Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Nói thay những người không nói được!”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Nói thay những người không nói được!”

Nguyễn Nguyên Thảo

Nguyễn Thị Minh Ngọc trong phim Ngọc Viễn Đông.

(TBKTSG) – Sau hai năm bị trì hoãn, phim Ngọc Viễn Đông (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Cường Ngô) sẽ ra mắt khán giả trong nước vào tuần này. Trở về từ Mỹ, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã dành cho TBKTSG cuộc trao đổi không chỉ xoay quanh bộ phim.

TBKTSG: Bộ phim Ngọc Viễn Đông, mà chị vừa là tác giả kịch bản đồng thời là diễn viên, đã được hai giải thưởng tại California Independent Film Festival 14. Trong nước thì tuyển tập truyện Ngọc Viễn Ðông cũng vừa ra mắt đọc giả. Theo chị, Ngọc Viễn Ðông của điện ảnh hay của văn học sẽ thu hút nhiều người hâm mộ trong nước?

– Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Một khán giả của chúng tôi bay từ New York sang California Independent Film Festival 14 để xem phim đã nhận xét rằng: “Khi dòng chữ “Pearls of the Far East” hiện lên báo hiệu kết thúc hoàn toàn, và sau đó màn hình tắt ngúm, vẫn không nghe một tiếng chân bước nào”. Thành thử tôi tin rằng phim và sách đều sẽ tham gia vào ký ức sống đẹp của những ai đến với nó. Bởi vì trong phim và sách đều có những chuyện như Trăng Huyết (Ngô Thanh Vân đóng), Gói Cẩm Lệ (Hồng Ánh đóng) được tôi viết khi còn ở tuổi teen. Sự cô đơn thì nhiều người đã có từ khi còn là bào thai, thậm chí đến lúc chết đi, dù có nằm bên bạn bè chiến hữu hay người thân, thì cũng đâu chắc là chấm dứt cô đơn?

TBKTSG: Từ sáng tác văn học đến tham gia vào bộ phim, hẳn thời gian sống với các nhân vật của Ngọc Viễn Ðông khá lâu dài? Có bao giờ chị sốt ruột vì điều đó?

– Truyện Trăng Huyết viết khi tóc một màu, bây giờ thì tóc có khi nhuộm đủ màu. Truyện Gói Cẩm Lệ, anh Ngụy Ngữ xúi kiếm nhà sản xuất, anh sẽ chuyển thành phim cho từ hồi hai anh em còn độc thân; đến lúc gặp những bạn trẻ như Cường Ngô, Thiện Lê, Tom Yarith Ker, Igor Szczurko hay ông Doug Dales, một người yêu Việt Nam cực kỳ (đã mất khi phim chưa hoàn thành) thì mới thấy, dù có sốt ruột ta cũng đâu thay đổi được gì trước cái chết. Tôi sống, làm việc với lòng tin có một cõi khác luôn phù trợ mình và tin vào chữ “tùy duyên”. Khi gia đình “du mục” của tôi sau năm 1975 bị tịch thu toàn bộ kho sách cùng những rắc rối khác từ… sách, tôi bỗng nhớ câu thơ của A.Block “Ngọn lửa của cách mạng đẹp lắm, nhưng nó cũng đã thiêu hủy thư viện của tôi”. Lúc đó tôi tự nhủ sẽ không mua sách trữ trong nhà nữa mà phải gửi thư viện giữ giùm. Không tin được rằng sau vết thương đó, mình vẫn còn có thể lì lợm in được trên mười đầu sách. Trong truyện Chúng tôi là có nhân vật mang tên Phần Thư có lẽ vì nỗi ám ảnh sách… cháy vẫn còn.

TBKTSG: Trẻ em vị thành niên bị lạm dụng tình dục và sống trong lạc lõng buồn bã – đi vào Ngọc Viễn Ðông tạo thêm sức “nóng” và “nặng”. Dường như tác phẩm của chị luôn khắc khoải về những vấn đề xã hội hơn là thể nghiệm về phương pháp?

– Tôi thường nghĩ mình sáng tác để nói thay những người không nói được vì lý do khách quan nào đó. Nhưng điều quan trọng hơn mà tôi muốn nhấn mạnh là sự bất khả cảm thông giữa người với người. Hay cụ thể hơn là sự cô đơn không dễ xóa bỏ trong tiềm thức của bất kỳ ai.

Làm công việc đào tạo diễn viên, tôi có cơ hội thể nghiệm khá nhiều phương pháp trong cùng một đề tài. Ví dụ như truyện Trong rừng trúc của Nhật được kể với ba kiểu khác nhau về một cái chết. Hay như cô giáo Tường Trân (đã mất) cùng tôi chủ trương cho sinh viên thi hai vở kịch nói nhưng tước hết lời (mà không phải kịch câm)… Tôi không thích những sáng tạo áp đặt và “dạy khôn” khán giả. Nhớ lần chuẩn bị mang một vở có ba đoạn kết đi dự một liên hoan thể nghiệm, ở phía Bắc; nhóm duyệt của thành phố bắt bỏ bớt một đoạn kết. Khi diễn xong, nhiều giám khảo hỏi, còn cái đoạn kết thứ ba đâu? Năm đó tôi được ba giải thưởng: tác giả, đạo diễn và diễn viên. Nhưng không vui. Đó là vì sự bất khả cảm thông giữa tôi và các đồng nghiệp trong nhóm duyệt đã nói.

TBKTSG: Muốn rõ một thực tế thì sống với nó chưa đủ mà nhiều khi cần có khoảng lùi đủ xa. Có phải vì vậy mà gần chục năm đi-về giữa Việt Nam và Mỹ, các đề tài chị chọn thường gắn với thực tế nóng bỏng của xã hội Việt Nam?

– Nhờ sống xa Việt Nam mà tôi hiểu rõ nước mình và con người Việt Nam hơn. Làm chương trình Con Rồng Cháu Tiên cho trẻ con Mỹ xem, tôi thấy đau như dao đâm vào tim mình khi biết nhiều em gái nhỏ là “Con Rồng Cháu Tiên” bị cha mẹ bán cho các “động” ở Campuchia chỉ với 100 đô la Mỹ. Nhiều đứa bé thoát về được lại bị bán thêm lần nữa. Tôi có viết kịch bản về chuyện này nhưng thấy khó tìm được nhà sản xuất vì rủi ro cao quá. Chưa kể, có đạo diễn nói, sang đó tìm thực tế chưa chắc toàn mạng trở về.

TBKTSG: Là người làm nghệ thuật “vừa trong vừa ngoài Việt Nam”, làm sao để giữ thăng bằng trong một đời sống vốn nhiều “rủi ro”?

– Khi còn sống trong nước, tôi đã thường đối diện “rủi ro” nên như được chủng ngừa, đã quen thậm chí miễn dịch rồi. Ðã hơn một lần tôi phải cảm ơn những người đã ghét và cố tình hiểu sai mình. Còn ở nước ngoài thì nhiều tác phẩm tôi có góp tay nhưng tên tôi bị bỏ ra vì vẫn được xếp vào chiếu “người trong nước”. Ðiều tôi buồn nhất là mấy chục năm đã trôi qua nhưng những “rủi ro” lý lịch lẫn tác phẩm vẫn tồn tại trong khi cuộc sống quanh ta đã khác xa lắm rồi.

Phim Ngọc Viễn Đông dài 120 phút, là xâu chuỗi bảy phim ngắn về những chuyện tình buồn của bảy người phụ nữ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Các nữ diễn viên tham gia thủ vai chính là Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Như Quỳnh, Kiều Trinh, Phương Quỳnh, Trương Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Minh Ngọc. Phim do Cường Ngô đạo diễn, Nguyễn Thị Minh Ngọc biên kịch, được khởi quay từ năm 2010 tại Hội An, Sapa, Sài Gòn, Canada…

Ngọc Viễn Đông vừa giành hai giải quay phim và nhạc phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim độc lập California lần 14 (2012). Phim sẽ ra mắt khán giả trong nước vào ngày 8-3-2012.

Trong dịp này, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn cũng cho ra mắt tập truyện ngắn Ngọc Viễn Đông, gồm 10 truyện ngắn do Nguyễn Thị Minh Ngọc viết từ 1970-2006. Sách được in song ngữ Anh- Việt, giá 50.000 đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới