Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nới lỏng giãn cách và kỳ vọng sản xuất công nghiệp phục hồi trong quí 4

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành công thương hy vọng nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay và lệnh giãn cách xã hội ở các địa phương được nới lỏng thì tình hình sản xuất công nghiệp trong quí 4 sẽ tăng trưởng cao hơn quí 3, góp phần thực hiện các mục tiêu năm 2021.

Tồn kho ngành công nghiệp tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước

Tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dich Covid 19 tại nhiều địa phương có các khu công nghiệp lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM… đều phải giãn cách xã hội kéo dài.

Sản xuất công nghiệp tại Bắc Ninh (ảnh minh họa) đã phục hồi, từ đó thắp lên hy vọng sản xuất công nghiệp cả nước phục hồi dần trong quí 4. Ảnh: TTXVN

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất- thương mại 9 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quí 3-2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9-2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,8%)

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30-9-2021 tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,3%).

Trong số này, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 166,6%; sản xuất kim loại tăng 73,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 73,2%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 29,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 41,7%… cho thấy chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp bị đình trệ do sản xuất suy giảm vì đóng cửa nhà máy, giãn cách xã hội.

Bộ Công Thương nhìn nhận, hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tại một số tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam… là các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp bị tạm dừng hoạt động khiến cho sản lượng hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Người lao động nghỉ việc ảnh hưởng lớn đến việc tuyển dụng lao động trở lại khi sản xuất phục hồi.

Hy vọng vào đà phục hồi từ quí 4

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất ba tháng qua bị đình trệ nhưng ngành công thương hy vọng nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng tốt hơn như hiện nay và lệnh giãn cách xã hội ở các địa phương được nới lỏng thì tình hình sản xuất công nghiệp trong quí 4 sẽ tăng trưởng cao hơn quí 3.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu đô la Mỹ. Song tính chung 9 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỉ đô. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỉ đô; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỉ đô.

Thực tế cho thấy, kể cả việc nhập siêu trong 9 tháng năm 2021 không phải là tín hiệu đáng ngại. Trái lại, nhập khẩu mạnh là do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất; giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta; giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu.

Còn thực tế xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Để chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch từ nay đến cuối năm và phục hồi sản xuất, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ

Bộ Công Thương hy vọng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang tận dụng tốt các Hiệp định FTA, cầu hàng hóa thế giới hồi phục, nhất là nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…

Nếu dịch bệnh được kiểm soát từ quí 4 thì xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh. Mặt khác, theo chu kỳ nhập khẩu quí 4 cũng thường tăng cao để phục vụ sản xuất và tiêu dùng cuối năm, do đó, dự kiến cả năm nhập khẩu tăng hơn 20%, nhập siêu dự kiến khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới