Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân bỏ mía, nhà máy đường đóng cửa: hãy để thị trường tự điều chỉnh!

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên quan đến tình trạng các nhà máy đường đóng cửa, nông dân bỏ qua cây mía đã được KTSG Online phản ánh, lãnh đạo địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, đây là vấn đề của thị trường hãy để thị trường tự điều chỉnh.

Nông dân có tiếp tục theo cây mía hay không hãy để thị trường tự điều chỉnh. Ảnh: Trung Chánh

Trả lời câu hỏi của KTSG Online, liên quan vấn đề nêu trên, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nông dân sản xuất mía đường phát triển, tuy nhiên, giữa hai đối tượng này vẫn “không đến được với nhau”.

Theo ông, địa phương hỗ trợ nhưng câu chuyện cuối cùng cũng phải trở về quy luật của thị trường, tức doanh nghiệp mua mía giá cao sẽ không vượt qua được sự cạnh tranh với đường Thái Lan dẫn đến thua lỗ. Trong khi đó, người nông dân không được doanh nghiệp tạo lợi nhuận dài hạn, không có ký kết hợp đồng lâu dài, dẫn đến phải bỏ mía.

Một dẫn chứng được ông Thành đưa ra, đó là với cây quýt đường Long Trị vì mang lại lợi nhuận cho nông dân Hậu Giang lên đến khoảng 1 tỉ đồng/héc ta, cho nên, khi cây trồng này gặp dịch bệnh, thì địa phương ra sức hỗ trợ để phục hồi lại.

“Trái cây tính chung mang lại lợi nhuận khoảng 250-300 triệu đồng/héc ta/năm; lúa 50 triệu đồng/héc ta/năm. Trong khi đó, với cây mía, tôi vừa khảo sát, gặp bà con nông dân thì được biết lợi nhuận chỉ 5-10 triệu đồng/héc ta/năm”, ông Thành dẫn chứng lợi nhuận giữa các loại cây trồng ở Hậu Giang và cho rằng, không thể cưỡng ép doanh nghiệp tăng giá thu mua để bà con nông dân “bám trụ” với loại cây mía được.

“Hãy để thị trường điều chỉnh cái này (ý nói câu chuyện nông dân bỏ mía, doanh nghiệp đóng cửa nhà máy- PV)”, ông Thành nhấn mạnh và cho biết, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và bà con nông dân, thậm chí địa phương nghiên cứu để chuyển đổi mía đường cho bà con nông dân.

Quan điểm của tỉnh Hậu Giang, đó là vì quyền lợi của bà con nông dân trên hết và đồng hành cùng doanh nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp không đáp ứng được lợi ích của bà con nông dân, thì cũng cần phải tính toán lại, theo ông Thành.

Trước đó, trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Quang Vinh, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) xác nhận, ở thời kỳ đỉnh cao, khu vực ĐBSCL có cả chục nhà máy đường hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ba nhà máy duy trì hoạt động nhưng trong trạng thái cầm chừng.

Theo đó, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy đường là vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất bị “xoá sổ” vì tình trạng quản lý, điều hành yếu kém của các doanh nghiệp.

Đối với một trong số các nhà máy còn hoạt động, thì một cổ đông lớn của Casuco khi trao đổi với KTSG Online cũng xác nhận, đơn vị này đã phải nhiều lần thay đổi kế hoạch sản xuất của niên vụ 2022-2023 do thiếu hụt mía nguyên liệu phục vụ hoạt động của nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).

Cụ thể, niên vụ 2022-2023, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 14.550 tấn nguyên liệu, tương đương chỉ 1 tuần hoạt động, trong khi kế hoạch đưa ra hồi đầu tháng 11-2022 là khoảng 80.000 tấn. Thậm chí, trong thời điểm đỉnh cao vào niên vụ 2017-2018, nhà máy này ép được trên 950.000 tấn.

Điều đáng nói hơn theo lời vị cổ đông lớn nêu trên, khả năng đơn vị này sẽ phải đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp và tính đến phương án giải thể doanh nghiệp nhằm để tránh lỗ mất vốn của Casuco cũng như giúp nông dân tránh gặp các rủi ro.

Trong khi đó, ở khía cạnh sản xuất, riêng tỉnh Hậu Giang, địa phương có diện tích mía lớn nhất ĐBSCL, từ chỗ mỗi năm có khoảng 14.000-15.000 héc ta diện tích sản xuất cách đây khoảng 7-8 năm, thì hiện chỉ còn khoảng 5.000 héc ta, tức đã giảm khoảng 70% diện tích chỉ trong một thời gian khá ngắn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì phải quá lo lắng. Nông dân ta hoàn toàn có thể thích nghi với chiến lược chọn/ bỏ ngành mía đường. Điều quan trọng là nhà nước và các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong chính sách tái cơ cấu, đúng hướng và đúng tầm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới