Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân đã được nuôi tôm thẻ chân trắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân đã được nuôi tôm thẻ chân trắng

Từ nay nông dân ĐBSCL được nuôi tôm thẻ chân trắng có năng suất cao nhưng chi phí thấp – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)đã đồng ý cho phép các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của bộ.

Quyết định này đã chấm dứt việc tranh cãi gần 7 năm qua là có nên nuôi tôm thẻ chân trắng ở phía nam hay không.  

Theo đó, trại sản xuất tôm thẻ chân trắng giống tại các tỉnh thuộc ĐBSCL phải nằm trong vùng sản xuất giống tập trung đã được bộ quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, có công suất 500 triệu tôm post15 (tôm ấu trùng) trở lên mỗi năm.

Riêng đối với trại giống tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có thêm yêu cầu là phải nằm trong vùng đã được địa phương quy hoạch, nhưng công suất giảm một nửa so với trại tôm ở ĐBSCL (tối thiểu 250 triệu tôm post 15/năm).  

Việc nuôi tôm phải được thực hiện nghiêm theo Tiêu chuẩn 28 TCN 191: 2004 về vùng nuôi tôm; điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2004/QĐ-BTS, ngày 14/1/2004, của Bộ Thủy sản trước đây.

Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Thuỷ sản các tỉnh, các ban ngành địa phương quản lý, hướng dẫn phát triển nuôi tôm chân trắng theo kế hoạch, quy hoạch. Đồng thời, cần kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp nuôi tôm chân trắng không đúng quy định, sản xuất, lưu hành tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng để tôm thẻ chân trắng thoát ra các vùng nước xung quanh, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh vùng nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng cũng yêu cầu Vụ Nuôi trồng Thủy sản của bộ sớm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống, trại sản xuất giống, tiêu chuẩn về tôm bố mẹ, tiêu chuẩn tôm thẻ chân trắng phục vụ sản xuất thâm canh. Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn phối hợp với Vụ Nuôi trồng Thủy sản chỉ đạo các địa phương nghiên cứu tổ chức sản xuất để các nhà máy chế biến xuất khẩu tham gia nuôi tôm chân thẻ  trắng, xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng, khuyến khích đầu tư, tạo mối liên kết 4 nhà (khoa học – sản xuất – đầu tư – doanh nghiệp) để phát triển tôm thẻ chân trắng tạo nguồn nguyên liệu an toàn trên cả nước.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT,  tôm thẻ chân trắng đã và đang nuôi phát triển theo chiều hướng tốt trên vùng đất thịt, đất cát từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Sản lượng tôm thẻ chân trắng chiếm 5-7% sản lượng tôm nuôi trên phạm vi cả nước. Nhiều cơ sở nuôi đạt năng suất cao, từ 12-14 tấn/héc ta, hiệu quả kinh tế khá, thị trường thế giới có nhu cầu lớn.

Bộ này cũng công nhận, việc nuôi tôm sú cũng bị “đe dọa” do phải cạnh tranh gay gắt với tôm thẻ chân trắng. Giá thành nuôi 1 kg tôm thẻ chân trắng nguyên liệu chỉ gần 30.000 đồng, trong khi nuôi 1 kg tôm sú tốn 65.000-75.000 đồng. Thị phần xuất khẩu mặt hàng tôm sú chế biến của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của việc tăng sản lượng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan. Do vậy, mặc dù cho phép đa dạng hoá đối tượng nuôi, Bộ NN-PTNT khuyến cáo trong những năm tới tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực tại ĐBSCL.

Chủ trương của Bộ là cho phép nuôi tôm chân trắng để đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập, tận dụng tiềm năng diện tích đủ điều kiện nuôi. Song, cần tránh tình trạng nuôi ồ ạt không đủ điều kiện dẫn đến rủi ro đáng tiếc xảy ra.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới