Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi niềm xe đạp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi niềm xe đạp

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) – Chỉ ghé một lần mà tôi nhớ mãi hình ảnh một bãi xe đạp rộng, xếp ken kín bên hông chợ quê, như có một nghệ sĩ sắp đặt vừa đi qua. Những chiếc xe gióng ngang, gióng chéo, chiếc có giỏ, chiếc chơ vơ cái khung sườn. Chiếc xe đạp là kỷ niệm tuổi thơ của bao người.

Với tôi, đó là tài sản quý giá trong gia đình, là người bạn chung thủy trong suốt quãng đời đi học, là kỷ niệm gắn với những rung động đầu đời, những xao xuyến tuổi đôi mươi.

Những năm 1980, chiếc xe gióng ngang tróc sơn gần hết, có gắn biển số, vành sau “cởi truồng” của bố đã bao lần chở ba chị em chúng tôi đi chợ, đi chơi tết, đi xem phim mỗi khi có đoàn chiếu phim về thị xã. Một đứa ngồi gióng trước, tay bám ghi đông, hai đứa ngồi yên phía sau, một tay túm chặt áo bố, tay kia giữ chiếc mũ nan bay phần phật.

Sau này, bố mẹ tích cóp mua thêm được chiếc xe Thống Nhất. Cái tên Thống Nhất không chỉ là ước vọng của cả dân tộc bao năm mà còn là ước mơ của nhiều gia đình công chức. Không phải một lần mà mua được. Bố phải mua góp nhiều lần, khi thì chiếc vành, khi thì cái khung. Cuối năm, bố gắp thăm trúng đôi lốp Sao Vàng ở cơ quan, dần dần ghép lại thành chiếc xe đạp nữ cho mẹ đi làm, đi chợ. Rồi lại lắp thêm quả chuông kêu leng keng trên ghi đông, buộc thêm bông hoa hồng nhựa phía trước. Tính tổng trị giá, “ước mơ” của gia đình tôi thời đó phải bằng ba tháng lương của bố mẹ cộng lại.

Chiếc xe ấy là phương tiện mưu sinh của cả nhà. Sáng mẹ chở hai chị em tôi đến trường, giờ hành chính mẹ đi làm, chiều tối hay thứ Bảy, Chủ nhật mẹ thồ hai sọt quần đùi, áo ba lỗ, khăn mặt, muối, đường, bàn chải đánh răng đi vào các xã ở xa trung tâm đổi lấy thóc, ngô. Số tiền lãi ít ỏi từ những vành xe bùn đất của mẹ lại vào cơm, vào gạo, sách vở cho chúng tôi nên người.

Những năm 1990, tôi được thưởng chiếc mini Nhật (xe hàng bãi), sao mà hạnh phúc. Bố ráp thêm cái giỏ xe Phượng Hoàng cũ để tiện đựng cặp sách, áo mưa. Ngoài chiếc khóa có sẵn, còn phải trang bị thêm một khóa dây để khóa bánh trước. Chiếc xe theo tôi chở em gái đến lớp, đi chợ, nấu cơm. Những buổi trống tiết, tôi đạp xe theo lũ bạn ra bờ sông, đi đá bóng, chiếc xe như người bạn chung thủy chở bao ước mơ nhỏ bé của tôi.

Cuộc sống dần thay đổi. Bố tậu được chiếc xe Honda DD đỏ. Rồi chị cả đi làm, tậu được chiếc Honda 82, thế là hai chiếc xe đạp bị treo ra phía sau hiên bếp, bám bụi và tàn tạ. Rồi một ngày, chúng được đi theo bà mua bán đồng nát. Chút xao xuyến trong mắt mẹ, rồi cũng nhường cho những lo toan thường nhật mẹ phải gánh để lo cho bốn đứa con ăn học. Rồi chúng tôi khôn lớn, ra trường, đi làm, chẳng hề nhớ đến “ân nhân” một thời gian khổ.

Từ lâu lắm rồi, tôi dường như đã quên mất cái cảm giác đi xe đạp. Từ lâu rồi, đi làm bằng xe gắn máy, đi chơi cũng xe gắn máy, có lúc xe hơi. Cuộc sống kéo tôi đi thật nhanh, thậm chí đôi lần lấn đường, suýt làm ngã một cụ già hay em nhỏ đang đạp xe. Bây giờ đi xe đạp thật ngại, nên ai cũng béo ra một tí, lười đi một tí. Các cô cậu học trò thành phố giờ cũng chỉ đi xe đạp xịn tính bằng tiền triệu, bận rộn với những ước mơ xe tay ga. Xe đạp loại sản xuất trong nước hay ít tiền chỉ dành cho thị trường nông thôn.

Xe đạp không còn là thước đo sự giàu có và thành đạt. Xe đạp chỉ dành cho những người yếu thế trong xã hội, thậm chí bị rẻ rúng. Cô nhà báo bạn tôi, có tiền mua đủ vài cái ô tô nhưng lại đi làm bằng xe đạp, suốt ngày ca cẩm vì bị hắt hủi, vào cửa hàng người ta không thèm nhìn, thậm chí còn “đuổi”. Vào cơ quan, bảo vệ không cho để xe.

Ở trước nhà tôi, có ngã tư đường, không phải quốc lộ nhưng đủ rộng để người ta đụng xe ngày vài lần. Có những cô cậu sinh viên, nấc nấc lên vài lần rồi nằm xuống. Và nhiều hơn như vậy những người bỗng dưng trở nên tàn phế. Nhưng tôi vẫn gặp, có những người bình an nhưng vẫn không ngớt chửi thề giữa ngã ba vì đèn đỏ, vì chen lấn nhau giành từng chút mặt đường. Người ta đang gồng mình để nhập thêm ô tô, xây thêm nhiều nhà máy lắp ráp xe máy, lấy xe BMW để làm tiêu chí của cuộc đời. Nhưng đổi lại những ước mơ đó là nạn kẹt xe và tai nạn, ô nhiễm và bệnh tật.

Trong rất nhiều ý kiến của lãnh đạo ngành giao thông có rất nhiều giải pháp chống quá tải giao thông đô thị nhưng lại bỏ quên xe đạp. Liệu chúng ta có thể tổ chức “Ngày xe đạp” hàng tháng, liệu các vị lãnh đạo có thể đi làm bằng xe đạp? Liệu Hà Nội hay TPHCM sẽ có những tuyến đường dành riêng cho xe đạp? Bao giờ thế hệ trẻ của chúng ta có nhu cầu đi xe đạp vì thời trang và sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, vừa tiết kiệm và thanh lịch?

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới