Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nơi Nhà nước và nhà đầu tư gặp nhau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nơi Nhà nước và nhà đầu tư gặp nhau

Ngọc Lan

Nơi Nhà nước và nhà đầu tư gặp nhau
Đầu tuần này, khối lượng đặt mua cổ phiếu của SAGS vượt 15 lần lượng chào bán khi doanh nghiệp này IPO. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) – Việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải lúc nào cũng ế, quan trọng là việc Nhà nước “buông” doanh nghiệp đến đâu.

Khối lượng đặt mua gấp năm lần số lượng chào bán tại phiên IPO của Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) hồi tháng 9 vừa qua đã không còn là kỷ lục khi khối lượng đặt mua cổ phiếu của Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) đã gấp 15 lần lượng chào bán khi SAGS IPO vào hôm 8-12 vừa qua.

Vẫn còn những doanh nghiệp “màu mỡ”

Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2014 sẽ phải cổ phần hóa (CPH) 118 DNNN sẽ khó về đích. Bởi lẽ, theo thống kê của Bộ Tài chính, trong chín tháng đầu năm 2014, mới chỉ CPH và sắp xếp được 92/200 doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm còn chưa đầy hai tháng. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), hiện cứ một ngày rưỡi là có một đợt đấu giá thì thời gian cũng không đủ để 118 DNNN đã được phê duyệt phương án kịp chuẩn bị CPH, IPO.

Vấn đề ở đây không phải là thời gian, cũng không phải là việc IPO dồn dập trong một thời gian ngắn khiến thị trường không thể hấp thu hết lượng hàng lớn (khoảng 15.600 tỉ đồng nếu thực hiện theo đúng kế hoạch từ nay đến cuối năm). Và năm 2015, dự kiến còn 232 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước cần thoái là 16.367 tỉ đồng.

Nói như ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm thị trường vốn và tài chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014, thì quy mô vốn nhà nước sẽ tung ra không phải là quá lớn nếu so với các thị trường lân cận như Thái Lan hay Indonesia. Vấn đề là tỷ lệ sở hữu nhà nước còn lại tại doanh nghiệp sau IPO  ít hay nhiều sẽ quyết định sức hấp dẫn của  cổ phần chào bán đến đâu. Nếu nhà nước còn giữ tỷ lệ chi phối tại các doanh nghiệp sau CPH, sức hấp dẫn của cổ phiếu ắt sẽ giảm.

Lấy ví dụ, trong 71 doanh nghiệp đã IPO trong chín tháng đầu năm nay, có tới 41 doanh nghiệp ngành giao thông, chiếm 57,7% tổng số doanh nghiệp đã CPH và IPO thành công trong cả nước. Thực ra, trong ngành giao thông, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ bán. Bởi rất nhiều doanh nghiệp làm ăn theo kiểu bao cấp, bết bát, thậm chí thua lỗ, phá sản. Nhưng cũng có những doanh nghiệp mà cứ bán ra bao nhiêu cổ phần đều có các nhà đầu tư lớn chen chân mua.

Mới nhất là trường hợp của SAGS, một công ty con của Tổng công ty cảng hàng không (ACV). Công ty này  IPO thành công hôm 8-12 tại HOSE với việc lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán trong vài năm trở lại đây: bán ra 2,7 triệu cổ phần (19,3% vốn điều lệ) nhưng số lượng đặt mua gấp gần 15 lần số lượng bán ra. Giá trúng đấu giá bình quân gấp 3,6 lần giá khởi điểm (44.693 đồng/cổ phiếu). Ngoài ra, ba nhà đầu tư chiến lược khác đã mua 19,3% vốn điều lệ với giá hơn 14.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, SASCO cũng bán ra lượng cổ phần với giá trúng cao gần gấp đôi giá khởi điểm.
Sức hấp dẫn của SASCO và SAGS do đây là các đơn vị thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ mặt đất cho các hãng hàng không. SAGS cung cấp dịch vụ vòng trong sân bay, từ dịch vụ làm thủ tục hàng không, kiểm soát, hướng dẫn hành khách, dịch vụ hành lý, sân đỗ máy bay… tại nhà ga Tân Sơn Nhất. Trong đó có dịch vụ trọn gói cho hơn 20 hãng hàng không quốc tế, chiếm 50% tổng số các hãng hàng không khai thác tại đây. Còn SASCO cung cấp dịch vụ vòng ngoài như các cửa hàng miễn thuế, ẩm thực…

Tất nhiên, tại sân bay như Tân Sơn Nhất không chỉ có SASCO và SAGS. Nhưng vị thế thống lĩnh, sức hấp dẫn của hai cổ phiếu nói trên sẵn sàng khiến các nhà đầu tư rút túi. Như SAGS, doanh thu nửa đầu năm 2014 đạt 237 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 43 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn nhà nước đạt 42%. Lợi nhuận cao như thế trong khi chi phí của doanh nghiệp chủ yếu là trả lương. Bảo sao SAGS không hút hàng?

Nhìn xa hơn việc thay đổi mô hình quản trị

SAGS hay SASCO hấp dẫn bởi đây là cổ phiếu hầu như không có rủi ro xuất phát từ ngành nghề kinh doanh đặc thù mà sự cạnh tranh hầu như rất ít. Mặt khác, các nhà đầu tư lớn thấy được sự thoái lui rõ ràng của những đồng vốn nhà nước tại các địa chỉ này, mở đường rộng hơn cho lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng không.

Nếu nhìn từ góc độ này, cũng dễ hiểu vì sao IPO các cảng biển từ đầu năm đến nay lại ế. Đến giờ Chính phủ mới cho phép Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) thoái hơn 50% vốn tại các cảng nhỏ như Cần Thơ, Năm Căn (Cà Mau). Còn lại các cảng khác, dù vị trí chiến lược và hiệu quả kinh doanh không còn được như xưa do hệ thống cảng biển mới đã và đang đầu tư cạnh tranh dữ dội mà vốn nhà nước sau CPH vẫn yêu cầu giữ từ 51-65%. Cá biệt như cảng Hải Phòng, do giữ vốn nhà nước sau IPO đến 75% nên mang ra thị trường bán, bị ế đến mấy lần.

Vấn đề ở đây là Nhà nước tiến hành CPH, IPO hàng trăm doanh nghiệp trong thời gian qua đều hướng đến tiêu chí: thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp là chính, các tiêu chí khác xếp sau. Nhưng liệu có thể thay đổi được cách thức quản trị doanh nghiệp không khi mà vai trò chi phối của cổ đông nhà nước, cách thức lãnh đạo của người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn không thay đổi. Khi các cổ đông còn lại chưa có vai trò đủ mạnh trong việc quản trị doanh nghiệp, cộng với hiệu quả kinh doanh không cao thì chắc chắn họ sẽ không bỏ tiền vào doanh nghiệp.

Thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp sau IPO mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu nhìn xa hơn mục tiêu này, nhìn thấy các cơ hội mà thị trường đang hướng đến, ví dụ như nhiều nhà đầu tư mua cảng để phát triển du lịch, bất động sản trong tương lai thay vì chỉ chuyên chở hàng hóa, cân nhắc với lợi ích nhà nước không còn nhiều tại các doanh nghiệp này và tiếp tục thoái lui thì cơ hội gặp nhau của Nhà nước – nhà đầu tư tại các đợt thoái vốn mới sớm đạt kết quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới