Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo từ con tôm chết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo từ con tôm chết

Kiểm tra tôm nuôi tại một hộ dân. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Tôm chết hàng loạt sau những cơn mưa đầu mùa – một “quy luật” mà nông dân nuôi tôm chẳng hề mong đợi, đã lại diễn ra…

Thất mùa, rớt giá

Sau đợt khảo sát tình hình tôm chết ở huyện Mỹ Xuyên hồi cuối tuần rồi, ông Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, ngao ngán: “Vụ tôm này, toàn huyện thả nuôi 16.000 héc ta thì đã có 6.000 héc ta bị “rụi”, còn toàn tỉnh thì có hơn 7.000 héc ta tôm bị chết. Phần lớn đều là tôm đã hai tháng tuổi”.

Ông nói, nông dân nuôi tôm ngao ngán lắm rồi! Dẫn chứng là mới đây, nông dân xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) “đăng ký” xuống giống 1.000 héc ta lúa, trong khi cùng thời điểm đó năm rồi chỉ trên 30 héc ta. Nhiều xã khác ở huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu cũng có đến 50% diện tích được xuống giống lúa, trong khi trước đây lúa chỉ chiếm từ 1-4% diện tích! Thực ra, đây là những mảnh đất mà trước đây vốn thuộc mô hình lúa – tôm, nhưng vì nuôi tôm có lợi hơn nên nông dân hầu như không trồng lúa. Nay con tôm gặp dịch bệnh, giá lúa lên cao, nên chủ đất đổi qua trồng lúa. 

Tại Kiên Giang, hiện có hơn 50% trong tổng số 80.000 héc ta tôm bị thiệt hại; tại Cà Mau, hơn 40.000 héc ta tôm sú nuôi bị chết. Anh Trần Văn Tuấn, ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) cho biết: “Tôm cứ chết lai rai trong vùng này, nhưng nuôi thâm canh bị thiệt hại nhiều nhất”.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản (khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ), hiện tại tất cả các tỉnh có diện tích nuôi tôm sú đều bị thiệt hại, chiếm khoảng 50% tổng diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL.

Chính vì vậy, nhiều người dự đoán thời gian tới các doanh nghiệp chế biến sẽ càng rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú, thừa nhận đây chính là điều mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang lo lắng, nhưng giải quyết cách nào thì… bó tay.

Cùng lúc, các doanh nghiệp chế biến gặp khó về thị trường tiêu thụ do phải cạnh tranh gay gắt với con tôm thẻ chân trắng Thái Lan, cộng thêm việc ngân hàng siết chặt tín dụng, hàng loạt chi phí gia tăng… nên con tôm sú cũng rớt giá theo. Tôm sú loại 30 con/ki lô gam hiện chỉ còn khoảng 90.000 đồng!

Khó thoát khỏi “quy luật”?

Theo ông Cua, tôm chết có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ nhất là do biến động thời tiết sau những cơn mưa lớn đầu mùa. Tôm giống kém chất lượng cũng được xem là một trong những nguyên nhân, nhưng theo ông Cua: “Ngay cả những hộ nuôi có giống tốt, xét nghiệm… rất kỹ, vẫn bị thiệt hại”.

“Thực ra, tôm chết chỉ tập trung ở hai mô hình nuôi là quảng canh cải tiến và nuôi trên ruộng. Trong khi đó, nuôi công nghiệp rất ít bị rủi ro”, Tiến sĩ Hải đưa ra kết luận. Theo ông, đây không phải là điều ngẫu nhiên mà là do các hộ nuôi công nghiệp làm tốt hơn các khâu quản lý giống, thiết kế mô hình nuôi và phương thức quản lý.

Ông Hải phân tích, hai mô hình nuôi đang bị thiệt hại nhiều là do không có hệ thống ao lắng xử lý nước, người nuôi lại ít quan tâm đến chất lượng con giống. Trong khi đó, mực nước trong vuông tôm lại rất thấp – đôi khi chỉ sâu độ một gang tay, nên môi trường nước dễ bị biến động mạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột như trong thời gian qua. Sau Tết Nguyên đán, thời tiết lạnh đột ngột. Rồi gần đây, sau những ngày nắng nóng có lúc đến 35 độ C, mưa bất ngờ đổ ập. Nắng nóng cũng dễ khiến tôm chết, còn mưa lớn kéo dài cũng khiến độ mặn giảm đột ngột, tôm sốc…

Mực nước thấp cũng khiến rong tảo phát triển mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu ô xy, độ pH giảm vào ban đêm. Độc tố từ tảo và rong phát sinh, ảnh hưởng đến tôm. Hộ nuôi này tôm bị dịch bệnh, xả nước ra thì hộ khác… bơm vào, khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng… “Nhưng cũng đừng đổ hết cho dịch bệnh hay con giống bởi nếu môi trường nuôi ổn định thì mầm bệnh sẽ không có nhiều cơ hội để bộc phát”, ông Hải khẳng định.

Do đó, để thoát khỏi “quy luật” cứ đầu mùa mưa là dịch bệnh phát sinh, theo ông Hải, về lâu dài chỉ có cách thay đổi phương thức nuôi ở hai mô hình nói trên. “Tối thiểu phải làm sao giữ mực nước khoảng 0,4 mét”, ông cho biết. Đồng thời, phải quy hoạch và quản lý cho được các vùng nuôi quảng canh, thâm canh, công nghiệp… riêng biệt, song song với việc quy hoạch hệ thống thủy lợi phù hợp. 

Theo số liệu cập nhật gần đây, cả vùng ĐBSCL có trên  0,5 triệu héc ta nuôi tôm thì đã có khoảng 0,3 triệu héc ta nuôi theo mô hình quảng canh truyền thống!

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới