Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân bán chịu cá tra cho nhà máy: Rủi ro chực chờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân bán chịu cá tra cho nhà máy: Rủi ro chực chờ

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Do tin tưởng doanh nghiệp làm ăn uy tín cùng với phương thức bán cá tra là nông dân bán trước, doanh nghiệp trả tiền sau mà những năm qua, không ít hộ nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đành ngậm bồ hòn làm ngọt khi bị các doanh nghiệp “quỵt” nợ hoặc dây dưa trong trả nợ tiền cá đã mua.

Nông dân bán chịu cá tra cho nhà máy: Rủi ro chực chờ
Nông dân bán cá tra chịu nhiều rủi ro với phương thức thanh toán bán cá chịucho doanh nghiệp. Trong ảnh là nông dân huyện Châu Phú, An Giang đang cho cá tra ăn – Ảnh: Trung Chánh

Bán được cá chưa hẳn đã thu được tiền

Đầu tháng 12 này, giới nuôi cá tra tại TP Cần Thơ không ngớt bàn tán chuyện một công ty thủy sản ở thành phố này bị 2 hộ dân nuôi cá tra kiện ra tòa án đòi tiền bán cá hơn 20 tỉ đồng mà công ty này chưa trả gần nửa năm qua kể từ ngày bán cá vào tháng 5, 7, trong khi lúc mua công ty hứa thanh toán sau 20 ngày lấy cá.

Trước đó, vào cuối tháng 3 năm nay, hàng chục hộ dân ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ cũng gửi đơn tới cơ quan công an tỉnh Sóc Trăng nhờ giúp đỡ vì họ đã bán cá tra cho một doanh nghiệp tư nhân ở Sóc Trăng theo hình thức doanh nghiệp mua cá trước, trả tiền sau nhưng sau một thời gian mà không thấy doanh nghiệp trả tiền.

Chuyện doanh nghiệp mua cá tra của nông dân theo dạng trả tiền sau nhưng không trả hoặc trả dây dưa xảy ra không phải mới đây. Vào tháng 5/2008, hàng chục hộ dân nuôi cá tra tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long cũng điêu đứng vì trót báncá tra nguyên liệu cho một doanh nghiệp tư nhân ở An Giang trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng doanh nghiệp dây dưa không trả tiền, thậm chí có hộ dân bị "quỵt" nợ.

Thay đổi cách mua bán

Nhiều năm qua,  bà con nuôi cá tra khi thực hiện giao dịch mua bán với các doanh nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản thường chọn phương thức giao cá trước nhận tiền sau vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Hoàng- một hộ nuôi cá tra thương phẩm tại xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết: “Trước đây, khi tôi bán cá, các doanh nghiệp thu mua thường đưa ra điều kiện là giao cá cho họ trước, sau đó mới thanh toán tiền, nếu không họ sẽ không mua. Thông thường thời hạn doanh nghiệp cam kết trả tiền mua cá là 15, 20 ngày hoặc 1 tháng…, là tùy thuộc vào thương lượng giữa 2 bên”.

Theo bà con nuôi cá tra tại huyện Châu Phú,  An Giang, khi bán chịu, doanh nghiệp sẽ thu mua cá nguyên liệu cao hơn so với mức giá khi bán lấy tiền liền. Ông Trần Văn Tách, xã Phú Bình, huyện Châu Phú, An Giang cho biết: “Đặt trường hợp giá cá tra nguyên liệu trên thị trường là 28.000 đồng/kg (cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu). Nếu doanh nghiệp mua chịu khoảng 15 ngày sau thanh toán tiền thì giá có thể là 28.200 hoặc 28.300 đồng/kg, cao hơn 200-300 đồng/kg so với bán lấy tiền ngay”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cho biết, trên danh nghĩa khi bà con nuôi cá bán chịu cho doanh nghiệp, giá có cao hơn so với bán lấy tiền liền. Thế nhưng, thực tế giá bán lại không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với bán lấy tiền liền vì trong khoản thời gian chờ doanh nghiệp thanh toán tiền, bà con là người phải chịu chi phí phát sinh (lãi suất vay ngân hàng, vay bạn bè…) do thời gian trả nợ kéo dài theo thời gian chờ nhận tiền từ doanh nghiệp.

“Không chỉ vậy, bán trước nhận tiền sau còn tiền ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn như doanh nghiệp “quỵt” nợ. Vì vậy, bà con nuôi cá tra cần phải thay đổi phương thức mua bán để có thể giữ quyền chủ động hơn”- ông Nguyên khẳng định.

Giá cá tra nguyên liệu giảm nhẹ

Thông tin từ AFA cho biết, tuần qua giá cá tra nguyên liệu tại thị trường An Giang giảm nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức tương đối cao.

Cụ thể, đối với cá tra có kích cỡ 0,7-1 kg/con được các doanh nghiệp thu mua với mức giá dao động từ từ 28.000-28.200 đồng/kg. Đặc biệt, với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được Công ty cổ phần Việt An (Anvifish), phường Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang thu mua với giá cao nhất lên đến 29.150 đồng/kg.

Theo AFA, tại thị trường An Giang chưa ghi nhận được hộ nuôi cá tra nào bán được với mức giá 29.500 đồng/kg như một số tờ báo đã nêu thời gian qua. AFA cho biết, tuần qua, sản lượng cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp sử dụng chế biến xuất khẩu là 5.252 tấn, tăng 275 tấn so với tuần trước đó.Box:

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới