Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi niềm người nông dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi niềm người nông dân

Nông dân Hoàng Kim nói: “Xin đừng hỏi nông dân chúng tôi trồng cây gì, vì nông dân hiện đang trồng cây gì cũng chết”. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – LTS:  Nhiều năm nay, người nông dân luôn đối mặt với khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi dù họ là thành phần lao động đóng góp sức lực, của cải không nhỏ cho xã hội. Bài viết dưới đây là tâm tư của một nông dân làm lúa ở ĐBSCL. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này.

>> Xem thêm chủ đề: Nông nghiệp – Nông thôn – Nông dân

Ngoài lúa, không biết nên trồng gì?            

Nông dân làm mỗi năm hai vụ lúa nhưng thực chất chỉ có vụ đông xuân là chính yếu còn vụ hè thu có năm lời có năm lỗ. Làm một vụ mà chi tiêu cả năm thì chuyện nghèo khó là điều tất yếu.  

Muốn tăng thu nhập nông dân phải tăng năng suất và giảm giá thành hoặc phải tăng vụ. Việc tăng năng suất xin nhờ các nhà khoa học. Còn việc giảm giá thành, vấn đề chính yếu là phải có một giống lúa cứng cây không đổ ngã để nông dân có thể sử dụng máy gặt đập liên hợp trong vụ hè thu. Việc tạo một giống lúa cứng cây theo tôi là điều có thể vì khoảng nhiều năm về trước tôi có đọc được một bài báo là Nhật Bản đã nghiên cứu thành công một giống lúa rất cứng cây.  

Việc tăng ba vụ lúa mỗi năm chỉ giúp nông dân tăng thu nhập một vài năm đầu nhưng làm cho đất ngày càng cằn cỗi, tạo ra dịch rầy nâu mang đến bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá làm cho năng suất lúa thấp. Cách tăng vụ hợp lý nhất hiện nay là hai vụ lúa một vụ màu, thế nhưng phải trồng cây màu nào thì nông dân không biết.

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn xem cây gì thế giới đang tiêu thụ mạnh, lấy giống đem về trồng thử nghiệm để xem cây đó có thích hợp với khí hậu nước ta hay không. Nếu thích hợp  thì giới thiệu và hướng dẫn nông dân chúng tôi trồng.. Xin đừng hỏi nông dân chúng tôi trồng cây gì, vì nông dân hiện đang trồng cây gì “cũng chết”.  

Nghịch lý giá lúa

Người nông dân đang sống trong kinh tế thị trường: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật , xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu đều căn cứ giá thế giới. Khi muốn giảm giá lúa người ta giải thích là giá gạo thế giới hạ. Nhưng khi giá gạo thế giới tăng thì giá lúa trong nước lại không tăng được.

Việc kiểm soát giá lúa gạo nhằm giữ ổn định thị trường trong nước, đảm bảo an ninh lương thực là điều hợp lý với mọi người ăn gạo, tuy nhiên sẽ là bất hợp lý đối với nông dân. Việc hạ giá này chính là bắt người nông dân – những người nghèo nhất nước – phải đem thu nhập còm cõi của mình đảm bảo giá gạo rẻ cho cả nước.

Việc đảm bảo an ninh lương thực chỉ hợp lý khi Chính phủ dùng ngân sách để trợ giá cho những người ăn gạo trong nước. Việc trợ giá này xin được hiểu là trợ giá cho người ăn gạo chứ không phải trợ giá cho nông dân.    

Còng lưng gánh giá cao phân bón

Tôi xin nêu giá cả mà tôi ghi trong sổ thu chi của tôi: ngày 9-11-2006, phân DAP giá 278.000 đồng một bao; ngày 20-5-2008, DAP giá 1.250.000 đồng một bao, tăng 4,49 lần so với năm 2006. Chưa được hai năm mà phân DAP tăng 4,49 lần, còn các loại phân khác cũng tăng hơn gấp đôi.

Trong điều kiện giá phân DAP quá cao, có một phương pháp thay thế là nông dân sử dụng phân lân nung chảy hoặc super lân sản xuất trong nước, thế nhưng hiện nay trên thị trường không có bán loại phân này. Tại sao không tăng sản lượng hai loại phân lân này để thay thế phân DAP? Tại sao không đầu tư nhà máy để tăng sản lượng hai loại phân trên?

Giá cả phân bón trong nước tăng phi mã, vậy mà: “theo báo cáo của ngành hải quan, từ đầu năm 2008 các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 100.000 tấn phân bón các loại, gây thiếu hụt và đẩy giá phân bón trong nước lên cao.” ( báo Tuoitre online ngày 2/6/2008, bài “Tạm dừng xuất khẩu phân bón”). 100.000 tấn phân xuất khẩu này doanh nghiệp đã hưởng lợi để rồi nó sẽ được tái nhập khẩu với giá cao hơn và nông dân chúng tôi phải còng lưng gánh chịu. Nước ta là một nước thiếu phân trầm trọng, phải nhập khẩu phân hằng năm, việc xuất khẩu phân ra nước ngoài là việc mua bán lòng vòng làm tăng giá phân. 

Chất lượng phân bón hiện nay đang bị thả nổi. Nông dân mua phân bón bằng cách nhắm mắt mua đại từ các đại lý phân bón, không có cách nào để kiểm tra chất lượng phân bón. Rất mong Chính phủ chấn chỉnh việc mua bán phân từ các công ty nhập phân cho đến các tầng lớp đại lý để đảm bảo giá cả và chất lượng cho nông dân.

Những quy định luật pháp đảm bảo chất lượng phân bón lại quá nhẹ do biện pháp chế tài quá thấp: bán phân bón giả không rõ nguồn gốc làm chết 500 cây cà phê bị phạt một triệu đồng (Tuoitre online ngày 9-5-2008 bài “mua nhầm phân bón giả”). Với hình phạt này thì chúng ta không thể ngăn được nạn làm phân giả, phân kém phẩm chất.  

Nhập nhằng thuốc bảo vệ thực vật  

Về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân không có cách nào để kiểm tra. Về nhãn mác thì muôn hình vạn trạng có loại ghi diệt được trứng rầy thế nhưng thực tế diệt không được, có loại ghi thuốc rầy có thể bảo vệ lúa được 20 ngày nhưng thực tế chẳng có tác dụng gì cả.

Có những loại thuốc ngoài nhãn chỉ hướng dẫn sử dụng cho cây ăn trái hoặc cây màu, nhưng công ty lại cử người tiếp thị giải thích rỉ tay với nông dân là do trốn thuế nên không ghi trị cho lúa. Trước đây chỉ có một số công ty của nhà nước nhưng nay rất nhiều nhà sản xuất, cùng một hoạt chất có rất nhiều tên thương mại, với giá cả chênh lệch rất nhiều.  

Đâu rồi nhà khoa học?

Khi dạy chúng tôi làm lúa, các nhà khoa học nói phải bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Nhưng cân đối là thế nào và tỷ lệ từng loại ra sao thì không ai giải thích. Khi máy sạ lúa theo hàng mới được sử dụng, các nhà khoa học và báo đài đều nói đến ưu điểm tuyệt vời của nó: giảm giống, giảm sâu bệnh, giảm phân mà năng suất lại tăng. Thế là nhiều nông dân vội đi mua máy về làm, kết quả là sau một hai vụ hầu hết họ không sử dụng máy sạ nữa. Lý do là khi nông dân sạ dày, việc bón phân muộn không ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa; còn việc sạ theo hàng đòi hỏi phải bón phân sớm để lúa đẻ kín hàng, nhưng việc bón phân sớm này không có nhà khoa học nào nói cả.

Hiện nay, nông dân cần một loại giống cứng cây, nếu kháng được sâu bệnh càng tốt. Về máy móc, thì cần nhất là máy gặt đập liên hợp và máy cấy. Có một nghịch lý là các nhà khoa học thì khoanh tay; các xí nghiệp cơ khí lớn thì bàng quan trong khi nông dân thì lại lao vào nghiên cứu để cải tiến và chế tạo máy móc: nông dân làm máy cấy, nông dân làm máy gặt đập liên hợp, nông dân làm máy phun thuốc trừ sâu, nông dân làm máy tách vỏ dừa, nông dân làm máy tách vỏ đậu phọng… 

Nhân đây, tôi cũng xin các nhà khoa học đừng để cho các doanh nghiệp quảng cáo thuốc lợi dụng lòng tin của nông dân chúng tôi vào các vị. Xin trả quảng cáo về quảng cáo.

Hiện nông dân chúng tôi cần rất nhiều sự giúp đỡ của Chính phủ: giảm giá các loại máy móc phục vụ nông nghiệp để nhiều người nông dân có thể đầu tư mua sắm, hoàn thiện máy gặt đập liên hợp, hoàn thiện máy cấy, lai tạo một giống lúa cứng cây để gieo sạ vụ hè thu, thực hiện tốt việc phân phối giống lúa đến từng nông dân, công nghệ sau thu hoạch của lúa và các loại cây ăn trái, phát triển các nhà máy đóng hộp các loại cây ăn trái.

Tóm lại, chúng tôi rất cần một nền nông nghiệp có một kế hoạch phát triển rõ ràng.    

HOÀNG KIM (Đồng Tháp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới