Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo văn hóa mất giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo văn hóa mất giá

Đức Sơn

(TBKTSG) – Nỗi lo giá xăng tăng kéo mọi thứ leo thang đã không còn mơ hồ nữa, nó đã “ngấm” vào các mặt hàng nhu yếu phẩm, dịch vụ tối cần thiết cho đời sống của người dân. Mặt khác, có sự rớt giá, mất giá cũng đang làm không ít người lo lắng, đó là văn hóa dân tộc.

Việc chùa Một Cột (Liên hoa đài) cổ kính bỗng dưng trở nên rất “Tây” bởi chùm đèn Tây có giá gần nửa tỉ đồng; và trông rất “Tàu” vì đôi sư tử và cái bàn đá, thùng “công đức” khiến nhiều người cảm thấy phản cảm.

Một cuộc thi tìm kiếm thông điệp cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ – Trung tâm Chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) cách nay không lâu đã làm nhiều người tá hỏa với clip có tên “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su”.

Và gần đây là việc các nghệ sĩ cố gắng “làm mới” một tuyệt tác của nền văn học dân tộc bằng cách để nàng Kiều hóa thành… Phật bà Quan Âm.

Còn nhớ trong cuốn sách Tiếng chuông cảnh báo thế kỷ XXI được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành cách đây khá lâu, một trong những lời cảnh báo quan trọng mà các tác giả Aurelio Peccei và Daisaku Ikeda đưa ra là hãy tôn trọng và bảo vệ văn hóa.

Sự tôn trọng và bảo vệ văn hóa thế giới là ý thức và trách nhiệm chung không chỉ của một dân tộc mà của cả loài người. Văn hóa vốn không biên giới. Nếu người ta xem vỏ bọc màu xanh của trái đất và các hệ sinh thái phải được bảo vệ tuyệt đối nhằm cứu vãn sự sống của loài người thì di sản văn hóa là những gì cần phải được gìn giữ và duy trì nhằm mang lại ý nghĩa nhân văn cho sự sống đó.

Chùa Một Cột không là sở hữu của một vị sư trụ trì nào đó, Đường Tăng không chỉ là nhân vật lịch sử của Trung Quốc hay riêng của văn học Trung Quốc, Phật bà Quan Âm không chỉ thuộc về người theo đạo Phật… mà đó còn là các biểu tượng văn hóa, mang những giá trị lịch sử – văn hóa nhất định của số đông, của đất nước, của cả thế giới. Không có lý do nào để biện minh cho việc tùy tiện trang trí, thêm bớt một cách kỳ quặc và phản cảm bất chấp tất cả chỉ để được gọi là “làm mới”!

Sự tùy tiện thêm bớt theo cách đó chỉ làm mất đi giá trị văn hóa. Hay nói đúng hơn đó chính là sự hủy hoại, coi thường và làm xáo trộn các giá trị văn hóa – một trong những nguyên nhân làm xáo trộn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống.

Xin đừng lập luận như vị trụ trì kia rằng: “Ở Việt Nam bình thường dùng hai con chó đá giữ nhà, nếu cho rằng dùng sư tử mang văn hóa Trung Hoa thì phải hiểu là Phật giáo của Việt Nam là Phật giáo Đại thừa du nhập từ Trung Quốc” (Báo Giáo dục Việt Nam). Và cũng xin đừng ơ hờ như vị giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn), đơn vị quản lý Ngôi nhà Tuổi trẻ khi nói rằng qua phản ánh của báo Tuổi Trẻ mới hay tin về cuộc thi và nội dung của clip và “nếu nội dung không phù hợp thì ban tổ chức cần phải rút kinh nghiệm” (Tuổi Trẻ).

Văn hóa mà mất giá là vấn đề cần phải lo, không chỉ với những người trực tiếp chịu trách nhiệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới