ của STX chắc chắn ít sử dụng lao động phổ thông.  

Còn ông Nhơn thì có nỗi lo khác. Theo ông, các dự án khi xây dựng sẽ có hàng ngàn công nhân tập trung tới xã và kéo theo là dịch vụ đi kèm như ăn uống, quán xá trong xã sẽ mọc lên nhưng cũng kéo theo là các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự rối rắm chứ không yên bình như bây giờ.  

Thế núi, thế đất và biển của Ninh Hải thì nhà đầu tư nào cũng thích thú, tiện cho du lịch vì có bãi biển thôn Đông Hải còn nguyên sơ; tiện cho đầu tư công nghiệp nặng như đóng tàu vì có vùng nước sâu có thể xây dựng cầu cảng, lại án ngữ bởi những ngọn đồi kín gió, giúp tránh bão tố. Người dân trong xã đã và đang hy sinh nghề truyền thống hay căn nhà, mảnh vườn của mình cho công cụộc phát triển kinh tế vịnh Vân Phong nhưng tương lai không biết có tốt hơn hiện tại hay không?

HỒNG VĂN  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới