Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo từ các nhà máy ethanol

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo từ các nhà máy ethanol

Nguyễn Quốc Huân

(TBKTSG) – Trong khi căn bệnh trầm kha thiếu nguyên liệu của ngành mía đường Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp thì hiện nay, với sự xâm lấn của cây khoai mì, tình trạng này được dự báo sẽ còn trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Năm 2010-2011, giá mua khoai mì tươi lên tới 35 triệu đồng/héc ta, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, khoai mì khô cắt lát cũng đạt 5.300 đồng/ki lô gam so với mức 3.000 đồng/ki lô gam trong vụ trước. Mức giá này đã tạo nên một hấp lực rất lớn đối với việc chuyển đổi từ cây mía sang cây khoai mì, một trong những loại nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ethanol.

Hiện để sản xuất 100 triệu lít ethanol cần trung bình 250.000 tấn khoai mì lát khô, quy ra 600.000 tấn củ. Còn theo đề án phát triển nguyên liệu ethanol sinh học đến năm 2015 thì Việt Nam cần 750 triệu lít ethanol, tương đương 4,2 triệu tấn khoai mì tươi, chiếm 42% sản lượng khoai mì của cả nước.

Việt Nam hiện có sáu nhà máy sản xuất ethanol công suất lớn hơn 100 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng đang tạo nên lực hút rất lớn đối với khoai mì Việt Nam, chiếm hơn 90% số lượng khoai mì xuất khẩu.

Theo báo cáo của AgroMonitor, với mức sản lượng 8,9 triệu tấn trong năm 2011, tổng nhu cầu khoai mì củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước ước khoảng 8,12 triệu tấn; còn lại khoảng 780.000 tấn để xuất khẩu. Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến 15-3-2011, thị trường Trung Quốc đã hút khoảng 884,457 tấn khoai mì Việt Nam.

Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh từ cây khoai mì đang gây ra nguy cơ xâm lấn vùng nguyên liệu trồng mía và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều khả năng một phần diện tích trồng mía tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các vùng lân cận sẽ chuyển sang trồng khoai mì. Như vậy, các nhà máy đường tại khu vực này sẽ thêm đau đầu với bài toán nguyên liệu trong khi thời gian mở cửa thị trường đường đang cận kề.

Nhà máy Đường Quảng Ngãi là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về tác động của hiện tượng xâm lấn của cây khoai mì. Theo “Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010”, diện tích cây khoai mì được quy hoạch đến năm 2010 là 13.500 héc ta nhưng đến năm 2010, diện tích mì của các địa phương đã vượt trên 21.000 héc ta.

Tuy nhiên, diện tích này cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu khoai mì của các nhà máy trên địa bàn. Cũng trong thời gian đó, diện tích vùng mía nguyên liệu tại Quảng Ngãi đã sụt giảm từ 7.350 héc ta xuống chỉ còn khoảng 5.300 héc ta. Vì thiếu nguyên liệu sản xuất, Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi đã buộc phải di dời nhà máy đường Quảng Phú lên tỉnh Gia Lai và nhường vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi cho Nhà máy Đường Phổ Phong tiếp tục hoạt động.

Điều này cho thấy việc quy hoạch các nhà máy ethanol, nhà máy chế biến tinh bột sắn tập trung quá nhiều tại miền Trung đã và đang tạo nên sự bất cân đối về nguồn nguyên liệu, đe dọa sự phát triển của các nhà máy sản xuất mía đường trong khu vực.

______________________________________________________________

Nguyễn Quốc Huân, Phòng Nghiên cứu – Phân tích, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Thương Tín

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới