Nôn nao ngày về quê
Các chợ hoa tết ở TPHCM đã mở cửa càng làm cho những người xa quê thêm nôn nao ngày về quê ăn tết - Ảnh: Hữu Thắng. |
(TBKTSG Online) - Có lẽ không khí tết đến với tôi bắt đầu từ sáng nay, 19-1, một ngày đầu tuần mà lẽ ra mọi khi tôi chở con gái đi học vào 6 giờ sáng kết hợp luôn với việc tới cơ quan thì sáng nay được phép ngủ muộn hơn khi con gái đã nghỉ học đón tết.
Không khí tết dâng lên trong lòng tôi khi đi ngang qua công viên Gia Định, nơi mà thứ Sáu cuối tuần trước vẫn bình thường thì sáng sớm nay là một chợ hoa lớn với những dãy hoa cúc vàng tươi khiến tôi phải chạy chậm lại bên lề đường ngắm nhìn. Vậy là một cái tết sắp đến rồi.
Hình ảnh chợ hoa công viên Gia Định như nhắc tôi nhớ về quá khứ, về quê hương của mình suốt chặng đường hơn 7 cây số trên đường tới cơ quan. Hồi còn nhỏ, vào mọi năm cũng độ này, tôi bắt đầu phụ giúp ba bứng mấy cây hoa vạn thọ trồng ở ven sân nhà vào các chậu kiểng. Những năm ba tôi trồng vạn thọ không “trúng tết” (ra hoa quá sớm hoặc quá muộn), ba tôi dắt tôi qua hàng xóm xem nhà ai trồng vạn thọ “trúng tết” thì xin vài cây để trồng cho có hương vị tết, hoặc nếu cần thì trao đổi vạn thọ với hoa thược dược, hay hoa cúc đá có sẵn trong vườn.
Không biết ở những nơi khác thì sao chứ quê tôi, tết là phải có hoa vạn thọ trồng trong chậu, mé sân hay cắt cắm trong bình đặt trên bàn thờ tổ tiên, trông mới ra cái tết. Ba tôi đã mất gần 5 năm, không biết giờ này mẹ già tôi ở quê có trồng được cây vạn thọ nào không nữa, không biết thằng em trai tôi nhà ở gần đó có biết cách trồng vạn thọ cho “trúng tết” không nữa?
Xa quê đã hơn 15 năm và hiếm có dịp đoàn tụ gia đình ăn cái tết như lúc còn trẻ thơ nhưng trong đầu tôi, tiếng heo bị chọc tiết kêu eng éc đâu đó trong làng những ngày này khiến lũ trẻ chúng tôi vui như hội, vì thế nào cũng có bữa cháo lòng no chặt bụng. Quê tôi nghèo, nông dân cũng ít tiền mặt nên gần tết, năm bảy gia đình trong dòng họ hay chòm xóm, chung lúa, chung tiền kiểu hùn nhau để “giang tay” (thuật ngữ hùn hạp làm thịt heo tết), kiếm con heo cũng của nhà ai đó để giết thịt và chia nhau ăn tết.
Ngày trước quá nghèo thì lựa heo nhiều mỡ, gần sau này khấm khá hơn thì lựa heo nhiều nạc, nhưng dù kiểu gì thì khi giết heo xong, cũng có một nồi cháo lòng ăn cho ấm bụng trước khi chia thịt. Bây giờ tôi đã đi nhiều nơi mà sao vẫn thấy không ở đâu có nồi cháo lòng hàng chục người ăn lại ngon như quê tôi, nó có vị đắng của mật heo vừa mổ xong bỏ vào nồi cháo, vị tươi của lòng heo vừa làm xong.
Chia thịt xong, mẹ tôi mang về đựng trong cái nia to mà mọi ngày dùng để xàng xảy gạo lúa và tính toán chi li món thịt đùi thì để dành nấu cúng ngày nào, thịt lưng thì ăn ngày nào, để tằn tiện cho qua bảy ngày tết như cách nói dân dã. Mấy đứa em gái nhỏ thì dùng đũa tre tập tành đánh bột khoai với trứng vịt, trứng gà để đổ bánh thuỗng, bánh kẹp, các loại bánh sở trường ngày tết của quê tôi. Con trai như tôi thì vác cuốc qua bên kia sông đi dẩy mã tổ tiên (như tảo mộ ở các nơi khác), dọn dẹp phát quang cây cỏ ven mồ mả rồi theo ba đi thắp từng nén nhang cho từng ngôi mộ.
Tết ở quê vui lắm, nhộn nhịp nhất có lẽ là không khí chuẩn bị tết. Lâu lắm rồi tôi không ăn tết quê, năm nay tôi tính về ngày cận tết chợt nôn nao, lo lắng không biết giờ này, mẹ tôi đã “giang tay” thịt heo với nhà nào chưa để con cháu ngày mùng 1 tết có miếng thịt nướng mà ăn; mồ mả ông bà tổ tiên không biết mấy đứa em ở quê có lo lắng không nữa? Mấy chú của tôi chắc thế nào đi ngang qua nhà cũng ghé hỏi thăm năm nay vợ chồng tôi có về quê ăn tết không nữa.
Tôi biết giờ này, mẹ tôi ở nhà đang đếm từng ngày, không phải trông chờ tết đến, mà chờ tôi về nhà. Ban ngày bà ra đầu ngõ nhìn về cánh đồng làng trước mặt, ban đêm nghe tiếng chó sủa chắc bà cũng giật mình chờ tiếng gọi đứa con.
Không nôn nao làm sao được!
VÕ MINH DUY (TPHCM)