Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân chưa đủ “sức” để đẩy mạnh cơ giới hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân chưa đủ “sức” để đẩy mạnh cơ giới hóa

Trung Chánh

Nông dân chưa đủ
Nông dân chưa đủ điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa để thoát nghèo. Trong ảnh là nông dân đang sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đẩy mạnh đầu tư vào cơ giới hóa sản xuất lúa được xem là “bài toán” giúp nông dân tăng thêm thu nhập, qua đó, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thế nhưng, trên thực tế, đây có phải là cách mà đa số nông dân đều có thể áp dụng được?

Trình bày tại hội thảo khoa học “Đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ hôm nay, 8-9, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm sản, thủy sản và nghề muối, thừa nhận tốc độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, gạo những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể hơn so với trước.

“Chẳng hạn, nếu như trong những năm 2006-2008, chúng ta chưa có máy gặt đập liên hợp, thì hiện nay toàn vùng ĐBSCL đã có 14.000 máy, đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu thu hoạch của vùng”, ông cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm “sáng” của khâu thu hoạch, thì vẫn còn nhiều công đoạn khác có mức độ áp dụng cơ giới hóa rất thấp, nhất là ở khâu chăm sóc trước và sau thu hoạch.

Cụ thể, theo ông Bảnh, đối với khâu sấy lúa, hiện toàn vùng ĐBSCL chỉ mới đáp ứng được 46% sản lượng lúa sản xuất ra và 54% còn lại vẫn phải phơi sấy thủ công nhờ vào điều kiện tự nhiên của thời tiết, cho nên chất lượng sản phẩm chưa như mong đợi.

Còn đối với khâu phun xịt thuốc, bón phân và gieo cấy lúa (chăm sóc), tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào những khâu này chỉ đạt lần lượt là 20% và 45%, trong khi đây lại là những khâu quan trọng giúp giảm chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất của người nông dân.

“Dùng máy cấy lúa sẽ giúp tiết kiệm được 30-40 kg giống/héc ta so với phương pháp sạ tay truyền thống; tránh được ốc bươu vàng do lúc cấy, mạ cây lúa đã được hơn 2 lá; giảm thời gian lúa đứng trên đồng 10-15 ngày, rất phù hợp với vùng cần né hạn, mặn”, ông Bảnh cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện cơ điện và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), cho biết để giải quyết “bài toán” tăng thu nhập của nông dân cần phải đẩy mạnh đưa cơ giới hóa nhằm kéo giảm tỷ lệ tổn thất thu hoạch 12-14% như hiện nay xuống mức thấp hơn, qua đó, giúp tăng thu nhập của người nông dân.

Song song đó, ông Tấn cũng khuyến cáo cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị các sản phẩm từ lúa gạo như sản xuất nấm rơm, dầu cám gạo, sản xuất củi trấu…

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là tại sao nông dân không đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ trước, trong và sau thu hoạch để tiết kiệm được chí trong quá trình sản xuất?

Theo ông Bảnh, ngoài yếu tố đất đai manh mún, bình quân diện tích sản xuất của nông hộ chỉ 0,3 đến 0,5 héc ta, thì chi phí đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch quá lớn cũng là một sự cản trở đối với người nông dân.   

Trao đổi thêm với TBKTSG Online bên lề hội thảo này, ông Bảnh đặt vấn đề: “Một ông nông dân chỉ có 2-3 công (2.000-3.000 m2) đất, liệu ổng có đầu tư máy gặt liên hợp, máy làm đất với giá trị vài trăm triệu đồng hay không?”.

Hay việc đầu tư nhà máy sản xuất củi trấu, nhà máy trích ly tinh dầu cám từ cám gạo…, rõ ràng trên thực tế nó sẽ đem lại nhiều lợi ích và giúp gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, “nhưng với “sức” của nông dân làm được không?”, ông Bảnh hỏi.

Như vậy, công nghệ chỉ mới là yếu tố “cần” và đòi hỏi phải có nhiều yếu tố “đủ” khác nữa để có cả yếu tố “cần và đủ” trong việc giúp nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm lúa gạo, qua đó, tăng thu nhập cho người nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới