(KTSG Online) – Giá cổ phiếu, dầu thô trên toàn cầu đồng loạt lao dốc sau khi giới khoa học cảnh báo một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được WHO đặt tên là Omicron, có khả năng lây lan nhanh hơn cả biến thể Delta, làm dấy lên lo ngại các nước sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Giới đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu
Kết thúc phiên giao dịch hôm 26-11, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ giảm 905,04 điểm, tương đương 2,5%, xuống mức 34.899,34 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 10-2020. Hai chỉ số chứng khoán lớn khác của Mỹ, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt giảm 2,3% và 2,2%. Đối với 3 chỉ số trên, đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất trong ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday), sự kiện mua sắm giảm giá hàng năm ở Mỹ và các nước phương Tây.
Chỉ số VIX, thường được xem là chỉ số đo lường nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư ở Phố Wall, tăng lên mức 28 điểm, cao nhất trong 2 tháng qua.
Giới đầu tư dường như thực hiện lại chiến lược mà họ rút ra từ thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19: bán cổ phiếu ngành du lịch và mua cổ phiếu công nghệ hỗ trợ mọi người làm việc tại nhà.
Giá cổ phiếu của hai hãng du thuyền Carnival Corp. và Royal Caribbean lần lượt giảm 11% và 13,2%. Cổ phiếu của hãng hàng không American Airlines giảm 8,8% và cổ phiếu của chuỗi khách sạn Marriott International giảm gần 6,5%.
Các thị trường chứng khoán ở châu Á cũng chìm trong sắc đỏ, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hồng Kông cùng giảm hơn 2%. Chỉ số STOXX 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, giảm 3,7%. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 6-2020. Tại Đức, chỉ số chứng khoán Dax, gồm 40 cổ phiếu bluechip giao dịch trên sàn chứng khoán Frankfurt, giảm hơn 4%.
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp biến thể mới của Covid-19, được đặt tên là Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở Cộng hòa Botswana (một quốc gia ở miền nam châu Phi), vào danh sách các biến thể đáng lo ngại do có khả năng lây lan cao hơn biến thể Delta. Một biến thể được xem là đáng lo ngại khi nó có tác động đến các yếu tố như khả năng lây lan, độc lực và hiệu quả của vaccine.
Với sự xuất hiện của biến thể Omicron, giới đầu tư lo sợ thành quả của nhiều tháng khống chế dịch Covid-19 có thể bị đảo ngược. Jeffrey Halley, nhà phân tích ở Công ty môi giới ngoại hối Oanda, nói: “Giới đầu tư đang “bán trước hỏi sau” cho đến khi mọi thứ được rõ ràng hơn”.
Tại Nam Phi, số ca nhiễm Covid-19 trung bình hàng ngày ở Nam Phi đã tăng gấp 13 lần sau khi nước này ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên cách đây 3 tuần. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, chỉ riêng tại tỉnh Gauteng, có 77 ca nhiễm được ghi nhận từ ngày 12 đến 20-11.
Cho đến nay, hàng chục nước trên thế giới đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại với Nam Phi và các nước lân cận.
Tất cả 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ 7 nước châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết có rủi ro rất cao biến thể Omicron sẽ lan rộng ở châu Âu.
Lo ngại biến thể Omicron, Anh cũng tạm dừng các chuyến bay từ Nam Phi và 5 nước châu Phi khác. Nhà Trắng thông báo cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi kể từ ngày 29-11.
Giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2020
Thị trường dầu thô quốc tế cũng chao đảo khi giới đầu tư lo ngại biến thể Omicron có thể khiến nhiều nước tái áp đặt lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại khác, làm giảm nhu cầu dầu.
Chốt phiên giao dịch hôm 26-11, chỉ số giá dầu Tây Texas (WTI) tương lai ở thị trường New York cắm đầu giảm 13% và chỉ số giá dầu Brent tương lai ở London tụt 12%.
Cả hai chỉ số này giảm giá mạnh nhất kể từ lúc giá dầu WTI rớt xuống vùng âm vào tháng 4-2020, thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Rory Johnston, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Price Street, nói: “Rõ ràng vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ liệu biến thể mới này có gây ra mối đe dọa thực sự đối với nhu cầu dầu hay không khi mà tỷ lệ người dân tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn cầu tăng mạnh kể từ mùa hè. Nhưng thị trường không chờ đợi để tìm ra câu trả lời”.
Các đợt phong tỏa hồi năm ngoái đã làm giảm nhu cầu toàn cầu tới 20% trong giai đoạn tồi tệ nhất. Nhưng việc nới lỏng các hạn chế đi lại, động thái cắt giảm nguồn cung của liên minh dầu mỏ OPEC+ và các gói chi tiêu kích thích lớn của các chính phủ đã giúp giá dầu phục hồi mạnh mẽ và đã tăng gấp đôi kể từ tháng 11 năm ngoái.
Các nhà phân tích khác dự báo cú sụt giảm đột ngột của giá dầu có thể khiến nhóm OPEC+ dừng triển khai kế hoạch tăng thêm sản lượng trong cuộc họp vào tuần tới.
Neil Shearing, nhà phân tích của Công ty Capital Economics, cho biết: “Giá dầu lao dốc phản ánh lo ngại rằng biến thể mới sẽ dẫn đến hạn chế đi lại rộng rãi và nhu cầu dầu thấp hơn. Nhóm OPEC+ dự kiến phản ứng vào tuần tới và những lo ngại về nhu cầu dầu có thể khiến họ trì hoãn hoặc tạm dừng việc tăng dần nguồn cung theo kế hoạch”.
Cùng ngày, giá trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đẩy lợi suất giảm xuống, khi giới đầu tư đua nhau chuyển tiền vào các tài sản an toàn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản xuống mức 1,49% (1 điểm cơ bản tương đương 0,01%).
Biến thể Omicron có đến 32 đột biến ở protein gai (spike protein), cho phép nó dễ dàng bám vào tế bào cơ thể người hơn. Trong khi đó, biến thể Delta chỉ có 8 đột biến ở protein gai.Với số lượng đột biến vượt trội như vậy, giới khoa học lo ngại biến thể Omicron có thể tăng sức kháng cự với các vaccine Covid-19 hiện nay, dù WHO lưu ý cần mất nhiều tuần điều tra để đưa ra kết luận chính xác.Cho đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh tại Nam Phi. Một số ca nhiễm biến thể này cũng được ghi nhận tại Cộng hòa Botswana, Hồng Kông, Israel, Bỉ. Tại Hồng Kông, có 2 ca nhiễm biến thể Omicron, bao gồm một người đến từ Nam Phi và một vị khách lưu trú cùng khách sạn cách ly với người này.Trao đổi với CNN, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết trong khi sự xuất hiện của biến thể Omicron là điều đáng báo động, các vaccine Covid-19 vẫn có thể ngăn ngừa các triệu chứng nặng ở người nhiễm biến thể này.Ông nói: “Cho đến khi được kiểm nghiệm đúng đắn, chúng ta vẫn chưa biết liệu biến thể này có vượt qua các kháng thể đang bảo vệ bạn chống lại virus SARS-CoV-2 hay không”.
Theo WSJ, CNBC