Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nỗi ưu tư của cụ Đồ Chiểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi ưu tư của cụ Đồ Chiểu

Nguyễn Văn Mỹ (*)

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Trong một dịp về thăm Bến Tre, mấy người bạn Việt kiều hồ hởi đưa cả con cái cùng đi để chúng hiểu hơn về nguồn cội cha ông và văn hóa Việt Nam. Chỉ hai ngày một đêm mà biết thêm nhiều thứ, từ các loại cây ăn trái, cây kiểng, các lò kẹo dừa, lò bánh tráng – bánh phồng…, đến các danh nhân văn hóa như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu…

Các cháu nhỏ cứ nhảy cẫng lên: “Việt Nam thật tuyệt!”, còn người lớn thì lộ vẻ trầm tư thắc mắc: “Sao ở Chợ Lách không có lấy một bức tượng nào của nhà bác học Trương Vĩnh Ký – một trong 18 học giả lừng danh nhất thế giới cuối thế kỷ 19 mà ông là người châu Á duy nhất? Tượng còn không có nói chi đến nhà lưu niệm”. Người hướng dẫn du lịch như tôi nghe mà thắt ruột. Miếng sầu riêng đặc sản RI6 tự nhiên đắng ngắt!

Đến Ba Tri viếng mộ cụ Phan Thanh Giản – vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ, vẫn cảm nhận rõ tình cảm quý mến và ngưỡng mộ mà nhân dân trong vùng dành cho ông.

Đến viếng mộ Võ Trường Toản còn buồn hơn. Ông là nhà giáo kiệt xuất của cả vùng Nam bộ, được phong là “sư biểu”. Học trò ông là tam kiệt của Sài Gòn hay “Gia Định Tam Gia” gồm Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức, cùng nhiều nhân vật lỗi lạc khác. Vậy mà mộ của ông lại hết sức khiêm tốn. Cách đây hơn chục năm, khi đến viếng mộ ông, cám cảnh trước ngôi mộ hoang tàn, thầy trò trường THCS Võ Trường Toản ở quận 1, TPHCM đã vận động quyên góp tiền để sửa sang lại.

Du khách có vẻ yên lòng hơn khi viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu nằm bên cạnh ngôi đền thờ bề thế. Ngôi đền thờ được nhiều người khen là đẹp, riêng tôi thấy nó cũng chỉ theo mô típ… “nhân bản”, cũng giống như bao đền thờ mới xây khác. Và trong số hàng trăm bức ảnh, hiện vật được trưng bày nơi đền thờ cụ Đồ, người ta chỉ thấy có vỏn vẹn hai bức tranh về ông: một bức vẽ chân dung, bức còn lại vẽ cảnh ông đang dạy học. Còn lại toàn bộ là ảnh của các vị lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương.

Cũng không thấy hình ảnh của nhân dân, của các cụ già, các cháu học sinh cả nước đến viếng ông. Có lẽ ý đồ của cơ quan quản lý là muốn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đối với ông nhưng lại vô tình phản tác dụng. Có khách tham quan đã ví đền thờ cụ Đồ là phòng triển lãm… ảnh các vị lãnh đạo. Một người thẳng thắn nêu thắc mắc: “Sao không dùng tranh ảnh minh họa cuộc đời ông để người tìm hiểu dễ thuộc, dễ nhớ? Du khách chúng tôi đến viếng cụ Nguyễn Đình Chiểu chứ không phải để xem hình ai đó!”.

Họ cũng tỏ ra khó chịu khi hai bên đường từ đền thờ ra phía ngoài có rất nhiều ghế đá đề chi chít những dòng chữ về các đơn vị gửi tặng. Họ bực dọc: “Còn hơn cả quảng cáo. Bỏ ra vài trăm ngàn đồng được quảng cáo suốt đời mà lại đề là “TẶNG”! Tặng quà, chẳng ai kể công kiểu đó!”…

Những điều này, ban đầu, người Việt trong nước cũng thấy khó chịu nhưng riết thành quen. Còn người Việt ở nước ngoài và du khách quốc tế thì khó lòng chấp nhận. Nghe họ phàn nàn, tôi bỗng thấy ánh mắt của cụ Nguyễn Đình Chiểu như toát lên một vẻ ưu tư thật xa xăm… cho dù cụ bị mù lòa.

______

(*) Lửa Việt & Tavitour

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới